Tỷ phú Neil Patel là đồng sáng lập các công ty phân tích số liệu khách hàng Crazy Egg, Hello Bar và KISSmetrics. Sự nghiệp thành công và lối sống tối giản đã khiến Neil Patel trở thành tấm gương khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ.
Doanh nhân thành đạt
|
Tỷ phú Neil Patel. Ảnh: CNN. |
Sinh ngày 24/4/1985 tại London, Anh, tỷ phú Neil Patel nổi tiếng là một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới. Anh là một doanh nhân, chuyên gia marketing nổi tiếng. Neil Patel đã giúp nhiều công ty như Amazon, NBC, GM, HP và Viacom tăng trưởng doanh thu.
Doanh nhân Neil Patel còn khiến nhiều người ngưỡng mộ khi là người đồng sáng lập 3 công ty phân tích số liệu khách hàng: Crazy Egg, Hello Bar và KISSmetrics.
Sự nghiệp kinh doanh của Neil Patel ngày càng ăn nên làm ra. Doanh nghiệp của anh được xếp vào top 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất trên thế giới. Anh cũng có tên trong top 100 doanh nhân kiệt xuất nhất dưới 35 tuổi của Mỹ.
Với sự nghiệp thành công, tài sản của Neil Patel ngày càng tăng, giúp anh gia nhập giới tỷ phú. Giàu có và thành công, Neil Patel trở thành một trong những người lập nghiệp thành công nhất khi sở hữu 2 doanh nghiệp và 1 blog cá nhân đầy tiềm năng.
"Không cần phải thông minh mới thành công"
|
Ảnh: Neil Patel. |
Mỗi doanh nhân thành đạt thường có những bí quyết thành công riêng và Neil Patel cũng vậy. Tỷ phú này đã có những chia sẻ cởi mở về bí quyết kinh doanh, giúp anh đạt đến thành công như ngày nay.
Theo Neil Patel, bạn không cần phải là người thông minh nhất thì mới trở thành một doanh nhân thành công mà quan trọng hơn bạn cần tuyển được những người thông minh và biết cách đặt họ vào đúng vị trí. Có như vậy, họ mới phát huy tối đa khả năng của bản thân để hoàn thành công việc một cách xuất sắc nhất.
Đối với những người tự nhận bản thân là người kém thông minh thì điều đó sẽ khiến họ từ bỏ ước mơ muốn trở thành một doanh nhân thành đạt. Thành công không nhất thiết phải thông minh. Người thành công là người biết thuê những người thông minh tài giỏi làm việc cho mình.
Tỷ phú Neil Patel cũng giống như nhiều doanh nhân khác trước khi thành công đã gặp một số thất bại. Nhưng điều quan trọng là ông biết cách chấp nhận thất bại và từ đó rút ra những bài học để lần sau thành công.
Neil Patel từng chia sẻ khi gặp thất bại đầu tiên, anh mất 2 năm mới thoát khỏi được sự ám ảnh trong khi lẽ ra nó không nên kéo dài quá 2 tuần. Anh đã không chấp nhận thất bại và giữ sự ám ảnh quá lâu khiến bản thân mất nhiều thời gian để bắt đầu lại.
Doanh nhân Neil Patel cho rằng, bất cứ ai khi khởi nghiệp đều có thể gặp thất bại nhưng quan trọng là phải thừa nhận sự thất bại. Thất bại là một phần trên con đường dẫn tới thành công. Khi đã gặp thất bại, bạn sẽ biết cách thay đổi, khắc phục những sai lầm để không mắc phải một lần nào nữa. Chính những thất bại sẽ đưa bạn đến gần thành công hơn.
Một trong những bí quyết thành công khác được Neil Patel chia sẻ là việc anh đã thành lập nhiều doanh nghiệp trong các ngành mình hoàn toàn không biết chút gì. Mỗi khi thành lập một công ty mới, anh sẽ học thêm được nhiều điều mới. Học hỏi vừa thú vị, vừa giúp anh có tư duy sắc bén và cải thiện kỹ năng hơn.
