Nguồn gốc của Thiên Địa Hội
Cuộc khởi nghĩa thất bại vì bị quân Pháp phát hiện trước, Phan Xích Long và một số thành viên Thiên Địa Hội bị Pháp bắt và xử tử. Sự nghiệp của Phan Xích Long không thành, nhưng ông đã nêu một tấm gương yêu nước, tiếng thơm còn lưu truyền nhiều đời sau.
Khi người Mãn xâm chiếm Trung Hoa và lập ra triều đình nhà Thanh, những người Hán trung thành với triều Minh đã lập ra tổ chức Thiên Địa Hội với tôn chỉ “Phản thanh phục Minh”. Ảnh hưởng của Thiên Địa Hội chẳng những rất mạnh ở Trung Hoa mà còn lan ra khắp thế giới, ở những nơi có Hoa kiều sinh sống.
Những Hoa kiều ở đất Nam Kỳ dần dần cũng thành lập Thiên Địa Hội, có cả một số người Việt Nam tham gia. Sau đó, người Việt tách ra thành lập Thiên Địa Hội riêng, với tôn chỉ hoạt động không giống như của người Hoa, nghĩa là không có tinh thần “Phản Thanh phục Minh”. Mục tiêu chính trị của hội người Việt là nhằm đến một đối tượng khác: Đó là người Pháp.
Thiên Địa Hội của người Việt là hội kín chống Pháp để giành độc lập cho dân tộc. Thiên Địa Hội của người Việt cũng mang màu sắc tôn giáo, dùng hoạt động mê tín để thu hút người tham gia. Thế nên, ai đã tham gia Thiên Địa Hội đều tuyệt đối thề trung thành với hội, dù có phải hy sinh tính mạng. Rất nhiều Thiên Địa Hội được lập nên ở các tỉnh, nhưng chỉ có Thiên Địa Hội ở Sài Gòn do Phan Xích Long lãnh đạo, có tôn chỉ kiên quyết đánh Pháp.
“Lãnh tụ” khởi nghĩa ở tuổi 20
Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh, tự Lạc, là con trai của Phan Núi, một viên chức cảnh sát gốc Hoa ở Chợ Lớn. Thuở nhỏ, Phan Phát Sanh lười học, có lúc đi làm bồi cho Pháp. Về sau, rời quê nhà để đi rong chơi, đến Tân Châu rồi đến Bảy Núi (Thất Sơn).
Lúc bấy giờ, có Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Hiệp là hai thanh niên yêu nước. Khoảng năm 1911, họ tình cờ quen được Phan Phát Sanh, rồi cùng nhau mưu cuộc đánh đuổi thực dân Pháp. Để vận động và tuyên truyền cho sự nghiệp chung, Phan Phát Sanh tự xưng mình là Phan Xích Long, con vua Hàm Nghi và cũng tự xưng mình là “Hoàng đế”.
Buổi đầu, Phan Xích Long đặt cơ sở ở Cần Vọt (Cao Miên). Ở đó, nhờ tiền quyên góp, ông cho xây cất một ngôi chùa để làm nơi tụ họp, lập hội kín, chế tạo lựu đạn, trái phá, in truyền đơn đưa ra tuyên cáo Phản Pháp phục Nam, kêu gọi mọi người chống Pháp. Sau này, khi về nước, ông lập căn cứ ở vùng núi Thất Sơn (Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Ông lập ra Thiên Địa Hội (hội kín) có hội viên ở địa bàn Sài Gòn, Chợ Lớn, Long An. Phan Xích Long truyền hịch nổi dậy, định sẽ dùng lực lượng lớn của hội viên Thiên Địa Hội đánh chiếm các cơ quan đầu não của Pháp tại Sài Gòn. Lúc đó, nhiều hội kín ở các tỉnh cũng sẽ phối hợp nổi dậy giành lấy chính quyền.
Chuẩn bị xong, đêm 23 rạng sáng 24.3.1913, ông cho người đặt 8 trái bom tự tạo có hẹn giờ ở một số cơ quan tại Sài Gòn và Chợ Lớn, đồng thời chia nhau đi rải truyền đơn và dán bản hịch trong thành phố.
