Tòa cổ thành ở Thanh Hóa và bí ẩn hơn 600 năm

Google News

Với tuổi thơ tôi, ngôi cổ thành nằm giữa trập trùng đá núi huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã kỳ bí từ trong chuyện kể của bà để lại. 

Cho đến bây giờ, khi tòa cổ thành đá đồ sộ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và được CNN đánh giá là “một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới” vẫn ẩn chứa nhiều sự bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu.
Lớp ngoài tường thành xây dựng bằng những khối đá xanh, được đẽo gọt và ghép một cách tài tình, khối đá lớn nhất nặng tới khoảng 26 tấn. Các khối đá có kích thước to lớn được thấy ở các bức tường phía Tây, phía Nam và phía Đông.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, kiến trúc của bốn cổng chính Thành nhà Hồ rất khoa học, với các phiến đá được đục đẽo vuông vức, công phu xếp đan xen theo hình múi bưởi để tránh rung chấn lớn như động đất. Giữa các phiến đá xây thành không có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm qua dù chịu rất nhiều tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá.
Bốn cổng Thành nhà Hồ theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông, gọi là các cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu. Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, các phiến đá xây dài tới 7m, cao 1,5m, nặng chừng 15 tấn.
 Trong ảnh là Cổng Tiền, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8m, cao 9,5m, rộng 15,17m.
Nhà bà nội ở làng Tây Giai, thuộc xã Vĩnh Tiến nằm ngay sát Thành nhà Hồ nên mỗi khi theo bà về quê, tôi lại được lũ trẻ làng này rủ chơi đánh trận giả trên những hào thành.
Thời đó, lũ trẻ chúng tôi chia làm hai phe, lấy trâu làm ngựa, lấy lau làm cờ, lấy cổng thành phía Tây làm danh giới chiến trận. Phe ở ngoài công thành bằng dây thừng, phe trong thành bảo vệ bằng cách ném bùn, dội nước.
 Toàn bộ mặt ngoài tường Thành nhà Hồ được ghép bằng những phiến đá xanh, xếp chồng khít lên nhau, có phiến dài tới hơn 6m, ước nặng hơn 20 tấn. Theo các nhà khoa học ước tính, tổng khối lượng đá được sử dụng ghép, xây Thành nhà Hồ khoảng 20.000m3.
Toàn bộ mặt ngoài tường Thành nhà Hồ được ghép bằng những phiến đá xanh, xếp chồng khít lên nhau, có phiến dài tới hơn 6m, ước nặng hơn 20 tấn. Theo các nhà khoa học ước tính, tổng khối lượng đá được sử dụng ghép, xây Thành nhà Hồ khoảng 20.000m3.
Nhiều lần, tôi bị bong gân, trày xước chảy máu bởi trò chơi trận giả mà mãi đến sau này, khi lớn lên, học những trang sử thì mới biết, xung quanh hào thành này, hơn 600 năm về trước cũng đã xảy ra nhiều trận đánh vệ quốc đẫm máu oai hùng của cha ông.
Thời đó, cái thú nhất của lũ trẻ chúng tôi là đi đào dế quanh tường thành. Nhưng kỳ lạ thay, có hôm đào mãi, dế đâu chẳng thấy, chỉ đào được viên bi đá to bằng quả bưởi, tròn xoe. Mang viên bi về khoe, bà bảo, đấy là đạn đá của ông Trừng đấy! Trong ý nghĩ non nớt thời ấy, tôi nghĩ đến trò súng chun và mường tượng ông Trừng phải là một vị thần cao siêu mới có thể sử dụng viên đạn đá to như thế!
Cũng mãi sau này khi đọc sách, tôi mới biết ông Trừng chính là nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446), chính là kiến trúc sư của tòa thành cổ kỳ vĩ này và những viên đạn đá đó để dùng bắn súng thần cơ sang pháo - một loại vũ khí đã nhiều phen làm quân xâm lược khiếp sợ.
 