Khác với nhiều người bị xao lãng vào nhiều vấn đề, Neil Patel tập trung năng lượng cho đam mê, kiếm tiền và những thứ thực sự có ý nghĩa đó là gia đình và bạn bè. Chính những điều này đã giúp anh gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.
Tỷ phú với lối sống tối giản: không nhà, không xe
|
Neil Patel không mua nhà, ôtô để tập trung cho những điều quan trọng hơn. Ảnh: Neil Patel. |
Mặc dù sở hữu doanh nghiệp ăn nên làm ra, khối tài sản khổng lồ nhưng Neil Patel lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi không mua nhà, mua xe riêng. Trước khi quyết định có cuộc sống tối giản như vậy, anh từng mua một căn hộ đắt tiền ở Las Vegas để sinh sống. Tuy nhiên sau đó, anh đã bán nó và thu được một khoản lợi nhuận lớn.
"Căn hộ đó rất tuyệt và thoải mái. Đó là nơi lý tưởng để hưởng thụ. Nhưng nó lại làm tôi mất tập trung và tốn nhiều thời gian, năng lượng, thậm chí tiền bạc của tôi... Tôi không cần những thứ vật chất để làm cho mình hạnh phúc. Tôi nhận ra rằng khi bạn càng sở hữu nhiều thứ thì bạn càng mất thời gian để lo nghĩ về nó. Việc sở hữu một ngôi nhà cũng vậy, nó mang đến hàng đống rắc rối. Chẳng hạn cái điều hòa nhiệt độ hỏng, tôi sẽ phải lên mạng tìm kiếm một công ty để sửa nó, gọi điện cho họ, đặt lịch hẹn, đón thợ sửa đến nhà và trả tiền cho họ”, Patel giải thích lý do bán căn hộ đắt tiền và dọn vào sống ở khách sạn.
Chia sẻ về không mua nhà, biệt thự như nhiều tỷ phú thành đạt khác, Neil Patel cho biết anh không muốn bị phân tâm bởi những điều mình cho là không quan trọng trong cuộc sống. Thay vào đó, anh sẽ có thêm thời gian để tập trung cho những mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp và các mối quan hệ.
Về việc không mua xe, tỷ phú Patel cho hay mua xe đồng nghĩa với việc sẽ phát sinh chi phí sửa chữa, bảo dưỡng và nhiều chi phí khác. Anh không thật sự cần một ô tô đắt tiền vì đã có Uber hay các loại phương tiện khác. Thậm chí, doanh nhân này còn đặt phép tính và nhận ra sẽ mất 8,2 giờ mỗi tuần trên ôtô. Con số này tương đương 426 giờ/năm. Theo tính toán, mỗi người trung bình cho 40 giờ/tuần để làm việc thì anh đã có thêm 10,5 tuần làm việc nhiều hơn đối thủ vì không phải lái xe.
Đối với các doanh nhân, thời gian là tiền bạc. Công ty nào làm nhanh hơn thì sẽ giành chiến thắng. Do đó, bằng việc không phải lái xe, Patel có thêm 10,5 tuần mỗi năm để tập trung cho công việc cũng như đánh bại đối thủ trên thương trường.
Giống như nhiều doanh nhân, Neil Patel từng làm việc rất chăm chỉ và ngủ rất ít. Có thời gian, anh chỉ ngủ dưới 4 tiếng/ngày. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc như vậy, anh cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng ví dụ như nhanh quên hơn.
Vì vậy, Neil Patel quyết định ngủ đủ giấc để có thể tràn đầy năng lượng làm việc. Theo vị tỷ phú này, nếu chỉ ngủ 5 hoặc 6 giờ mỗi tối thì một đầu việc anh sẽ mất 10 giờ để hoàn thành. Tuy nhiên, nếu ngủ 8 - 9 giờ thì cùng đầu việc trên anh sẽ chỉ mất 5 tiếng để làm xong. Bằng việc ngủ nhiều hơn, Patel có nhiều năng lượng hơn để làm việc và công việc cũng được hoàn thành nhanh hơn, hiệu quả hơn. Lối sống đặc biệt này của Neil Patel đã giúp anh điều hành hiệu quả 3 công ty cùng lúc.