Trong sách Việt Hoa thông sứ sử lược của Sông Bằng và Vân Hạc (xuất bản lần đầu năm 1943, NXB Hồng Đức tái bản 2014), khi viết về sự kiện năm Minh Mạng thứ hai (1821), nhà Thanh cử Phan Cung Thì, án sát sứ Quảng Tây làm chánh sứ sang phong vương cho vua Minh Mạng tại Thăng Long, có miêu tả chi tiết bàn yến nhà vua đãi sứ.
Theo đó, trong buổi tiễn sứ thần về nước sau khi tuyên phong, triều đình nhà Nguyễn đã thiết đại tiệc. Bữa tiệc có một bàn có 50 đĩa đồ ăn thượng hạng, 7 bàn có 40 đĩa đồ ăn trung hạng và 25 bàn có 30 đĩa đồ ăn hạ hạng.
Tiệc ở bàn thượng hạng thường có các món ăn gồm: 2 bát yến, 1 bát vây (có lẽ là vây cá mập), 1 bát long tu, 1 bát hải sâm, 1 bát cá mực, 1 bát gà quay, 1 bát gà giò chần, 1 bát vịt hầm, 1 bát tôm he, 1 bát thịt dê, 1 bát cua, 1 bát chân giò nhồi thịt, 1 bát gà mái quay, 1 bát chim bồ câu, 1 bát nhung (không rõ có phải là nhung hươu hay không).
Ngoài ra, sách Việt Hoa thông sứ sử lược còn cho biết trên bàn tiếp sứ có cả những món mà chúng ta ngày nay coi là đồ ăn bình dân, như 1 bát thịt lợn luộc, 1 bát thịt lợn quay, 1 bát thịt kho tàu, 1 bát thịt ba chỉ thái nhỏ, 1 bát chân giò ninh, 1 bát vịt quay, 1 bát vịt luộc và 1 bát lòng lợn.
Về đồ tráng miệng, sách liệt kê gồm các loại bánh sau, mỗi loại một đĩa: bánh nhân vừng, bánh rán, bánh cao, bánh ngọt nhuộm phẩm ngũ sắc, bánh ngọt không nhuộm, bánh trứng gà, bánh bột sắn (có lẽ màu đục), bánh bột sắn trắng, bánh phu thê, bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh gừng, ngoài ra có thêm 1 đĩa xôi nhuộm xanh và 1 đĩa xôi nhuộm đỏ và 2 bát chè đậu xanh.
Về các loại hoa quả, có các đĩa đựng quýt, cam, chuối, nho, táo, xoan trà, cùng các đĩa bánh ngọt tạc theo hình bát bảo, bánh ngọt tạc theo hình tứ linh (long, ly, quy, phượng), bánh ngọt xếp hoa, bánh ngọt xếp theo hình ốc hến, bánh ngọt cắt hình tròn mà dẹt. Đồ ăn vặt kèm theo còn có các đĩa mứt bí, lạc, hạt dưa, mứt gừng…
Còn trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (NXB Trẻ, 2014), phần Bang giao chí, chỉ viết về việc tiếp sứ cuối thời Lê trung hưng: “Lệ thết yến khâm sứ là hai ngày đặt một buổi, mỗi buổi 30 mâm. Còn các thức ăn quý hàng ngày ban cho”.
Sách này cũng ghi sự kiện sứ nhà Minh sang sắc phong cho vua Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 3 (1462) là Tiên Phổ, khi ra về được nhà vua đưa tặng lễ vật, đã viết thư cảm ơn và từ chối nhận lễ vật rằng: “Từ khi chúng tôi ở sứ quán, được vương tiếp đãi rượu thịt và đồ ăn đầy đủ”.
Tuy không nói rõ về các món ăn dành cho các vị sứ thần, nhưng sách của Phan Huy Chú cũng cho đời sau biết danh mục những thực phẩm cung đốn cho chánh sứ, ví dụ tại trạm Gia Quất (Gia Lâm), bao gồm: Gạo trắng 20 bát, lợn 1 con, dê 1 con, cá tươi 5 con, trứng 30 quả, cá khô 10 con, gà 3 con, vịt 3 con.
Ngoài các lương thực, danh mục vật dụng cung đốn còn có thêm thóc 5 bát, đậu xanh 4 bát, vừng 1 bát, rượu 1 vò, cùng các loại gia vị như muối 1 sọt, nước mắm 1 chĩnh, dấm 1 chĩnh, hồ tiêu 2 lạng, cùng 1 sọt rau, gừng, hành, tỏi. Tuy chúng ta không rõ các vị sứ thần có ăn trầu như phong tục người Việt không, nhưng ở trạm khách phải cung cấp trầu không 1 sọt, cùng cau tươi và 1 bình vôi.
Với những người tùy tùng của sứ đoàn, trạm Gia Quất cung đốn ngoài gạo thì có gà 20 con, vịt 20 con, lợn 2 con, rượu 4 vò, trứng 200 quả, rau 2 sọt, cùng các thức gia vị như muối, nước mắm, dấm và củi gỗ.
Riêng ở trạm Thọ Xương, có lẽ do là trạm gần kinh thành nhất, nên đồ tiếp tế ngoài lợn và dê, còn có thêm trâu 2 con, bò 2 con. Số lượng gà, vịt, ngỗng, cá và trứng cũng đều tăng hơn hẳn ở trạm trước, ngoài ra có thêm các loại hoa quả như cam 500 quả, dừa 200 quả, chuối tiêu tới 1.000 quả.
Bang giao chí còn ghi chép chi tiết các loại vật dụng cung cấp cho các sứ đoàn nhà Thanh ở mỗi trạm, từ nhà trạm, các bộ bàn, giường, chiếu, màn, đèn, dầu, rồi mâm, bát, đĩa, chén, đũa, thìa, bình uống rượu cho đến những loại vật dụng nhà bếp như xanh, chảo, nồi, vò, chậu, gáo, cho đến rổ, rá, dao, búa, thớt…