Điều bí ẩn mãi mãi đối với tôi chính là đôi rồng đá bị mất đầu đã được người đi làm đồng trong hào thành đào phát hiện và dựng ở đường cái nối Cổng Tiền sang Cổng Hậu. Thắc mắc hỏi thì bà bảo, đôi rồng của ông Hồ Quý Ly, đấy là rồng thiêng, cháu không được vẽ bậy, hoặc cưỡi lên đôi rồng ấy!
Rồi bà kể tiếp rằng, dân làng Tây Giai vẫn lưu truyền nhau câu chuyện, làng hay bị hỏa hoạn nên có thầy phong thủy đi qua bảo rằng, đôi rồng đá ấy hướng về làng thường phun lửa nên làng hay bị cháy.
Từ đó, đầu đôi rồng không còn. Trong ý nghĩ non nớt của đứa trẻ lên năm, tôi nghĩ Hồ Quý Ly phải là vị thần oai hùng lắm mới có thể cưỡi rồng đá phun lửa đến cháy nhà.
Tiến sĩ Phạm Văn Đấu (Hội sử học Thanh Hoá) đánh giá đôi rồng đá ở Thành nhà Hồ thuộc loại tượng rồng lớn và đẹp nhất hiện còn lại ở Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Văn Đấu (Hội sử học Thanh Hoá) đánh giá đôi rồng đá ở Thành nhà Hồ thuộc loại tượng rồng lớn và đẹp nhất hiện còn lại ở Việt Nam. Đôi rồng thể hiện nghệ thuật chạm khắc thời Trần lúc hưng thịnh với đặc điểm khỏe khoắn, đầy đặn.
“Sử cũ không ghi chép, cũng không ai biết đôi rồng đá bị mất đầu từ bao giờ, nhưng giả thiết sau khi xâm lược nước ta, quân Minh cho chặt đầu rồng mang về báo công được nhiều người chấp nhận”, tiến sĩ Đấu cho biết.
Sau này đọc lịch sử, tôi mới biết, Hồ Quý Ly (1336 - 1407) chính là vị vua sáng lập nên nhà nước phong kiến Đại Ngu, là người ra lệnh xây dựng tòa thành và có nhiều cải cách tiến bộ mà đến bây giờ đã được thế giới công nhận. Và trong dã sử, có nhiều thuyết nhắc đến đôi rồng đá bị cụt đầu ấy. Có thuyết nói rằng, sau khi giặc Minh xâm lược nước ta, đã chặt đầu rồng, lại có sách nói, đôi mắt rồng là hai viên ngọc quý nên bị người ta chặt đầu lấy ngọc.
Năm 2015, CNN đã xếp Thành nhà Hồ là “một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới”.
Chuyên mục Du lịch của trang web Đài truyền hình CNN (Mỹ) đánh giá, việc UNESCO lựa chọn ngôi cổ thành này để trao “danh hiệu danh giá” bởi 2 lý do: một là nhà Hồ chỉ tồn tại trong 7 năm (1400 - 1407) trong một giai đoạn nhiều biến động của lịch sử Việt Nam, hai là Thành nhà Hồ là “mẫu mực nổi bật cho phong cách mới của kinh thành Đông Nam Á”.
Năm 2015, CNN đã xếp Thành nhà Hồ là “một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới”.
Phóng viên CNN khi tác nghiệp tại Thành nhà Hồ mô tả rằng: “... phần của tường thành bị lún xuống hoặc bị cỏ cây trùm lấn - điều không thể tránh khỏi, nhưng như thế lại “tạo cho di tích vẻ huyền bí”. Xung quanh thành là những cánh đồng ngô, lúa và con đường đất trải dài như không hề chịu ảnh hưởng của thời gian...”.
Ngày đó, tôi với thằng Ngọc, người làng Tây Giai có một cuộc tranh cãi quyết liệt với chủ đề làm cách nào để xây tòa thành đá này. Tôi thì đưa ra chủ kiến, cái ông Hồ Quý Ly, cưỡi rồng đá phun lửa cháy làng ấy là người đẽo gọt những tấm đá to đùng rồi xếp lại với nhau thành tòa thành. Thằng Ngọc thì bảo, nó thấy người ta đẽo đá rồi, phải có rất nhiều người, đục đẽo đá núi Vàng (một ngọn núi ở huyện Vĩnh Lộc) thành những khối đá vuông, nhưng làm thế nào để xếp thành tòa thành thì nó không lý giải được. Nó bảo, lớn lên nó sẽ trả lời cho mà nghe.
Trong những lần khảo cổ xung quanh khu vực Thành nhà Hồ, các nhà khoa học tìm thấy hàng trăm viên bi đá lớn (bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả cầu mây). Việc tìm thấy những viên bi đá này giúp củng cố giả thiết người thợ khi xưa đã dùng chúng như con lăn để tời đá từ vùng khai thác đến nơi xây dựng. Kết hợp với tời và đắp đất, người ta đã đưa những phiến đá lên cao để xây thành.
Trong những lần khảo cổ xung quanh khu vực Thành nhà Hồ, các nhà khoa học tìm thấy hàng trăm viên bi đá lớn (bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả cầu mây).
Lũ con nít làng Tây Giai chúng tôi lớn lên, mỗi đứa mỗi ngả, đã quá nửa đời người nhưng không đứa nào theo đuổi ngành lịch sử để giải mã được những bí ẩn của tuổi thơ.
Theo TRỊNH THÔNG THIỆN/Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)