Những ngày qua, dư luận xôn xao việc trao nhầm con ở BV Đa khoa huyện Ba Vì. Theo đó, gia đình anh Phùng Giang Sơn phát hiện con có nhiều nét không giống mình nên đã đưa con đi xét nghiệm ADN.
Kết quả kiểm tra cho thấy người con mà vợ chồng anh Sơn nuôi nấng trong 6 năm qua không cùng huyết thống với bố mẹ. Hiện 2 em bé bị bệnh viện trao nhầm con trong sự việc trên vẫn chưa đoàn tụ với bố mẹ đẻ.
Việc bệnh viện trao nhầm con cho hai gia đình như trên không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Một số nước trên thế giới cũng xảy ra trường hợp tương tự. Một số gia đình mất vài năm, thậm chí là vài chục năm mới phát hiện ra việc bệnh viện trao nhầm con. Sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến 2 đứa trẻ mà còn gây tổn thương tinh thần cho cha mẹ ruột của các em.
|
Ảnh minh họa: Moe-online.ru/east2west news |
Điển hình là trường hợp một người đàn ông Nhật Bản 60 tuổi được bồi thường hơn 370.000 USD vào năm 2013 sau khi phát hiện bị một bệnh viện ở Tokyo nhầm lẫn với một trẻ sơ sinh khác. Theo đó, ông phải sống hàng chục năm trong gia đình nghèo khó thay vì lớn lên trong gia đình khá giả.
Do bị bệnh viện trao nhầm nên đứa trẻ vốn dĩ là con gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, học đại học và điều hành một công ty bất động sản riêng.
Sự thật về việc trao nhầm con chỉ được gia đình giàu có phát hiện vào năm 2009 khi nhận thấy người con không giống các anh chị em khác nên quyết định tiến hành xét nghiệm ADN. Đến năm 2011, gia đình giàu có mới tìm được người con ruột của mình.
Sau khi biết được sự thật, người đàn ông bị bệnh viện trao nhầm cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn cảm thấy rất tức giận. Thậm chí, ông muốn quay ngược thời gian để mọi chuyện diễn ra theo đúng định mệnh vốn có.
Mời độc giả xem video: Hà Nội: Phát hiện bị trao nhầm con sau 6 năm (nguồn: VTC14)
Trước vấn đề trao nhầm con, các chuyên gia tâm lý trên thế giới đã có những chia sẻ, nhận định về vấn đề này. Họ cho rằng, không chỉ hai đứa trẻ mà cả bố mẹ phải chịu đựng nhiều tổn thương tinh thần khi phát hiện sự thật người con mà họ yêu thương, nuôi lớn trong nhiều năm không phải con đẻ.
Đối với những trường hợp phát hiện trao nhầm con từ sớm thì 2 đứa trẻ còn quá nhỏ nên chưa thể hiểu rõ mọi chuyện. Tuy nhiên, tâm lý các em sẽ bị ảnh hưởng lớn, có thể cảm thấy sợ hãi, mất an toàn do thay đổi môi trường sống. Việc đột ngột chuyển đến ngôi nhà xa lạ và sống với bố mẹ đẻ có thể khiến cuộc sống các em bị đảo lộn, thậm chí trường hợp nặng có thể dẫn đến việc trẻ bị tự kỷ.
Do vậy, các chuyên gia tâm lý khuyên các gia đình bị trao nhầm con hãy tạo điều kiện cho hai bên thường xuyên đi lại để hai đứa trẻ quen dần, không cảm thấy xa lạ với cha mẹ ruột. Hai gia đình cũng nên từng bước tạo sự gắn kết bằng việc dành sự quan tâm và yêu thương cho con đẻ cũng như con nuôi.