Đỗ Cao Trí được biết đến như 1 trong 5 đại tướng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (cùng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm và Cao Văn Viên). Báo chí miền Nam từng ca ngợi ông ta như một "thiên tài quân sự", ngang tầm với danh tướng Patton của quân đội Mỹ trong Thế chiến II. Thực tế, suốt cuộc đời cầm quân, Đỗ Cao Trí chưa hề đánh đấm một trận nào nên cơm nên cháo. Ông ta chỉ giỏi quan liêu, giỏi buôn lậu, tham ô và nhảy đầm. Cái tên Đỗ Cao Trí gắn chặt với hai lần thảm bại, khi xua quân sang chiến trường ngoại biên Campuchia mà tổn thất chẳng thua kém gì trận Hạ Lào (1971) và "Mùa hè đỏ lửa" (1972).
Sinh năm 1929, Đỗ Cao Trí là cháu nội của một vị quan lại nhà Nguyễn. Thân sinh của ông ta là Đỗ Cao Lụa, một điền chủ giàu có tại làng Bình Trước, Biên Hòa. Để ăn mừng có thêm một đứa con trai, đầy tháng của Đỗ Cao Trí, gia tộc họ Đỗ đã mở tiệc khoản đãi thập phương 3 ngày liền. Học hết tú tài phần hai Trường Petrus Ký ở Sài Gòn năm 1947, Đỗ Cao Trí gia nhập quân đội Pháp, theo học Trường sĩ quan Nước Trong, khóa Đỗ Hữu Vị tại Biên Hòa. Sau đó, ông ta được gửi sang Pháp đào tạo sĩ quan thiết giáp tại Saumur, tiếp đến là sĩ quan nhảy dù tại Pau.
Tháng 9/1954, Đỗ Cao Trí được gắn lon thiếu tá, chỉ huy Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Quân đội Quốc gia Việt Nam. Rất nhanh, đến tháng 11/1955, ông ta đã leo lên đại tá, nghiễm nhiên được đặt vào vị trí chỉ huy đầu tiên của binh chủng dù mới thành lập. Tháng 9/1956, Trí lại được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu III. Hai năm sau, Đỗ Cao Trí là Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 trước khi sang Mỹ du học Trường Chỉ huy và Tham mưu Lục quân Hoa Kỳ ở Fort Leavenworth. Năm 1961, Đỗ Cao Trí được chỉ định Chỉ huy trưởng Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế tại Nha Trang.
Đến tháng 7/1963, Trí được Ngô Đình Diệm phong hàm thiếu tướng, làm Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, kiêm nhiệm xử lý thường vụ Tư lệnh Quân đoàn 1. Và chỉ 4 tháng sau đó, dù không có công trạng gì Đỗ Cao Trí vẫn được những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm hào phóng phong hàm Trung tướng và cho làm Tư lệnh Quân đoàn 1, kiêm Vùng 1 chiến thuật, sau đó chuyển sang làm Tư lệnh Quân đoàn 2, Vùng 2 chiến thuật.
Khi Nguyễn Văn Thiệu thâu tóm quyền lực, ông ta không mấy ưa thích tính cách xa hoa và kiêu căng của Đỗ Cao Trí. Sau cuộc đảo chính bất thành do tướng Dương Văn Đức cầm đầu diễn ra ngày 13/9/1964, Thiệu nghi ngờ Trí có dính líu, cộng thêm dư luận xã hội bàn tán xôn xao Trí là con hạm tham nhũng và buôn lậu tiền tệ. Vì thế, ngày 14/9/1964, Nguyễn Văn Thiệu đã ký quyết định giải nhiệm Trí, một năm sau cho xuất ngũ, chuyển sang làm Đại sứ tại Hàn Quốc - một kiểu buộc lưu vong trá hình. Nhiều nhà bình luận cho rằng Đỗ Cao Trí đã không có cả dũng khí lẫn lòng tự trọng để từ chối khi vẫn răm rắp tuân hành lệnh của Thiệu. Chẳng qua, ông ta cũng chỉ là kẻ hám danh, hám lợi, tham quyền, cố vị!
