Người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận đến nay vẫn là chủ nhân của những tập tục kỳ bí. Nổi bật là tục lệ giải phóng người chết với điểm nhấn của lễ là giả chó chạy nhảy để đánh lừa hồn ma. Tục lệ lạ kỳ này gắn liền với những bài khấn huyền bí, bữa ăn cộng cảm có một không hai ngay tại nhà mồ và nhiều nghi thức, quan niệm về thế giới ma… lạ lẫm, dị biệt!
Đâu là cội nguồn của tục lệ giả chó để đánh lừa quỷ ma kỳ lạ kia? Vì sao người sống phải đóng màn kịch oái oăm ấy? Đó là phong tục hay hủ tục của tộc người nơi núi cao rừng thẳm? Đem thắc mắc ấy, chúng tôi tìm đến xã vùng cao Ma Nới, gặp các già làng, nghệ nhân - những người vốn rành rẽ chuyện luật tục của buôn làng nhờ... giải mã.
Lạ kỳ thế giới ngược
Cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hơn 40km, là một trong những xã xa xôi cách trở nhất huyện Ninh Sơn nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung, Ma Nới có 6 thôn với hơn 3.600 khẩu, trên 95% dân số ở xã là đồng bào tại chỗ Raglai. Có lẽ nhờ ở nơi xa xôi cách biệt nên Ma Nới đến nay vẫn giữ nguyên bản sắc hoang sơ đậm chất núi rừng.
Lúc gặp nhau tại bìa rừng, trước thăm hỏi của khách lạ về những nghi thức an táng người chết ở buôn làng mình, nghệ nhân và là già làng Chamalé Âu - người tinh thông nhiều nhạc cụ cổ truyền và được cộng đồng xem như từ điển sống về văn hóa, luật tục Raglai - say sưa trò chuyện. Những điều ông nói, ông kể đều lạ lẫm, nhuốm màu mê hoặc.
|
Đường vào Ma Nới. |
Chamalé Âu nói rằng trước khi đào huyệt, bao giờ thầy cúng cũng rót rượu tắm đất và cầu xin thần đất đai cho việc đào huyệt không đụng phải đá bởi đá là vật cản, khiến hành trình về với thế giới ma của người chết, lẫn cuộc sống sau này của người còn sống sẽ nhiều trúc trắc, trở ngại.
Ngỡ ngàng khi được già làng bật mí theo quan niệm ngàn đời của người Raglai, thế giới ma hoàn toàn trái ngược với thế giới người sống. Ở cõi ma người ta đi thụt lùi, thác nước đổ ngược lên trời, đọt cây cắm xuống đất và thân rễ chĩa ngược lên trên… Già Chamalé Âu cho biết khi tiễn một người chết về với đất, gia đình sẽ tiến hành lễ nuôi ma trong vòng một tháng, “cho mả ăn” tại nhà. Mỗi bữa ăn họ bới cơm, gắp thức ăn bỏ vào chén bát rồi đọc câu “wah atâu” (ăn cơm hỡi mả) và tiến hành việc ăn uống!
Quanh chuyện “nuôi mả” (nuôi ma) của người Raglai, có 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất được tiến hành liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi người chết được hạ huyệt xuống lòng đất. Lần nuôi ma thứ 2 được tiến hành vào thời điểm gia đình, thân nhân người chết làm lễ bỏ mả.
Ông Đá Mài Phân, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Ma Nới cho chúng tôi biết, thường thì lễ bỏ mả được tiến hành sau một đến vài ba năm kể từ khi người chết trút hơi thở cuối cùng. Việc nhanh hay lâu, lễ nhỏ hay lớn tuỳ thuộc vào điều kiện của gia chủ. Nhưng về cơ bản, lễ bỏ mả của người Raglai nhanh hơn người Jrai ở tỉnh Gia Lai vì người Raglai không có tục chôn chung nhiều người trong cùng huyệt mộ, nên lễ bỏ mả không tuỳ thuộc vào nhiều gia đình, chờ để khi dư dả, đủ đầy mới cùng nhau bỏ mả như người Jrai!
Theo già làng Đá Mài Phân, khi còn chưa làm lễ bỏ mả thì hằng năm, đúng vào ngày người thân qua đời, gia tộc sẽ giết heo, mổ trâu, thịt gà, nấu hàng trăm ký gạo, ủ hàng chục ché rượu cần để làm đám “tuần mả một năm”. Sau khi việc giết thịt, chuẩn bị lễ vật đâu vào đấy, gia đình người chết sẽ mang đồ ăn thức uống bỏ vào một mo cau rồi để sẵn ở nhà, sau đó họ ra nhà mồ cùng thầy cúng làm lễ mời mả về nhà ăn thịt uống rượu…
Tục lệ bí ẩn qui định đám tuần một năm nhất thiết phải có mặt 3 ông thầy, gồm ông Yanuh Jalat (thầy cúng) và 2 người đại diện cho bên nội và bên ngoại của người chết!
