Thực hư kho báu của cướp biển ở Hòn Tre lớn (2)

Google News

Nhiều người dân trên đảo Hòn Tre Lớn (thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) vẫn nhớ như in “vụ bắt hai ông Tây đi đào kho báu” trên đảo vào tháng 4/1983. 

Hai người đào kho báu này mang theo cả bản đồ vị trí kho báu, điện đàm...
Một trong những người trực tiếp bắt hai ông Tây là ông Lương Văn Tâm (56 tuổi, nguyên công an xã Tiên Hải). Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng ông Tâm kể lại sự việc với chúng tôi vẫn rành rọt từng chút một.
Thuc hu kho bau cua cuop bien o Hon Tre lon
Mũi Minh Kiến, nơi hai người nước ngoài cập xuồng đi tìm kho báu. - Ảnh: Yến Trinh 
Tin báo lúc 17g
Chừng 9g sáng một ngày tháng 4/1983, mọi sinh hoạt trên đảo Hòn Tre vẫn diễn ra bình thường. Từ trụ sở UBND xã Tiên Hải, ông Tâm nghe tiếng động cơ ngoài biển nên bèn ngó ra.
Liền đó, ông nhìn thấy một chiếc xuồng máy (hình dáng tương tự canô nhưng nhỏ hơn) chạy ngang qua về hướng nam của đảo Hòn Đước, Kiến Vàng, lượn vòng vòng rồi khuất về phía bên lưng Hòn Tre.
“Lúc đó nghĩ là cán bộ trong đất liền ra làm việc nên tụi tui cũng không quan tâm nữa” - ông Tâm nói.
Đến 17g, ông Biện - một người dân trên đảo - chèo xuồng đi đánh cá thì thấy chiếc xuồng máy dạt vào mũi Minh Kiến của Hòn Tre từ bao giờ. Ngó không thấy ai trên xuồng, ông Biện hớt hải chạy về báo cho công an xã.
Hiện nay Công an tỉnh Kiên Giang vẫn còn lưu giữ hình ảnh chụp hai người Tây và tấm bản đồ kho báu. Ghé vào, chúng tôi được xem những tấm ảnh trắng đen ngày ấy.
Hai ông Tây một người cao ráo, mập mạp, người trẻ hơn và gầy. Hình ảnh còn cho thấy tỉnh đã mở một phiên tòa để xét xử hai người này vào năm 1983. Sau đó tỉnh đã trả tự do cho họ.

 