Hồi còn mang lon trung úy, trong một lần tham dự chuyến nhảy dù bồi dưỡng tại Thủ Dầu Một, dù của Đỗ Cao Trí bị gió cuốn rớt trên nóc nhà của Đông y sĩ lừng danh Võ Văn Vân. Nhờ đó, Trí có cơ hội làm quen Võ Thị Phương Lan, con gái cụ Vân và thành vợ thành chồng, có với nhau hai người con, một trai và một gái. Nổi tiếng háo sắc, đa tình và tham tiền, không bao lâu Trí đã ly dị vợ để chung sống với bà Gilberte Nguyễn, chủ hãng Cosunam Film danh tiếng, sinh thêm được 3 con gái. Bà này rồi cũng chia tay bởi không chịu nổi tính trăng hoa của ông ta.
Cuối cùng, Đỗ Cao Trí lấy bà Nguyễn Kim Chi, nguyên là vợ của dược sĩ Vũ Huy Tân ở Nha Trang và có thêm một con gái. Cái đau của dược sĩ Vũ Huy Tân là không những đã bị vợ phản bội, mà các con của ông ta còn chuyển sang mang họ Đỗ! Ngoài 3 người vợ chính thức đó ra, không ai có thể biết có bao nhiêu người đàn bà trong đời Đỗ Cao Trí theo kiểu "già nhân ngãi, non vợ chồng".
Sau hai đợt Tổng công kích và nổi dậy tết Mậu Thân, Trần Văn Hương đang là Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa đã đứng ra bảo lãnh, đề nghị Nguyễn Văn Thiệu dùng lại Đỗ Cao Trí. Thiệu chấp thuận, cho Đỗ Cao Trí tái ngũ trong chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 3, kiêm Vùng 3 chiến thuật. Đây chính là giai đoạn để người ta nhìn nhận một cách chính xác "tài năng quân sự" của Đỗ Cao Trí.
|
Tướng Đỗ Cao Trí. |
Ngày 18/3/1970, Lon Nol phế truất Shihanouk. Ai cũng biết, người Mỹ là đạo diễn của biến cố này, nhằm biến Campuchia thành sân sau của họ tại chiến trường Việt Nam.
Cầm quyền, Lon Nol không đủ sức đối phó với áp lực của Khmer Đỏ. Nam Vang không đứng vững thì kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ sẽ gặp nhiều trở ngại. Lập tức, Tổng thống Nixon đã bật đèn xanh cho Nguyễn Văn Thiệu đưa Quân lực Việt Nam Cộng hòa thọc sâu vào lãnh thổ Campuchia nhằm triệt hạ đầu não và các căn cứ hậu cần quan trọng của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, đồng thời giúp chính quyền Lon Nol trụ vững. Tất nhiên, quân đội Mỹ không thể trực tiếp hành quân sang Campuchia. Nhiệm vụ chỉ huy quân Việt Nam Cộng hòa thọc sâu được trao cho Đỗ Cao Trí toàn quyền lên kế hoạch và tổng chỉ huy chiến trường.
Chiến dịch này là một loạt các cuộc hành quân quy mô, được mang tên "Toàn Thắng" mà khởi điểm là cuộc hành quân "Toàn Thắng 42", mở màn vào sáng 29/4/1970. Lực lượng tham chiến lên đến cấp Quân đoàn, bao gồm Chiến đoàn Đặc nhiệm 318 với Trung đoàn 43 và Trung đoàn 48 của Sư đoàn 18 Bộ binh (BB), cộng thêm Thiết đoàn 18 kị binh, gần 100 khẩu pháo vừa 105 đến 155 ly; Chiến đoàn 333 với 4 tiểu đoàn Biệt động quân (BĐQ), 1 Thiết đoàn kị binh và hơn 50 khẩu pháo; Lữ đoàn 3 kị binh. Ngoài ra còn có 2 sư đoàn 5 và 25 BB ứng trực phía sau để sẵn sàng tăng cường.
Kế hoạch của Đỗ Cao Trí vạch ra rất đơn giản, chỉ biết ta mà không biết địch. Ông ta cho 2 chiến đoàn 318 và 333 theo thế gọng kìm yểm trợ lẫn nhau tiến sâu vào nội địa Campuchia. Mục tiêu là đồn điền cao su Chup rộng 180 km2 thuộc tỉnh Svay-Rieng. Theo tính toán chủ quan của Đỗ Cao Trí, địa thế trên trục tiến quân không có núi non hiểm trở, chỉ cần giữ vững đội hình rồi dùng ưu thế không quân tiêu diệt đối phương. Ông ta còn nhận định, Chiến đoàn 318 với 2 trung đoàn BB làm chủ lực không thể thiện chiến bằng Chiến đoàn 333 BĐQ. Do đó, nó sẽ được quân Giải phóng "chiếu cố" nhiều hơn. Vì thế, Trí đã ưu tiên hỏa lực yểm trợ cho cánh quân này, dùng nó như một thứ mồi nhử để dẫn dụ quân Giải phóng vào trận địa mà Trí đã chọn sẵn.
