Ly kỳ chuyện mẹ nuôi giành ngôi thiên tử cho con duy nhất sử Việt

Google News

Trong chốn hậu cung nước Việt khi xưa, chuyện bà Kính phi họ Nguyễn dưới thời Lê sơ không tiếc dùng mọi tâm sức để chớp thời cơ đưa con nuôi lên ngôi (tức Hoàng đế Lê Uy Mục) là điều hiếm thấy...

Nay xin theo ghi chép của sách Đại Việt sử kí toàn thư (phần biên niên về các đời hoàng đế Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục) và Đại Việt thông sử (phần Hậu phi truyện, Đế hệ truyện) để thuật lại chuyện này.
Nguyễn Kính phi (bà Kính phi họ Nguyễn) là thứ phi của Hoàng đế Lê Hiến Tông (trị vì 1497-1504), người xã Hoa Lăng, huyện Thuỷ Đường (nay thuộc thành phố Hải Phòng). Bà không có con trai nên nhận nuôi hoàng tử thứ hai của Hiến Tông là Lê Tuấn vốn mất mẹ từ khi còn nhỏ.
Ly ky chuyen me nuoi gianh ngoi thien tu cho con duy nhat su Viet
Nguyễn Kính Phi quyết giành ngôi hoàng đế cho con nuôi (Hình minh hoạ). 
Nguyễn Kính phi hi vọng Lê Tuấn sẽ được kế thừa ngôi báu để có thể yên hưởng tuổi già sau này. Niềm hi vọng đó là có cơ sở bởi nhà Lê không hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc truyền trưởng. Lê Tuấn là con thứ hai và rất có thể sẽ được phong thái tử bởi hoàng tử trưởng là Lê Tuân tuy thông minh nhưng hung tợn, dám hạ độc cả thân mẫu. Năm 1497, Lê Hiến Tông lên ngôi. Ước muốn về việc Lê Tuấn sẽ trở thành thái tử vẫn luôn cháy bỏng trong lòng Kính phi.
Hai năm sau, tức năm 1499, Hoàng đế Lê Hiến Tông đã theo lời tâu xin của quần thần, quyết định lập thái tử. Lê Hiến Tông đã nhận xét khái quát về các hoàng tử như sau: “Hoàng tử thứ nhất là Tuân thì thích mặc áo đàn bà, bỏ thuốc độc cả mẹ; hoàng tử thứ hai là Tuấn thì còn bé, lại không có đức, sợ không kham nổi; hoàng tử thứ ba là Thuần rất ham thích Thi, Thư, dốc lòng hiếu kính, trẫm đích thân vỗ về dạy bảo, nay đã trưởng thành, trẫm quyết đoán từ công tâm, cho giữ ngôi thái tử, thực không phải là bỏ con trưởng lập con thứ, mà là vì thiên hạ chọn người làm vua” (Đại Việt sử kí toàn thư). Do vậy, Hiến Tông đã lập hoàng tử thứ ba là Lê Thuần làm hoàng thái tử.
Tình thế biến đổi rất bất lợi cho mẹ con Nguyễn Kính phi. Bà thấy khó có thể khiến hoàng đế thay đổi quyết định nên đành nhẫn nhịn, đợi chờ cơ hội. 
Năm năm sau (1504), cơ hội ấy đã đến. Hoàng đế Lê Hiến Tông lâm bệnh rất nguy kịch, khó bề qua khỏi. Thượng thư Bộ Lễ Đàm Văn Lễ và Đô Ngự sử Nguyễn Quang Bật nhận di chiếu của Hiến Tông về việc tôn lập thái tử. Kính phi hay tin, bèn đem vàng bạc đút lót cho Đàm Văn Lễ với hi vọng có thể cải đổi di chiếu. Tuy nhiên, Đàm Văn Lễ là người trung tín, đã dứt khoát chối từ và cũng không nhận của cải.
Một thời gian sau, Hoàng đế Lê Hiến Tông qua đời. Trong nội bộ hoàng tộc và triều thần ngấm ngầm chia thành ba phe tranh giành ngôi báu:
- Bà Cao phi (vợ của Hoàng đế Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) – cha của Lê Hiến Tông) muốn lập con trưởng của Hiến Tông là An Vương Lê Tuân. Sở dĩ có điều này vì thân mẫu của An Vương Lê Tuân (Mai Quý phi) lúc trẻ từng hầu hạ Cao phi, được Cao phi đem dâng cho Lê Hiến Tông lúc còn là thái tử, rồi sau đó sinh ra Lê Tuân.