Lời khấn mả huyền hoặc
Thật lòng mà nói, những chuyện nuôi ma lúc này không đủ sức hấp dẫn chúng tôi bằng tục lệ lừa ma bí hiểm, người sống giả chó chạy nhảy điên cuồng. Hỏi già làng Chamalé Âu, ông Đá Mài Phân cùng một số người già khác ở Ma Nới rằng tục lệ ấy còn hay đã mất, một già làng tên Đinh Yên, khẳng định tục ấy được người Raglai duy trì hàng trăm năm qua và chỉ được tiến hành vào ngày cuối cùng của lễ bỏ mả.
“Người Raglai sống nhiều ở Ninh Thuận, được phân thành 2 vùng Raglai Nam và Raglai Bắc. Ngoài ra còn sống rải rác ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa. Một số sống ở Ninh Thuận… nhưng chỉ người Raglai Bắc mới có tục “lừa ma” thôi” – già Đinh Yên, móm mém, cho biết.
Theo các già làng, để thực hịên nghi lễ “lừa ma” kỳ lạ ấy, trước đó gia chủ phải nhiều lần nuôi ma, phải nhiều lần đọc những bài khấn được duy trì qua bao đời. Bài khấn có một số đọan, như sau: “...Tôi tớ xin chắp hai tay/ Thỉnh mời Ngài ngự về mâm lễ/ Hưởng các lễ vật dâng cúng/ Cầu Ngài ban cho mọi sự bình yên/ Cho con cháu họ hàng gần xa/ Cùng nguyện làm lễ bỏ mả/ Cho ông, cho cha họ ngày mai đây/... Cầu xin Ngài cho cầm dao chắc dao/ Cầm rìu, cầm rựa, chắc rìu chắc rựa/ Đốn cây, chặt củi/ Gọt bầu, bí, thái rau/ Nấu cơm, canh thiệt đều chín, ngon/ Tôi tới chắp tay lạy Ngài/ Đừng để cho kẻ xấu gan/ Làm điều ác, hại đến lễ bỏ mả”.
Bài khấn này do thầy cúng khấn thần lửa (Yang Apui) trong lễ cúng đất cầu xin được mọi sự bình yên trong thời gian làm lễ bỏ mả. Những ngày sau đó là bài khấn mời “mả” (hồn người chết-PV) về nhà mới: “...Hỡi mả, mày hãy lên mừng nhà mới, gỗ mới, kaggo mới, một chén rượu mừng, một con trâu/ Mày hãy rủ ông bà của mày lên xem nhà mồ, gỗ mới, kaggo mới/ Bây giờ mày hãy về với gia đình làm lễ cắt đứt, làm lễ đoạn tuyệt từ đây/ Lễ vật cho mày có 3 chén rượu cần, 1 con heo theo tục lệ, một cỗ trầu, một chai rượu/ Mày hãy rủ ông, bà cùng ăn uống với mày...”.
Nếu nói số lượng những lời khấn trong lễ bỏ mả để từ đó dẫn đến nghi lễ cuối cùng - nghi lễ “lừa ma”, con số phải đến hàng chục. Và đây là lời khấn cuối cùng trước khi dân làng, gia đình người chết cùng hòa vào nhau, cùng “thông đồng” với nhau để đánh lừa hồn người chết và các thế lực ma quỷ hắc ám luôn rình rập ở nghĩa địa rừng ma chực chờ hại người, hại làng: “Hỡi mả rồi đây/ Đôi đường cách biệt/ Lối ai nấy đi/ Nhà ai nấy ở/ Chỗ ai nấy nằm/ Nơi ai nấy nghỉ/ Cơm ai nấy ăn/ Nước ai nấy uống... Mày đi đường mày/ Tao đi đường tao/ Ai làm nấy ăn/ Người sống và người chết/ Hai đường cách xa/ Mày đừng bảo họ làng/ Con cháu của mày/ Hãy còn vướng mắc gì với mày/ Một, hai, ba, bốn, năm sáu, bảy/ Mả hãy về với tổ tiên... Hỡi mả!”.
