Tiết lộ bất ngờ về hầm chỉ huy Sư đoàn Phòng không 361

Google News

(Kiến Thức) - Hầm chỉ huy Sư đoàn Phòng không 361 là công trình gắn liền với sự kiện 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội. Vào năm 2013, căn hầm đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Căn hầm gắn với chiến tích 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không
Tọa lạc tại số 2 đường Lê Văn Lương, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, hầm chỉ huy Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) là một di tích lịch sử đặc biệt gắn liền với chiến công của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không (18/12-29/12/1972).
Ngược dòng lịch sử, ngày 19/5/1965, Đoàn phòng không Hà Nội, nay là Sư đoàn phòng không 361 được thành lập. Ngay sau đó, Ủy ban hành chính Hà Nội đã ra quyết định cấp đất để xây dựng sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn, mang mật danh K1, trên diện tích 850 m2. Đầu năm 1966, Hầm chỉ huy cơ bản K1 được xây dựng xong và đưa vào sử dụng.
Tiet lo bat ngo ve ham chi huy Su doan Phong khong 361
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thăm khu di tích lịch sử quốc gia Hầm chỉ huy Sư đoàn phòng không Hà Nội, tháng 12/2017. ảnh: H.K / PL & XH.
Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361 là trung tâm điều hành, chỉ huy chiến đấu của Sư đoàn. Từ Sở chỉ huy này, Sư đoàn phòng không 361 đã hiệp đồng với LLVT Thủ đô và các binh chủng bạn, đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch, bảo vệ Hà Nội. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc đấu trí quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn phòng không 361 với các thủ đoạn kỹ, chiến thuật của không quân Mỹ. Do vậy, trong 3 năm (từ 1966 đến 1968), các lực lượng của Sư đoàn đã bắn rơi 159 máy bay địch; phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi 323 chiếc khác.
Cũng tại Sở chỉ huy cơ bản K1, Đảng ủy Sư đoàn phòng không 361 đã ra Nghị quyết chuyên đề về đánh máy bay B-52. Ngày 21/9/1972, phương án đánh máy bay B-52, bảo vệ Hà Nội của Sư đoàn phòng không 361 đã được thông qua tại Sở chỉ huy cơ bản K1.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không chống cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lớn trên hậu phương miền Bắc, tại Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361, kíp trực chỉ huy chiến đấu rút gọn đã ngày đêm sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ chỉ huy, cùng với các lực lượng của Quân chủng PK-KQ, quân và dân Thủ đô và các địa phương, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng lừng lẫy “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng loại, hầm Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361 vẫn giữ nguyên hiện trạng. Đến năm 2013, công trình đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Sư đoàn Không quân 361 – lá chắn thép bảo vệ bầu trời thủ đô
Sư đoàn 361 được thành lập ngày 19/5/1965, vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh nhật Bác Hồ. Ngay từ khi ra đời, Sư đoàn đã được xác định là lực lượng chủ yếu, nòng cốt trong tác chiến phòng không, đánh bại các cuộc tập kích của Mỹ, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Nằm trong đội hình chiến đấu của Quân chủng PKKQ, trong kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn đã cơ động, chiến đấu trên 20 tỉnh, TP. Sư đoàn đã chiến đấu trên 1.800 trận, bắn rơi 591 máy bay các loại, trong đó, có 35 máy bay chiến lược B-52, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.
Tiet lo bat ngo ve ham chi huy Su doan Phong khong 361-Hinh-2
Chiến sĩ Sư đoàn 361 sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời tổ quốc. Ảnh: Soha.
Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Sư đoàn đã cùng quân dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, lập công xuất sắc, trực tiếp bắn rơi 29 máy bay, có 25 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), góp phần làm nên chiến thắng ''Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không'', buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Với thành tích và chiến công đó, Sư đoàn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều Huân chương cao quý khác. Sư đoàn đã vinh dự 8 lần được đón Bác Hồ về thăm.
*Bài viết có sử dụng tư liệu của báo Quân Đội Nhân Dân.

Mời quý độc giả xem video: Nghệ thuật chọn thời cơ chiến lược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguồn: VTC1. 


Thanh Bình

>> xem thêm

Bình luận(0)