Ông Tâm nhớ lại: “Cỡ 19g anh Thương, trưởng công an xã, mới gọi ngay tôi và anh Cẩm, lúc đó là xã đội trưởng, nói người dân phát hiện có chiếc bo bo lạ cập vào đảo”.
Gấp rút bàn tính, ngay sau đó ông Tâm, ông Thương, ông Cẩm cùng vài người nữa nhanh chóng đến khu vực mũi Minh Kiến kiểm tra.
“Năm 1983 cả xã chỉ lác đác 7-8 hộ dân, lại chưa có điện. Chúng tôi mò mẫm đi trong đêm tối” - ông Tâm kể.
Đường lên mũi Minh Kiến lúc đó chỉ là con đường đất mòn, nhỏ xíu. Đến gần khu vực có chiếc xuồng máy, ông Cẩm chia anh em thành hai hướng để bò lên núi. Núi Minh Kiến cao khoảng 15m, cây rừng rậm bít lối.
Nhớ lại những giây phút ấy, ông Tâm tỏ ra hồi hộp: “Hồi đó mới giải phóng chưa được bao lâu. Anh em cứ sợ biệt kích Mỹ đổ bộ”.
Trời đêm ngoài đảo yên ắng, gió thổi lạnh sống lưng nhưng ông Tâm cùng mọi người vẫn khom mình bám lấy dây rừng, vừa bò vừa đề phòng cảnh giác.
“Bắt được cái hơi thuốc xịt muỗi nồng nặc, anh em cứ theo đó mà bò lên. Đêm đó trăng mờ, lên chút xíu nữa thì ông Cẩm nhá đèn pin. Tất cả đều giật mình khi thấy... lá cờ Mỹ cắm trên đất” - ông Tâm kể. Họ nhẹ nhàng lên đạn.
Bò lên gần tới đỉnh núi, cả nhóm phát hiện “hai ông Tây đang ở trần, da trắng tươi” đang nằm nghỉ.
“Anh em được lệnh bao vây, ông Cẩm lập tức bắn một băng đạn cảnh cáo lên trời. Hai người Tây giật mình ngồi dậy giơ hai tay lên trời, nói tiếng nước ngoài một tràng. Tui nhảy vô lấy dây rừng trói thúc ké lại rồi dắt xuống mé biển” - ông Tâm mô tả.
Ngay lúc đó, nhóm cử một người chạy đi mượn ghe. Sau khi đã áp giải hai ông Tây lên ghe, họ đưa về ủy ban xã cách đó chừng nửa cây số.
Ngừng một chút để nhớ lại đầy đủ hơn, ông Tâm nói tiếp: “Lúc về tới ủy ban xã là hơn 22g rồi. Tui mới sực nhớ ở trong xóm có ông Sáu Mi biết nói tiếng Anh “bồi” nên kêu ổng tới”.
Thấy hai ông Tây có vẻ đói, ông Tâm nấu hai tô mì gói cho ăn. Theo lời phiên dịch của ông Sáu Mi, một người mang quốc tịch Anh ngoài 40 tuổi, một người Mỹ chừng 20 tuổi.
Họ nói hồi giữa thế kỷ 17 cha ông họ là cướp biển và chôn giấu của cải trên đảo này. Họ vượt đại dương qua đây, mang theo tấm bản đồ chỉ nơi cất giấu kho báu năm xưa.
Thuc hu kho bau cua cuop bien o Hon Tre lon-Hinh-2
Các thiết bị được sử dụng để đi tìm kho báu trên đảo Hòn Tre. - Ảnh: Công an Kiên Giang cung cấp 
Đào miết mà chẳng thấy đâu...
Ngồi trong trụ sở UBND xã Tiên Hải mà ngày ấy chỉ là ngôi nhà cấp bốn sơ sài, hai ông Tây xin giấy bút, vừa nói vừa vẽ ra. Theo những gì ông Tâm kể lại, họ vẽ một cái rương hình chữ nhật, bên trên vẽ thêm đồng tiền để giải thích rằng mình đang đi tìm kho báu.
Họ còn đưa ra tấm bản đồ nhàu nhĩ cỡ giấy A3 chỉ vị trí chôn giấu kho báu. Vì thấy ông Sáu Mi chỉ nói bập bẹ tiếng Anh, không khai thác được gì thêm, ông Tâm thu giữ hai chiếc điện đàm của hai ông Tây rồi tính cách giải quyết.
Tính toán một hồi, công an xã quyết định chuyển hai người này lên Công an tỉnh Kiên Giang. Họ mượn chiếc ghe 10 mã lực của ông Năm Bình sống trên đảo. Rồi một người công an dẫn hai ông Tây ra ghe, hướng về Hà Tiên. Hai chiếc điện đàm được chia ra.
Ông Tâm kể: “Lúc ghe mới chạy, tụi tui vẫn điện đàm hỏi thăm tình hình, sau qua vùng biển Kiên Lương một chút thì mất liên lạc. Lúc đó cũng không biết làm sao, chỉ mong anh em trên ghe an toàn”.
Mọi thông tin vẫn im bặt cho đến chừng một tuần sau. Trên tỉnh, công an lấy ghe đưa hai người Tây ngược lại đảo. Lúc đó Hòn Tre còn thuộc huyện Tiên Hải, sau mới thuộc thị xã Hà Tiên.
Hai ông Tây được dẫn tới khu vực mà họ khẳng định là có kho báu. Qua bên kia mũi Minh Kiến, họ chỉ tay vị trí có kho báu.
“Tụi tui cùng nhau đào. Đào sâu xuống đường kính 5m, đào miết vẫn không thấy gì. Đất cứng như đá. Lúc đó cỡ 10g sáng, nắng gắt nên ai cũng mệt” - ông Tâm kể. Thấy câu chuyện kho báu là điều không tưởng, cả đoàn ngưng đào. Hai ông Tây được đưa trở lại Rạch Giá.
Hòn đảo vốn bình yên nên khi có sự lạ người dân trên đảo cũng tò mò tụm lại. Việc bắt hai ông Tây với tấm bản đồ kho báu từ đó trở thành câu chuyện kể đi kể lại miết của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn tin rằng đang tồn tại một kho báu thật sự trên quần đảo Hải Tặc vì nơi đây mấy trăm năm trước từng là căn cứ của cướp biển.
Lời đồn đại vẫn còn đến ngày nay dù địa hình hòn đảo cũng thay đổi ít nhiều. Đường trải nhựa đã băng ngang khu vực mà ngày xưa chỉ là con đường mòn. Mũi Minh Kiến giờ đây vươn ra biển xanh ngắt, nhiều nhà dân mọc lên, xôm tụ hơn xưa rất nhiều.
Buổi trưa, những gia đình sống ở khu vực mũi Minh Kiến xong bữa cơm, người vá lưới, người đóng thuyền, người chuẩn bị để tối đi ghe. Nghe chúng tôi nhắc về chuyện ngày xưa nơi này từng có hai người Tây đến tìm kho báu, người dân cười xòa.
“Làm gì có kho báu. Nếu có tụi tui ở đây mấy đời đã đào mất rồi...”.
Khi chúng tôi hỏi ông Tâm rằng sau vụ “hai ông Tây đi tìm kho báu”, còn có ai quay lại tìm kho báu nữa không, ông cho biết cách đây mấy năm có nghe loáng thoáng nhưng không chắc.
Tuổi cũng lớn, ông Tâm mở một hàng tạp hóa bán buôn sống qua ngày và bất đắc dĩ trở thành nhân chứng kể lại chuyện kho báu cũng như những năm tháng xa xưa của hòn đảo này cho du khách nào tò mò.
Như nhiều người dân ở đảo này cũng hồn hậu trả lời khách về những câu chuyện liên quan đến cướp biển, đến kho báu. Họ coi đó là một “đặc sản” của quần đảo Hải Tặc, nơi mà những nhà nghỉ cho khách du lịch dần mọc lên hứa hẹn tương lai mới mẻ cho đảo.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)