Các già làng khép lại những nghi thức, lời khấn mả bằng những chén rượu thơm lừng hương lúa rẫy. Với lời khấn này, từ đây hồn người chết sẽ chính thức được giải thoát khỏi sự giam cầm của thần đất, được chính thức trở thành ma và về đoàn tụ với ông bà tổ tiên. Từ đây lời khấn không còn được đọc nữa, nhưng vẫn còn một nghi thức thiêng liêng, kỳ lạ, nghi thức “lừa ma” như chúng tôi đã nói, mọi người phải cùng nhau thực hiện!
Đánh lạc hướng hồn ma!
“Muốn làm chó lừa ma, làm cho ma rối trí, làm cho ma chẳng nhớ đường về phải bẻ Gai Toah” - một già làng, hắng giọng bảo. Và chẳng đợi chúng tôi hỏi, già giải thích với đại ý Gai Toah là biểu hiện của âm dương với đầu được vót nhọn hoặc được găm vào đầu con thịt (vật hiến sinh như heo, hoặc trâu) hoặc được cắm xuống đất.
Khi Gai Toah được bẻ đồng nghĩa với việc từ đây âm dương cách biệt. Từ đây người chết vĩnh viễn ở thế giới hồn tổ tiên ông bà, chẳng còn liên hệ gì với người thân. Từ đây mãi về sau, con cái, anh em, họ hàng của người chết sẽ chẳng bao giờ ra rừng ma nuôi ma, kể chuyện cho ma nghe, hát ru ma ngủ, cho ma ăn thịt uống rượu nữa.
Già làng Đá Mài Phân, tủm tỉm cười cho biết ngay khi Gai Toah được bẻ làm đôi là mọi người tham dự lễ tang cùng nhau giả chó. Điều lạ là với “vai” này, “chó” không sủa gâu gâu mà chỉ chạy nhảy lung tung. Một tục lệ quá đỗi kỳ lạ!
Các già làng cho hay chuyện chạy nhảy như thế nhằm xóa hết dấu chân người. Cứ nghĩ cảnh cả làng, hàng trăm người cùng nhau giả chó chạy nhảy liên hồi, rượt đuổi theo ông Yanuh JaLat (thầy cúng) đến khi mệt mới thôi, bất kể già trẻ, bất kể nam nữ… thật lòng mà nói, chúng tôi hơi thấy buồn cười. Nhưng cái nghi lễ ấy lại có ý nghĩa rất sâu xa. Nó hàm chứa lời nhắn của người sống với hồn ma rằng hãy sống với thế giới của mình, đừng quyến luyến, tơ vương với những người đang sống!
Nhưng tại sao phải giả chó chạy nhảy liên hồi? Sao không giả những con vật vốn dĩ cũng rất gần gũi với đời sống của tộc người như gà, heo, trâu... mà phải là chó? Hỏi ra mới biết chó là con vật hay chạy nhảy. Giả chó để tạo nhiều dấu chân, dấu chân này xóa giẫm lên dấu chân kia, như thế để hồn ma chẳng nhận ra dấu chân người mà từ đó lần theo về làng gây ra những vụ hại người bằng cách khiến nhân thân đau bệnh chẳng rõ nguyên do và chết trong cảnh đau đớn vì chẳng thuốc thang gì chữa trị được?
Đi qua nhiều buôn làng khác của người Raglai ở vùng cao Ninh Thuận, chúng tôi được một số già làng hào hứng kể chuyện họ từng nhiều lần giả làm chó chạy nhảy xóa dấu chân để “đánh lừa ma”, làm cho ma “rối loạn” chẳng biết đường lần về làng. Sau nghi thức chạy nhảy nhốn nháo nhưng kỳ thực có trật tự này, từ đây mối dây liên hệ giữa người sống và người chết coi như đoạn tuyệt. Từ đây vợ (chồng), con (cháu), anh (em) của người chết sẽ chẳng còn luyến lưu gì với người thân. Bỏ mả rồi, họ sẽ chẳng bao giờ ghé thăm mộ phần của người thân nữa và theo thời gian, nhà mồ của người chết sẽ bị cây rừng, lá rừng lấp phủ xóa hết vết tích!
Câu chuyện về tục lệ giả chó xóa dấn chân người của người Raglai là thế. Lẽ ra chúng tôi có thể tóm lược ngắn gọn nhưng để bạn đọc hiểu một cách tường tận hành trình sống ở thế giới khác – thế giới của hồn ma tổ tiên khi họ trút hơi thở cuối cùng được mở đầu và khép lại ra sao, chúng tôi phải “liệt kê” những nghi lễ chính. Điều cần nói rõ là tục lệ giả chó kia là nét riêng trong đời sống tâm linh phong phú của tộc người Raglai, một lụât tục lạ kỳ có không hai ở nơi núi cao rừng thẳm!