Hai tuần lễ đầu tiên chỉ xảy ra những cuộc chạm súng lẻ tẻ nhưng cũng đủ làm chậm bước tiến của cả 2 chiến đoàn. Đến cuối tháng 5/1970, Công trường 7 quân Giải phóng bắt đầu phản kích lớn, không nhắm vào Chiến đoàn 318 BB, mà tấn công vỗ mặt Chiến đoàn 333 BĐQ. Tiểu đoàn 39 BĐQ bị xé ra từng mảnh, phần lớn cấp chỉ huy đều bị tử trận. Không thể xác định vị trí nên không quân không thể can thiệp hiệu quả.
Ngày 29/5, Đỗ Cao Trí ra lệnh cho đại tá Trương Văn Phúc, Chiến đoàn trưởng 333, đưa 2 Tiểu đoàn BĐQ còn lại và 1 Thiết đoàn kị binh đến tiếp viện. Trận đánh khốc liệt kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Cả hai bên đều thiệt hại nặng, nhưng quân Giải phóng chiếm thế thượng phong dồn Chiến đoàn 333 với toàn bộ thiết xa vận xuống một đầm lầy và phải chịu chôn chân ở đó trong thế tuyệt vọng. Nhờ không quân can thiệp kịp thời, chiến đoàn này mới khỏi bị xóa sổ, nhưng không còn khả năng tác chiến. Buộc lòng Đỗ Cao Trí phải ra lệnh cho Chiến đoàn 318 BB hủy cuộc hành quân về đồn điền Chup, quay sang tiếp cứu.
Đến lượt Chiến đoàn 318 lại liên tục bị tấn công, không thể tiếp cận để phối hợp với Chiến đoàn 333. Cuối cùng, lợi dụng đêm tối, Chiến đoàn 333 đã mở một con đường máu để thoát thân, bỏ lại phần lớn chiến cụ. Đa số binh sĩ tử trận và bị thương, số còn lại đưa tay đầu hàng. Hai trung đoàn 43 và 48 của Chiến đoàn 318 hầu như bị xóa sổ, sau đó phải ngưng hoạt động một thời gian dài để tái trang bị và bổ sung quân số.
Cùng thời điểm, Đỗ Cao Trí còn bị một số thượng nghị sĩ và dân biểu công khai tố cáo tại nghị trường về hành vi tham nhũng và buôn lậu ngoại tệ qua đường Hồng Kông. Người ta còn nói rõ việc Trí dùng trực thăng để chở những tượng Phật, tượng Thần bằng vàng và những đồ quý hiếm mà Trí đã đánh cắp tại các chùa chiền, đền đài của Vương quốc Campuchia, đem về Việt Nam làm của riêng.
Gần một năm sau, Đỗ Cao Trí lại được giao tổng chỉ huy cuộc hành quân mang tên "Toàn Thắng 45", khai diễn đầu tháng 1/1971. Lần này quân số hùng hậu hơn với lực lượng xung kích là Lữ đoàn 3 kị binh của Quân Đoàn 3, ba chiến đoàn 3, 5, 333 BĐQ, Chiến đoàn 318 BB và Chiến đoàn 315 kị binh.
Sáng mùng 4 tết năm 1971, Đỗ Cao Trí ban lệnh vượt qua biên giới Campuchia, tiến tới Krek, dọc quốc lộ 7 để trực chỉ Kompong Cham. Mục tiêu chính vẫn là đồn điền Chup. Trí đã lớn tiếng tuyên bố sẽ phục hận cho cuộc hành quân "Toàn Thắng 42". Khi những đơn vị tiền tiêu của Đỗ Cao Trí tiến đến thị trấn Suong, một huyện lị của tỉnh Kompong Cham thì bị quân Giải phóng chặn đánh ác liệt. Ngồi trên trực thăng chỉ huy, Đỗ Cao Trí ra lệnh cho các chiến đoàn trưởng bằng mọi giá phải tiến nhanh đến Chup.
