Luật pháp thời phong kiến quy định những kẻ hiếp dâm tập thể bị coi là "côn đồ" và bị chém ngay. Kẻ đồng phạm bị xử phạt bằng hình thức giảo giam hậu (giam chờ thắt cổ). Kẻ đồng phạm chưa thực hiện hiếp dâm bị coi là đồng phạm, mức án giảm một bậc.
Nhiều mức án xử tội hiếp dâm
Năm 1476, vua Lê Thánh Tông ban bố các quy định về hộ thôn với nhiều điều răn cấm, trong đó có quy định chỉ xử kẻ phạm tội, bị cưỡng dâm, đàn bà, con gái không bị tội: “Cưỡng dâm thì xử tội lưu đày hoặc tội chết và phải nộp tiền hơn tiền tạ về tội gian dâm một bậc. Nếu làm người đàn bà bị chết thì điền sản kẻ phạm tội phải trả cho người nhà nạn nhân”.
Nếu quan coi ngục cưỡng bức gái tân, bị đánh 80 gậy, xử tội đồ, giáng một chức; nếu cưỡng dâm dân nữ, quả phụ, bị đánh 100 gậy, thích 80 chữ vào mặt, xử tội đồ làm lính chăn voi.
Về sau, mức hình phạt áp dụng cho kẻ phạm tội cưỡng dâm được tăng lên khi Luật Hồng Đức chính thức ban hành năm 1483.
Luật Hồng Đức có một chương Thông gian 10 điều, quy định việc xử lý các tội như ngoại tình, loạn luân, hiếp dâm, dụ dỗ con gái...
Điều 403 thuộc chương Thông gian của luật quy định hình phạt nhẹ nhất với tội cưỡng dâm là lưu đày, cao nhất là tử hình.
Tội lưu có 3 mức: Lưu cận châu là đi đày vào Nghệ An, phải đeo xiềng kèm theo bị đánh 90 trượng, bị thích 6 chữ vào mặt; lưu ngoại châu đày vào vùng Quảng Bình, phải đeo xiềng 2 vòng, bị đánh 90 trượng, thích 8 chữ vào mặt; lưu viễn châu ở Cao Bằng, phải đeo xiềng 3 vòng, bị đánh 100 trượng và thích 10 chữ vào mặt.
Án tử hình cũng được chia làm 3 bậc "thắt cổ, chém đầu; chém bêu đầu; lăng trì (tùng xẻo), tùy theo tội mà tăng giảm”.
Ngoài ra, vua Lê Thánh Tông còn ban hành những mẫu đơn từ giúp người thực thi pháp luật và người dân nắm được nội dung, cách thức làm các dạng văn bản khác nhau như đơn kiện, đơn xin bồi thường, giấy cam đoan, tờ trình, biên bản.
Triều Nguyễn nghiêm trị tội hiếp dâm tập thể
Luật pháp dưới thời Nguyễn xử rất nặng tội hiếp dâm tập thể. Điều 332 Luật Gia Long cho phép xử trảm ngay những kẻ dùng bạo lực để hiếp dâm rồi giết nạn nhân.
Theo đó, tội hiếp dâm tập thể nếu làm nạn nhân tử vong, kẻ hiếp dâm bị chém ngay, đồng phạm cũng bị thắt cổ.
Luật pháp thời Minh Mạng, Thiệu Trị quy định những kẻ thay nhau cưỡng bức phụ nữ thuộc nhà tử tế bị coi là "những kẻ côn đồ", bị trảm quyết (chém ngay).
Kẻ đồng phạm bị xử phạt bằng hình thức giảo giam hậu (giam chờ thắt cổ). Kẻ đồng phạm chưa thực hiện được hành vi hiếp dâm bị coi là đồng phạm, mức án phạt giảm một bậc.
Châu bản triều thời Tự Đức còn ghi lại, năm 1856, một người tên là Thạch La ra đồng thăm lúa, thấy người phụ nữ ở đó một mình bèn cầm dao đến cưỡng dâm nhưng không được nên nổi cơn hung ác, giết chết nạn nhân, đem giấu xác để xoá vết tích. Khi điều tra ra, triều đình xét thấy đây là hành vi rất hung ác, pháp luật khó khoan dung. Thạch La vì vậy bị xử chém bêu đầu.
Vào năm Minh Mạng thứ 11 (1831), có vụ án Đoàn Đức Hoằng, người Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cưỡng dâm không được đã đánh vào mặt khiến nạn nhân bị trọng thương rồi chết.
Sự việc bị phát giác, Hoằng bỏ trốn, sau đó đã ra đầu thú, khai hiếp dâm đến chết người nhưng không nói rõ lý do. Chiếu theo mức phạt của hành vi hiếp dâm, Đoàn Đức Hoằng bị kết tội trảm giam hậu (chém đầu sau khi giam).
Ngoài ra, luật Gia Long thời Nguyễn và luật Hồng Đức thời Lê đều quy định kẻ nào giao cấu với trẻ em gái từ 12 tuổi trở xuống, dù thuận tình vẫn xử như tội hiếp dâm.
Theo quan điểm của nhà làm luật khi đó: “Đứa bé gái mới chỉ từ 12 tuổi trở xuống, sinh lý chưa phát triển hết, chẳng qua bị lừa phỉnh, hoặc bị khống chế để làm chuyện thông gian, nên dù chúng có thuận tình cũng là do sự phỉnh dụ của kẻ đồi bại mà ra. Nếu kẻ đồi bại kia đã làm được chuyện gian dâm với đứa trẻ, y sẽ bị xử theo tội treo cổ; nếu chưa thực hiện được phạt y 100 trượng, bắt lưu đày 3.000 dặm.
Kẻ nào dùng bạo lực để hiếp dâm một đứa bé gái từ 12 tuổi trở xuống, khiến đứa bé bị chết; hoặc dụ dỗ để hiếp dâm bé gái dưới 10 tuổi, chiếu theo lệ buộc tội vào tội của bọn côn đồ, xử theo tội trảm, đem đi hành hình ngay.