Liên minh mới lớn thứ hai châu Âu sau Nga về diện tích (tức là hơn cả Pháp và Đức cộng lại), đứng thứ ba châu Âu, chỉ sau Nga và Đức, và vượt Anh Quốc về dân số.
Liên minh ấy, với quân đội có quân số lên tới hàng triệu binh lính, có thể đối địch với bất cứ thế lực quân sự của cường quốc nào khác ở Lục địa già. Điều đáng nói là nó tồn tại được tới hơn nửa thế kỷ, cho dù chứa chở trong lòng tới 13 dân tộc với những ngôn ngữ, phong tục tập quán và tín ngưỡng khác biệt.
Đó là Đế quốc Áo – Hung, nền quân chủ kép được hình thành bởi Đế quốc Áo và Vương quốc Hungary, có lãnh thổ trải dài và ôm trọn lưu vực sông Danube, con sông mẹ của châu Âu. Không ít nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là tiền thân đầu tiên của Liên Âu, đem lại những năm tháng yên ả và hạnh phúc cho khu vực.
Nền quân chủ ấy gắn liền với tên tuổi vị Hoàng đế của Đế chế Áo – Hung Franz Joseph Đệ nhất, người đăng quang ngôi vị quân vương Hungary mùa hạ năm 1867, chấm dứt vài trăm năm thù địch giữa hai quốc gia, nhất là từ khi cuộc cách mạng giành tự do của người Hung năm 1848-49 bị dìm trong biển máu.
Lễ đăng quang huy hoàng
Chưa bao giờ Cung điện Hoàng gia Hungary trên đồi Buda lại náo nhiệt như thế, trong cái năm 1867 đáng nhớ. Trong những cuộc hòa đàm từ đầu năm, Hoàng đế Áo Franz Jóseph và Hoàng hậu Elisabeth, người phụ nữ được coi là đẹp nhất châu Âu hậu bán thế kỷ 19, đã nhiều lần có mặt tại thủ đô Budapest.
Ngày 8/6/1867, cư dân Budapest chờ đợi từ sáng sớm với hy vọng có cơ hội chứng kiến một sự kiện có thể là độc nhất vô nhị trong đời họ, và cả trong lịch sử đất nước: lễ đăng quang của Hoàng đế Franz Joseph, khép lại quá khứ khổ đau của dân tộc Hungary và “hợp thức hóa” Hiệp nghị Áo – Hung đã ký trước đó.
Sử cũ ghi lại cảnh tượng cây Cầu Xích cổ nhất – và tới lúc đó là duy nhất – bắc qua dòng Danube, biểu tượng của hai thành phố bên bờ sông Buda và Pest đã được ngăn lại để chuẩn bị cho lễ đăng quang được tôn nghiêm. Đám đông tụ tập đông nghịt mọi phố phường, mong ngóng một buổi lễ trọng thể kéo dài.
Nghi thức chính diễn ra tại Nhà thờ Mátyás trên Thành Cổ Buda, ngôi thánh đường nổi tiếng, là nơi tổ chức những buổi lễ lớn truyền thống của hoàng gia Hungary, như đăng quang, cưới hỏi… Từ 6h sáng, giới quý tộc và chính khách Hung đã có mặt tại đó, để chờ đón sự hiện diện của vị hoàng đế Áo vào hồi 7h.
Trong bộ đồ thống soái Hungary, Franz Joseph tới địa điểm thiêng liêng ấy trên lưng ngựa, còn Hoàng hậu Elisabeth thì trên chiếc xe ngựa của Nữ hoàng Maria Therese, vị mẫu hậu của cả Châu Âu thế kỷ 18. Trong buổi thánh lễ trọng thể, bản hòa tấu được đại nhạc sư Liszt Ferenc (Franz Liszt) viết riêng cho dịp đăng quang, đã được cử lên.
Mười chín năm kể từ khi lên ngôi hoàng đế nước Áo, Franz Joseph mới được choàng lên người tấm hoàng bào của các vị vua Hungary, được nhận thanh quyền trượng, và thiêng liêng nhất, ông được đội lên đầu chiếc vương miện thần thánh – biểu tượng của nhà nước Hung – của vị vua lập quốc Hungary, Thánh István.
Khoảnh khắc bùng nổ nhất của buổi lễ là lúc bá tước Andrássy Gyula, Thủ tướng Vương quốc Hungary cùng người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hung đương thời đặt chiếc vương miện lên đầu vị hoàng đế Áo đang quỳ dưới đất, rồi vị Thủ tướng giơ tay hô vang chúc tụng cặp vợ chồng Quân vương Áo – Hung vừa được đăng quang.
Sau đó, Franz Joseph cưỡi ngựa tới chân cây Cầu Xích, tại đây, trên một gò cao được đắp bởi đất mang đến từ 72 tỉnh thành thuộc Vương quốc Hungary, vị tân Quân vương đã làm nghi thức chém bốn nhát kiếm, như một lời hứa sẽ bảo vệ đất nước Hung và tuân thủ Hiến pháp Hungary, mà ông đã giữ trọn trong đời.
Buổi lễ đăng quang chính thức mở ra nửa thế kỷ mà cả hai quốc gia đạt được mức độ thịnh trị về rất nhiều mặt, khiến sách vở sau này đã gọi đó là những năm tháng hòa bình và hạnh phúc. Tròn 150 năm trôi qua, nền song quốc quân chủ Áo – Hung tới giờ vẫn để lại những hoài niệm không mờ trong nhiều thế hệ.
