Tội danh nào khiến Hòa Thân chết dưới tay Gia Khánh?

Google News

Tội danh nặng nhất khiến Hòa Thân phải nhận án tử không phải tội nhận hối lộ mà là một tội danh oan uổng đến nỗi vị quan này nằm mơ cũng không có gan làm.
 

Trong lịch sử Trung Hoa, Hòa Thân được biết tới là sủng thần của Càn Long và là một đại tham quan khét tiếng. Thế nhưng người kế nghiệp của Càn Long là Gia Khánh đế vốn không phải một vị vua dễ chiều như cha mình.
Vì thế mà Hòa Thân dù được Càn Long bao che một đời, tới thời của Gia Khánh vẫn phải chịu án tử hình, toàn bộ gia sản bị tịch biên.
Công cuộc trừ khử đại tham quan họ Hòa này đã mang lại cho vua Gia Khánh một khoản lời lãi không nhỏ về danh tiếng, quyền lực và cả tiền bạc.
Cũng bởi vậy mà người đương thời và hậu thế sau này mỗi khi nhắc tới cái chết của Hòa Thân vẫn thường truyền tai nhau câu nói: "Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no".
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa khiến Hòa Thân phải nhận án tử vốn không phải vì nhận hối lộ mà lại là một tội danh oan uổng đến nỗi vị quan này nằm mơ cũng không có gan làm.
Được lòng cha - mất lòng con và kết cục bi thảm có thể dự đoán trước của đệ nhất tham quan Thanh triều
Toi danh nao khien Hoa Than chet duoi tay Gia Khanh?
 Khi Càn Long còn tại thế, Hòa Thân là một trong số những đại thần được ông trọng dụng và bênh vực nhiều nhất. (Ảnh minh họa).
Sinh thời, Hòa Thân mặc dù có được sự sủng ái và bao che đặc biệt của Càn Long, nhưng lại không được lòng Gia Khánh đế.
Nếu đánh giá một cách khách quan, Hòa Thân có thể coi là một quan viên vừa có thực tài, lại vừa có tiền bạc.
Theo lý mà nói, Gia Khánh hoàn toàn có thể học theo cách của cha mình, vừa biến Hòa Thân thành túi tiền, lại vừa khai thác cái tài của vị quan đại thần này. Tuy nhiên, vị Hoàng đế ấy cuối cùng vẫn lựa chọn cách thanh trừng gọn ghẽ đại quan tham họ Hòa.
Hành động này xuất phát từ hai lý do: Thứ nhất là bởi quần thần trong triều được đà bức bách. Thứ hai là bởi bản thân Gia Khánh sợ Hòa Thân sẽ uy hiếp danh tiếng và ngai vàng của mình.
Bản thân vị vua ấy đã từng lo ngại: "Trẫm mà không trừ Hòa Thân thì người trong thiên hạ chỉ biết đến Hòa Thân chứ không biết đến trẫm".
Về sự hiềm nghi của vua Gia Khánh với Hòa Thân, "Thanh triều ngoại sử" có ghi lại một câu chuyện.
Có lần, Thái Thượng hoàng (Càn Long) sau khi lâm triều liền cho gọi Hòa Thân vào chầu. Khi tiến vào trong điện, Hòa Thân thấy vua Gia Khánh ngồi một bên, còn Càn Long thì nhắm mắt tựa như đang ngủ, còn miệng lại giống như đang đọc nhẩm thứ gì.
Gia Khánh mặc dù căng tai lắng nghe, tuy nhiên một chữ cũng chẳng thể nghe rõ. Qua một hồi lâu, Càn Long đột nhiên mở mắt và hỏi: "Kẻ nào đó?".
Hòa Thân lập tức đáp lại một cách trôi chảy: "Cao Thiên Đức, Cẩu Văn Minh".
Nghe vậy, Càn Long lại nhắm mắt lần nữa, miệng vẫn không ngừng tụng niệm. Một lúc sau, Thái Thượng hoàng cho Hòa Thân lui về, cũng không hỏi thêm gì khác.
Chứng kiến một màn đối đáp bất ngờ này, Gia Khánh có phần không hiểu. Mấy ngày sau, ông âm thầm hỏi Hòa Thân: "Hôm đó khanh nghe thấy Thái Thượng Hoàng đọc gì? Vì sao trẫm một chút cũng nghe không hiểu? Khanh còn đối lại 6 chữ, đó là ý gì?".
Hòa Thân đáp: "Thượng Hoàng lúc ấy đang tụng mật chú Tây Vực để nguyền rủa kẻ đáng chết. Kẻ đó chính là thủ lĩnh của Bạch Liên giáo. Vì vậy ngày đó thần liền lấy tên họ của hai kẻ ấy ra để trả lời".
