Từ Hy Thái hậu (29/11/1835 – 15/11/1908) và Võ Tắc Thiên là hai người đàn bà quyền lực và nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Bà là một phụ nữ thông minh, cả cuộc đời nếm trải và lập nên nhiều thành tựu, tuy trên danh nghĩa không lên làm nữ hoàng, nhưng lại có thể phế truất cả Hoàng đế nếu trái ý.
Từ Hy thái hậu xuất thân từ một mỹ nữ trong dân dã được chọn vào cung khi mới 16 tuổi. Sau đó bà được phong làm quý nhân rồi từ địa vị quý phi lên ngôi Thái hậu, thâu tóm quyền lực khi mới 26 tuổi. Từ Hy sống trong cung cấm gần 60 năm, cai trị Trung Quốc gần nửa thế kỷ, trải qua 5 đời Hoàng đế và qua đời ở tuổi 74.
Cuộc đời của người đàn bà quyền lực này gắn liền với triều đại Mãn Thanh, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa đang trong giai đọan suy tàn và khủng hoảng.
Đến nay, điều bị cho là tội ác lớn nhất của Từ Hy Thái hậu chính là đã khiến Trung Quốc trở thành xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến, mất chủ quyền dân tộc. 48 năm thâu tóm quyền lực, Từ Hy Thái hậu đã ký với các nước đế quốc một số điều ước, hiệp ước ghi nhận sự mất chủ quyền dân tộc của Trung Quốc.
Từ Hy sống trong cung cấm gần 60 năm, cai trị Trung Quốc gần nửa thế kỷ, trải qua 5 đời Hoàng đế và qua đời ở tuổi 74.
Nhắc đến bà, người ta thường nhớ đến một người phụ nữ quyền lực tàn nhẫn với những chuyện phòng the chấn động hay lối sống xa hoa cầu kỳ. Song, còn một điều khiến hậu thế phải đau đầu đó chính là lời trăn trối trước khi chết của Từ Hy Thái Hậu, người phụ nữ buông rèm nhiếp chính, nắm thực quyền điều hành Trung Hoa suốt những năm cuối thời nhà Thanh.
Trước khi qua đời, Từ Hy thái hậu đã để lại lời trăn trối: "Từ nay về sau, phụ nữ không được phép can dự vào triều chính. Như vậy là trái với gia pháp của bản triều, cần nghiêm khắc ngăn chặn. Đặc biệt là cần đề phòng nghiêm ngặt, không được để các thái giám lạm quyền. Thời nhà Minh mạt vận là một bài học".
Những lời nói trước lúc lâm chung của bà đã khiến người đời kinh ngạc và để lại những dấu hỏi cho lịch sử mãi về sau này. Thật khó có thể lý giải được vì sao một người phụ nữ hét ra lửa, ngồi lên ngai vàng một cách thành công, cai trị nhà Mãn Thanh suốt hơn nửa thế kỷ như Từ Hy lại nói lời trăn trối như vậy.
Theo giới nghiên cứu, có thể có ba điều khiến Từ Hy Thái hậu đưa ra lời trăn trối đầy mâu thuẫn đó. Đầu tiên, người phụ nữ đầy trí tuệ này đã nhìn thấy được tương lai triều đình Mãn Thanh sẽ chấm hết dưới tay mình.
Dưới thời bà cai trị, đã có nhiều nhân vật tinh tú, trí tuệ hơn người của vương triều Mãn Thanh đều cam tâm tình nguyện khuất phục, phò tá Từ Hy. Thế nhưng chính bản thân bà có lẽ cũng hiểu được rằng, sau khi bà ra đi, đất nước này rộng lớn thù trong giặc ngoài sao có thể trụ được dưới tay một đứa bé 3 tuổi.
Hình ảnh Từ Hy Thái hậu những năm tháng cuối đời. (Nguồn: Bbs.voc.com.cn)
Thứ hai, Từ Hy có thể đã nghiệm ra suy nghĩ của Hoàng đế Hàm phong (chồng bà) là đúng: Không thể tin tưởng phụ nữ, phụ nữ mất đi lý trí và cuồng vọng trên chính trường lại càng không thể tin. Người phụ nữ cai trị một đế quốc rộng lớn và làm cho đế quốc đó phát triển không ngừng, lại càng không đáng tin.
Sinh thời, chính tính cách lạnh lùng, sự trí tuệ và bản lĩnh của Lan Nhi (tức Từ Hy) đã khiến Hoàng đế Hàm Phong vừa nể phục vừa khiếp sợ. Trước khi qua đời, ông đã rất lo lắng Hoàng hậu Từ An, người ông hết mực yêu quý. Thậm chí vị Hoàng đế tuy phóng đãng nhưng không dám sơ suất đối với giang sơn xã tắc này đã ra một mật chỉ cho Hoàng hậu với đại ý nếu Hoàng tử Tái Thuần kế vị ngai vàng, Lan Nhi (mẹ đẻ của Tái Thuần) nếu không an phận thủ thường thì hãy thủ tiêu.
Thêm nữa, giới nghiên cứu cũng cho rằng, Từ Hy Thái hậu đã nhìn thấy một điều, việc xuất hiện những người phụ nữ xuất sắc như bà cả nghìn năm mới có một. Như lời Khổng Tử từng nói, 500 năm xuất hiện một thánh nhân cũng còn khó.
Đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến Từ Hy nhận ra rằng, dù có trí tuệ, khôn ngoan, khiến nhiều đàn ông phải nể sợ nhưng bà cũng không tránh khỏi những khuyết điểm bẩm sinh của phụ nữ như tầm nhìn ngắn, bị tình cảm chi phối.