Đến chiều tối, khi Chiến đoàn 5 BĐQ vừa dừng quân phía nam đồn điền Đam-Be thì bị quân Giải phóng vận động từ xa tới bao vây và tấn công mọi mặt. Liên lạc vô tuyến bị tắc nghẽn. Đỗ Cao Trí ra lệnh cho Tiểu đoàn 30 BĐQ của Thiếu tá Phan Văn Sảnh và Chiến đoàn thiết xa vận M.113 của thiếu tá Nguyễn Văn Ron phải đến tiếp cứu cho Tiểu đoàn 38 BĐQ. Nhưng cả hai viên thiếu tá này đã tử trận một ngày sau đó, đủ cho thấy Chiến đoàn 5 đã bị thiệt hại nặng nề như thế nào.
Cả một đạo quân to lớn bỗng chốc đã bị sa lầy tại Đam-Be. Chưa đưa ra được kế sách nào để giải cứu quân sĩ thì ngày 23/2/1971, trên đường từ Biên Hòa bay xuống Bộ chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 tại Trảng Lớn (dù là tướng chỉ huy mặt trận, nhưng hàng đêm Trí vẫn về ngủ ở tư dinh sang trọng, sáng lại bay lên Tây Ninh) thì trực thăng của Đỗ Cao Trí phát nổ, đâm đầu xuống đất. Ông ta và một số sĩ quan tham mưu chết ngay tại chỗ. Theo thông báo của người phát ngôn Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, thì động cơ trực thăng bị hỏng. Nhưng dư luận lại cho rằng đó là một vụ mưu sát, do tranh giành quyền lực của chính quyền Sài Gòn.
Bi kịch là khi lên kế hoạch hành quân, Đỗ Cao Trí không hề đưa ra phương án triệt thoái trong trường hợp bị sa lầy. Vì thế trung tướng Nguyễn Văn Minh lên thay, loay hoay hết một tuần vẫn không tìm ra được biện pháp giải cứu cho cả một quân đoàn đang bị 3 Công trường 5,7,9 quân Giải phóng vây khốn. Cuối cùng, tham khảo ý kiến của Nguyễn Văn Thiệu, tướng Minh đã ra lệnh rút lui mà không hề soạn một chiến thuật lẫn hành trình cụ thể nào.
Lui quân trong thế hoảng loạn, có mơ cũng không thể bảo toàn được lực lượng. Chiến đoàn 5 BĐQ do đại tá Nguyễn Văn Đương chỉ huy từ Chlong rút về phía bắc đồn điền Đam-Be đã bị chặn đánh tơi tả, may nhờ Chiến đoàn 315 kỵ binh của trung tá Nguyễn Văn Đồng tiếp cứu mới tránh được xóa sổ, nhưng cả hai chiến đoàn đều chịu tổn thất nặng nề. Trong khi đó, Chiến đoàn 333 BĐQ đang trấn đóng tại phía nam Đam - Be cùng Lữ đoàn 3 Thiết kị cũng bị tấn công mà không thể nào rút ra được, đành co cụm lại chịu trận và tổn thất chẳng kém. Không thể để cho một quân đoàn của mình bị tan vỡ, sáng hôm sau, hàng loạt pháo đài bay B.52 đã liên tục dội bom xuống trận địa để giải vây. Nhờ đó Quân đoàn 3 mới tìm được con đường sống, tháo chạy về nước trong thất bại ê chề.
Người ta đã quy trách nhiệm cho trung tướng Nguyễn Văn Minh, cho rằng ông ta là một kẻ bất tài. Nhận định này không sai, nhưng không thể nói rằng Đỗ Cao Trí là kẻ vô can, bởi ông ta mới đích thực là tác giả của chiến dịch! Và thực tế, tổn thất và sự thảm bại của chiến dịch đã xảy ra trước khi Nguyễn Văn Minh miễn cưỡng bị đẩy ra thay thế vai trò tư lệnh của Đỗ Cao Trí. Xem ra, dù lắm thị phi, nhưng chính cái chết bất ngờ lại "giúp" Đỗ Cao Trí tránh được trách nhiệm và sự oán thán vì tội để xảy ra thảm bại, nướng hàng ngàn sinh mạng binh sĩ. Hơn thế nữa, ông ta còn được truy phong đại tướng, được bơm lên mây như một người hùng (!).