Khi nghe lời giải thích này, Gia Khánh mặc dù bề ngoài không tỏ vẻ gì nhưng bên trong lại càng thêm ghét, đề phòng Hòa Thân.
Vị Hoàng đế ấy còn cho rằng, Hòa Thân ngay tới chú thuật nguyền rủa cũng thông thuộc, không chừng ngày nào đó có thể dùng thuật ấy để ám hại mình.
Vì thế, việc Gia Khánh đế vội vàng thanh trừng Hòa Thân cũng xuất phát từ tâm lý nghi ngại của ông đối với vị quan đại thần "biết quá nhiều" như vậy.
"Nam Đình bút ký" cũng có đoạn ghi rằng: Khi Càn Long băng hà, Gia Khánh đã tạo một di chiếu giả, nói rằng Càn Long vì trọng dụng Hòa Thân nên muốn ông tuẫn táng theo mình.
Hòa Thân vô cùng hoảng sợ, vội vàng cầu xin Gia Khánh tha cho song thân phụ mẫu. Mặc dù sau này, vị tân đế ấy cũng thừa nhận rằng di chiếu yêu cầu tuẫn táng chỉ là giả.
Tuy nhiên, động thái này của Gia Khánh đã báo hiệu cái kết chẳng hề tốt đẹp của Hòa Thân trong tương lai gần.
Cái chết của Hòa Thân và lý do khiến Gia Khánh đế có hối cũng không kịp
Chỉ vài ngày sau khi Càn Long qua đời, Gia Khánh đế đã bắt đầu một loạt các hành động để thanh trừng Hòa Thân như bãi miễn chức vụ, hạ lệnh giam lỏng, cách ly không cho liên lạc với bên ngoài…
Kết quả là sau khi thẩm vấn và kê biên tịch thu tài sản, Gia Khánh đã công bố 20 tội lớn của Hòa Thân.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong bản án 20 tội trạng này lại không có tội nào chỉ rõ hành vi nhận hối lộ, mua quan bán chức nổi cộm của đại tham quan họ Hòa ấy.
Trong số đó, ba tội lớn nhất được liệt kê lần lượt là "mưu phản, tiết lộ cơ mật", "coi thường vương pháp", "cậy quyền cậy thế"…
Mặc dù 20 tội lớn này có nhắc tới khối tài sản kếch xù của Hòa Thân, tuy nhiên chỉ bị quy vào những tội như "trong nhà cất giấu trân bảo", "xây hầm cất giấu ngân lượng", "cậy chức quan cao mà cạnh tranh lợi ích với người dân", "gia nô trong phủ xa xỉ"…
Với hàng loạt những tội danh này, chỉ trong vòng nửa tháng, công cuộc thanh trừng của Gia Khánh đã khép lại với bản án lăng trì dành cho Hòa Thân.
Tuy nhiên Gia Khánh đã ban ân cho tham quan họ Hòa được chết toàn thây bằng cách hạ lệnh cho ông tự vẫn tại phủ vào ngày 22 tháng 2 năm 1799.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, cáo trạng của bá quan văn võ trong triều khi đó chủ yếu muốn gán cho Hòa Thân đại tội mưu phản chứ không phải những tội danh như tham ô hay mua quan bán chức.
Tuy nhiên khi ấy có đại thần tâu rằng: "Hòa Thân mặc dù là một đại tham quan, không giết không thể an lòng dân. Thế nhưng nếu như gán cho hắn tội danh mưu phản thì quả thực quá mức oan uổng".
Vị đại thần này cũng cho rằng: "Phàm là kẻ có mưu đồ phản trắc sẽ ra sức lôi kéo quần thần. Nhưng khi Hòa Thân rớt đài, bá quan văn võ trong triều gần như chẳng có lấy một người đứng về phía ông ta. Điều này đã chỉ rõ Hòa Thân vốn không có mưu đồ soán vị".
Lời này vừa nói ra, Gia Khánh đã quát lớn:
"Trẫm đã giết lầm người rồi. Kẻ đáng giết không phải là Hòa Thân mà là các ngươi. Chính các ngươi đã khiến trẫm mất đi một thần tử tài năng".
Giờ đây, mỗi khi đề cập tới vấn nạn tham ô trong lịch sử Trung Hoa, hậu thế vẫn thường nhắc tới Hòa Thân như một trong những đại tham quan khét tiếng nhất.
Tuy nhiên, có một sự thật mà ngay tới người trừ khử Hòa Thân hay rất nhiều người vẫn một mực tin tưởng: Dù tham quan họ Hòa này vì tiền tài mê hoặc nên mới sa ngã, nhưng tuyệt nhiên không có dã tâm soán ngôi đoạt vị.
Theo Thời Đại

>> xem thêm

Bình luận(0)