Nhưng âm mưu khởi nghĩa đã bị quân Pháp phát hiện. Nhà cầm quyền Pháp cho quân đi tháo gỡ các quả bom và lùng bắt quân khởi nghĩa. Không nghe tiếng bom nổ, nhiều toán quân khởi nghĩa đã rút lui. Tuy nhiên, quân Pháp vẫn bắt được số đông khi họ đang kéo về Chợ Lớn, vì kiểu đồng phục của Thiên Địa Hội là “quần đen, áo trắng, khăn trắng quàng cổ”.
Kết cuộc, Nguyễn Hữu Trí chạy thoát. Phan Xích Long chạy ra Phan Thiết và bị bắt ở đó, rồi bị đem về giam ở khám lớn Sài Gòn. Từ ngày 5 đến ngày 12.11.1913, tòa án Sài Gòn xử tha bổng 54 người, kêu án 57 người (đều là người Việt ở Chợ Lớn và Long An, trong đó chỉ có 1 người Hoa). Riêng có 6 người bị án chung thân khổ sai là Phan Xích Long, Nguyễn Trí, Nguyễn Hiệp (án hiện diện) còn Nguyễn Măng, Trương Phước, Nguyễn Ngọ không bắt được, nêu kêu án khiếm diện. Sau khi xét xử xong, ba tù chung thân được đưa sang giam giữ tại khám lớn Sài Gòn, bên cạnh tòa án.
Kế hoạch phá khám lớn, cướp ngục không thành
Sau khi Phan Xích Long bị bắt và bị kết án tù chung thân, quân Pháp cho rằng Thiên Địa Hội đã tan rã, vì rắn đã mất đầu. Nhưng họ đâu biết rằng, vụ Phan Xích Long bị bắt đã làm chấn động các giới chống thực dân khác. Các hội kín tại Nam Kỳ vẫn ngấm ngầm hoạt động và tiếp tục gây dựng lực lượng. Một nhiệm vụ quan trọng của các thành viên Thiên Địa Hội là phải tìm cách cứu “hoàng đế” Phan Xích Long.
Năm 1916, sau 3 năm Phan Xích Long bị bắt, khi biết tin thực dân Pháp bại trận trong thế chiến thứ nhất, Thiên Địa Hội cho rằng đây là thời cơ ngàn năm có một và quyết định hành động để cứu “chúa”. Theo đó, khoảng 300 thành viên của các hội kín khác ở Biên Hòa, Tân An, Bến Tre hưởng ứng lời kêu gọi của Thiên Địa Hội, sẵn sàng lên đường tiến về Sài Gòn, quyết tâm phá khám cướp ngục.
Các hội kín tụ hội về vùng Núi Cấm trong dãy Thất Sơn (An Giang) để bàn kế hoạch cướp ngục. Sau nhiều phương án được đưa ra bàn bạc, họ đi đến quyết định. Theo đó, rạng sáng ngày 15/02/1916, lực lượng của Phan Xích Long do Nguyễn Hữu Trí dẫn đầu, sẽ lên đường, tiến về Sài Gòn. Họ sẽ di chuyển bằng thuyền theo đường sông, dọc đường đi, sẽ ém quân dưới những khoang thuyền, được ngụy trang bằng lá cây và một số hàng hóa theo kiểu thương hồ đi buôn bán. Sau nhiều ngày rong ruổi trên các con sông, họ cặp bến khu vực cầu Ông Lãnh, cầu Khánh Hội (quận 1 ngày nay). Vứt hết đồ ngụy trang, các thành viên lên bờ với khí thế hừng hực và mang theo khẩu hiệu cứu “hoàng đế” Phan Xích Long.
Đội quân này mặc đồng phục quần đen, áo trắng, quấn khăn trắng ở cổ và không quên mang theo bùa chú cùng đủ loại binh khí nhưng lại không có súng, loại vũ khí có thể đọ sức với quân Pháp.
Sau vụ cướp ngục bất thành một tuần, tòa án thực dân đã tuyên án xử tử 38 người và đưa ra hành quyết tại Đồng Tập Trận (khu đất rộng tại khu vực đường 3/2 và đường Điện Biên Phủ thuộc Quận 10 và Quận 3 ngày nay) trong đó có Phan Xích Long. Mặc dù vụ cướp ngục thất bại và Phan Xích Long cùng một số thành viên bị xử tử, nhưng họ đã làm chấn động những trái tim yêu nước và giới giang hồ mà thượng thời bấy giờ.