Nhân vật chính trong cuốn sách này không phải là con người hay con vật, mà là một đồ vật tưởng như vô tri vô giác nhưng lại được thổi hồn sinh động - một chiếc máy ảnh có tên là Cà Nóng (Việt hoá từ Canon).
Lăng kính của cậu máy ảnh này đóng vai trò như đôi mắt của người kể chuyện, dẫn người đọc đến với một trong những điểm xa xôi nhất của Tổ quốc, một nơi mà không phải ai cũng có thể đặt chân tới, một nơi mà ta hết lòng yêu mến và bảo vệ. Nơi đó là quần đảo Trường Sa.
Câu chuyện của một chiếc máy ảnh
Mở đầu cuốn sách là một câu chuyện cổ tích về nàng tiên biển đã dùng thân mình để bảo vệ người dân trước những cơn mưa giông biển động. Nơi nàng tiên ấy nằm xuống ngày nay gọi là đảo Tiên Nữ, đánh dấu chủ quyền của đất nước ta trên vùng biển Trường Sa.
Chiếc máy ảnh Cà Nóng đi theo cô chủ, dưới sự phân công của tòa soạn tờ báo cô đang làm việc, lần đầu tiên được Trường Sa. Đó là một vinh dự lớn lao, mà theo lời bác Tê Lê - một chiếc máy ảnh lão làng thì "đời một thằng máy ảnh, sướng nhất là được ra Trường Sa chụp ảnh đó con".
|
Cuốn sách Cà Nóng chu du Trường Sa. Ảnh: Thành Đông.
|
Đến với Trường Sa, cậu ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ tại đảo Song Tử Tây, được trò chuyện cùng lão Ca - một bác chim già trên đảo Sơn Ca, có nhiều kỷ niệm vui với những chú chó trên đảo Đá Nam, rồi có cả một chương trình phát sóng dành riêng cho đội máy ảnh, chứng kiến buổi tưởng niệm trên đảo Gạc Ma...
Chuyến chu du của cậu máy Cà Nóng kịch tính đến bất ngờ, đưa người đọc đến khắp các hòn đảo lớn nhỏ trong quần đảo Trường Sa. Mỗi nơi đi qua cậu đều lưu giữ lại những bức ảnh đáng quý, đáng trân trọng để có thể kể lại cho những thế hệ sau về một phần Tổ quốc tươi đẹp ở ngoài khơi xa.
Tác phẩm biển đảo dành riêng cho thiếu nhi
Người đưa Cà Nóng đến với bạn đọc cả nước là tác giả Bùi Tiểu Quyên. Cuốn sách Cà Nóng chu du Trường Sa được chị viết sau chuyến công tác 9 ngày nơi đầu sóng vào năm 2019. Xúc động trước vẻ đẹp và tình người nơi đây, chị đã sáng tác riêng một tác phẩm về Trường Sa, với hy vọng có thể đưa mảnh đất này đến gần hơn với bạn đọc trên đất liền.
Ý tưởng chọn chiếc máy ảnh làm nhân vật chính có thể coi là một bút pháp độc đáo của Bùi Tiểu Quyên. Theo chị, kể một câu chuyện về biển đảo qua lăng kính của người trưởng thành có thể dễ dàng hơn với tác giả nhưng chắc chắn sẽ rất khó chinh phục các em nhỏ. Vậy nên một đồ vật biết nói chuyện, biết suy nghĩ như Cà Nóng sẽ khiến câu chuyện trở nên gần gũi hơn với các em.
Không chỉ dừng lại ở nghệ thuật nhân hoá đồ vật, Bùi Tiểu Quyên còn khéo léo lồng ghép nhiều kiến thức biển đảo, tự nhiên và môi trường trong cuốn sách của mình.
Tư liệu sáng tác của chị nằm ở chính những quan sát và trải nghiệm sau hải trình 9 ngày thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam, được ghi chép tỉ mỉ theo ngày. Riêng các thông tin về vị trí địa lý, khí hậu, đặc điểm… của các điểm đảo được chị tham khảo từ cuốn Cẩm nang hành trình của Đoàn công tác số 07-2019.
Cuốn sách cũng giới thiệu nhiều tác phẩm văn học viết về chủ đề biển đảo của thế giới cũng như Việt Nam, có thể kể đến Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verne hay Đảo chìm của Trần Đăng Khoa. Nhiều bài hát tự hào về biển đảo Việt Nam cũng được nhắc đến.
Theo lời Bùi Tiểu Quyên, chị đã "tự xem mình là Cà Nóng, để hòa vào thế giới của những chiếc máy ảnh - thế giới trẻ thơ một cách trong trẻo, hồn nhiên mà cũng hài hước nhất có thể". Có thể nói Cà Nóng chu du Trường Sa đã kết hợp tinh tế giữa thông tin khô khan và chất liệu văn học nghệ thuật mềm mại để có thể truyền tải đến độc giả nhỏ tuổi một câu chuyện hữu ích về Trường Sa.
Có một kho báu Trường Sa
"Trường Sa chẳng phải là kho báu sao?... Nếu không, sao hàng thế hệ con người đã đến đấy, gìn giữ, bảo vệ. Cần gì phải một hành trình đi tìm kho báu hữu hình?". Đó là câu nói của So - một chiếc máy ảnh đồng hành cùng Cà Nóng trong chuyến hải trình.
Và quả đúng như vậy, Trường Sa hiện lên trong cuốn sách thực sự là một kho báu. Giữa mênh mông biển cả, bốn bề chỉ có đường chân trời xa tít lại được thấy dáng hình đất nước. Trường Sa đã ở đó hàng trăm năm, trải qua bao biến động cùng đất nước. Nơi đầu sóng với điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng hàng thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu giữ gìn, dựng xây, bảo vệ.
Tác giả Bùi Tiểu Quyên chia sẻ lại nỗi xúc động khi lần đầu được đặt chân đến: "Ở Trường Sa, một chiếc lá rau xanh cũng có thể kể cho ta nghe câu chuyện về hành trình trồng rau khó khăn của chiến sĩ và nhân dân giữa biển khơi. Một viên gạch có khắc Quốc huy Việt Nam đủ khiến ta rưng rưng nước mắt. Một lời chia tay trên bến cảng chiều hôm cũng khiến lòng se thắt mỗi khi nhớ về: 'Trường Sa vì Tổ quốc!'".
|
Tác giả Bùi Tiểu Quyên tại đảo Đá Nam, thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: NVCC.
|
Cuốn sách Cà Nóng chu du đến Trường Sa như lời nhắc nhớ thế hệ tương lai của đất nước, thêm hiểu biết và yêu mến quần đảo ở ngoài xa này, luôn giữ trong mình niềm tự hào về mảnh đất thuộc chủ quyền quốc gia.
Sau thành công của tác phẩm này, Bùi Tiểu Quyên tiếp tục tham gia vào dự án sáng tác Em yêu Việt Nam mình, trong đó có chủ đề biển đảo. Chị mong muốn những thế hệ bé thơ sau này lớn lên, nếu có đọc được những tác phẩm về Trường Sa đều sẽ hiểu và yêu hơn biển đảo của Tổ quốc mình.
Cuốn Cà Nóng chu du Trường Sa tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức, dự kiến trao vào đầu tháng 10.