- Nguyễn Kính phi muốn lập hoàng tử thứ hai là Lê Tuấn.
- Một số đại thần, đứng đầu là Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật, ủng hộ Thái tử Lê Thuần. Vì sợ có biến cố bất ngờ xảy ra, Đàm Văn Lễ phải đem ấn truyền quốc về nhà cất giấu.
Cuối cùng, thái tử được Hoàng Thái hậu Trường Lạc và triều thần tôn phò, đã trở thành hoàng đế. Đó là Lê Túc Tông. Nhưng nhiều người vẫn ngấm ngầm bất phục, nhất là hoàng tử Lê Tuấn và Nguyễn Kính phi. Có lẽ vì thế mà Lê Túc Tông không thể sống lâu hơn. Cầm quyền được 6 tháng, vị hoàng đế này đã yểu mệnh khi mới 16 tuổi. Việc này diễn ra ngay trong năm 1504.
Trước khi mất, Lê Túc Tông có lệnh trao ngôi báu cho hoàng huynh Lê Tuấn. Mẹ con Lê Tuấn khấp khởi mừng vui. Nhưng Thái hoàng Thái hậu Trường Lạc dứt khoát không chấp nhận, vì cho rằng Lê Tuấn là con do người mẹ xuất thân nô tì sinh ra, không xứng đáng kế thừa đế nghiệp. Bà muốn lập Lã Côi Vương là một thân vương trong hoàng tộc. Bà bàn chuyện này với hoạn quan Nguyễn Nhữ Vi. Chẳng ngờ, Nguyễn Nhữ Vi vốn cùng phe cánh với Nguyễn Kính phi nên tin tức nhanh chóng đến tai mẹ con Kính phi. Một kế hoạch đối phó được Kính phi và Nguyễn Nhữ Vi gấp rút vạch ra. Kế hoạch đó là gì? Sách Đại Việt thông sử (phần Hậu phi truyện) cho biết:
“Nhữ Vi vờ theo lệnh, lừa Thái hậu ra đón Lã Côi Vương, thái hậu tin là thực. Khi đi rồi, Nhữ Vi vào đóng các cửa thành lại, gọi các công khanh đại thần vào, giơ tờ di chúc của Túc Tông ra, lập Uy Mục làm vua”.
Thái hoàng Thái hậu khi hay biết thì sự đã rồi, không thể làm gì hơn.
Như vậy, sau nhiều năm đợi chờ và tốn nhiều tâm sức, Nguyễn Kính phi đã được toại nguyện. Quá trình vận động để đưa Lê Tuấn lên ngai vàng không hề dễ dàng khi bà phải đối mặt với nhiều trở lực, lần lượt là: việc Lê Hiến Tông chọn lập Lê Thuần chứ không phải Lê Tuấn, tranh giành ngôi báu nhưng bị Đàm Văn Lễ cùng Nguyễn Quang Bật ra mặt chống đối, Thái hoàng Thái hậu Trường Lạc ngăn cản. Hao tổn nhiều tâm sức nên khi được thoả nguyện, mẹ con Kính phi đã lần lượt xuống tay với những người không ăn cánh trước kia. Thái hoàng Thái hậu Trường Lạc bị giết ngay trong cung; Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật bị cách chức, đày đi xa, sau đó bị giết chết; Nguyễn Nhữ Vi vì biết quá nhiều chuyện nên cũng không thể sống thêm.
Ly ky chuyen me nuoi gianh ngoi thien tu cho con duy nhat su Viet-Hinh-2
Lê Uy Mục trở thành hoàng đế như mong muốn của Nguyễn Kính Phi (Hình minh hoạ). 
Sau khi con nuôi trở thành hoàng đế, Nguyễn Kính phi yên tâm hưởng thụ cuộc sống quyền uy. Hoàng đế Lê Uy Mục (tức Lê Tuấn) rất biết ơn bà, không chỉ hết lòng phụng dưỡng mà còn rất biệt đãi họ hàng bên ngoại (tức thân thích của Kính phi và của thân mẫu Lê Uy Mục). Bọn này được thể càng ra sức lộng hành, làm ác không từ thủ đoạn, khiến triều cương rối loạn. Mãi đến năm 1510, chúng mới bị Hoàng đế Lê Tương Dực sau khi lật đổ Lê Uy Mục để lên thay, theo quốc pháp mà thẳng tay trừng trị.

Mời quý độc giả xem video: Cung điện không có nhà vệ sinh, Vua "giải quyết nỗi buồn" ra sao?. Nguồn: Kienthucnet. 


Nguyễn Thanh Tuyền

>> xem thêm

Bình luận(0)