Con đường dài và khúc khuỷu
Để có được nền hòa bình mà thật ra rất cần thiết cho cả nước cai trị, Đế chế Áo và nước bị trị, Vương quốc Hungary thời đó, cả hai đều đã phải trải qua những chặng đường đầy cam go và có khi, đẫm máu.
Mở đầu là việc triều đình Habsburg, với sự hỗ trợ của gần 200 ngàn tinh binh của Nga hoàng, đã đè bẹp ước mơ của cả một dân tộc sục sôi cho lý tưởng và mong mỏi độc lập: “Tổ quốc gọi người dân đứng lên đi! – Thời thế bây giờ hay chẳng bao giờ nữa – Thành người tự do hay mãi dân nô lệ? Các bạn ơi, hãy trả lời đi!”.
Thi hào Petőfi Sándor, nhà cách mạng đại diện cho khát vọng tự do của người Hungary trong cuộc cách mạng kéo dài gần 1 năm, khởi đầu ngày 15/3/1848, đã viết như thế trong thi phẩm nổi tiếng “Bài ca Dân tộc”, khúc hát về tự do và độc lập mà tới giờ người dân Hung vẫn luôn coi là ý nguyện vĩnh cửu của họ.
Phù hợp với tâm cảm đó, nước Hung bị chà đạp, dìm trong bể máu và bị mất những người con ưu tú nhất của mình trong cuộc cách mạng, đã thực hiện một chính sách tẩy chay sự hiện diện và hoạt động của bộ máy cai trị Áo trên mọi lĩnh vực. Hình thành một sự bất tuân dân sự rộng rãi trong mọi giai tầng của dân Hung.
Thủ lĩnh của phong trào đó là Deák Ferenc, một chính khách, nhân sĩ được cả nước Hung kính trọng vì tầm nhìn xa và minh triết của ông. Song song với chủ trương tẩy chay, ông quan niệm rằng Hungary phải đủ lớn mạnh để có được nền tự quyết với Đế quốc Áo, mà không cần phải thông qua những cuộc chiến mạo hiểm và chết chóc.
Đối nghịch với quan điểm này là Kossuth Lajos, một tượng đài khác trong phong trào đấu tranh đòi độc lập của Hungary với tư tưởng chiến đấu đến cùng và bác bỏ suy nghĩ thỏa hiệp dưới mọi hình thức. Câu hỏi “nên hòa hay nên chiến?” đã được tranh luận rất hay gắt trong nền chính trị Hungary trong nhiều năm.
Những thất bại trong ngoại giao và những cuộc chiến ngoài lãnh thổ Áo khiến Hoàng đế Franz Joseph nhận ra rằng không thể tiếp tục chính sách cai trị trên cơ sở bạo lực. Đế chế Áo cần phải được cải tổ để không tan vỡ thành từng mảng trước làn sóng thù địch và sự chống đối của những dân tộc bị trị, trong đó nguy hiểm nhất vẫn là Hungary.
Phải nhượng bộ và thỏa hiệp để bảo toàn, cuối cùng Franz Joseph đã rút ra kết luận ấy. Một bộ phận trong giới quý tộc, chính khách tinh hoa Hungary cũng tán thành điều này. Liên minh Deák Ferenc – Andrássy Gyula đã thắng thế, dù rất khó nhọc, và bị phe đối lập cáo buộc, coi đó là sự bội phản, có thể dẫn tới sự cáo chung của dân tộc Hung.
Hiệp nghị Áo – Hung năm 1867, rốt cục, đã khiến Hungary trở thành một quốc gia độc lập, có Quốc hội và các Bộ riêng, ngoại trừ những Bộ quan trọng nhất như Bộ Ngoại giao, Chiến tranh và Tài chính là chung với phía Áo. Nền hòa bình được thiết lập trên toàn lãnh thổ của nền quân chủ này, trong vòng gần nửa thế kỷ.
Người phụ nữ định mệnh
“Đây là công trình của Deák, Andrássy và cá nhân tôi”, Hoàng đế Franz Joseph đã viết như vậy, hoàn toàn bỏ qua một tác nhân không kém phần quan trọng khiến Đế chế Áo – Hung còn được nhiều người truyền tụng cho đến bây giờ: đó là vai trò của chính vợ ông, Hoàng hậu Elisabeth, hay được biết đến với cái tên Sisi trong văn hóa đại chúng.
Nếu không có sự hiện diện của bà, những sự kiện lịch sử cách đây 150 năm có thể chỉ đơn thuần là những dòng khô cứng trong sách giáo khoa lịch sử. Người phụ nữ ấy, với những nỗ lực rất lớn lao, đã góp phần mang lại nền hòa bình cho hai xứ sở Áo – Hung, bằng những tình cảm hiếm có với đất nước và con người Hungary.
Giới sử học đã tốn không ít giấy mực để phân tích nguyên nhân của việc, tại sao Sisi lại yêu mến như thế Hungary, để dày công học tiếng Hung, kết bạn thân thiết với nhiều người Hung, tích cực “vận động hành lang” với chính giới Áo, Hung và với cả chính phu quân của mình, Hoàng đế Franz Joseph, để có được Hiệp nghị 1867.
Một điều không thể phủ nhận: sử sách còn lưu lại những lá thư tay bà viết bằng tiếng Hung, gọi Hungary như mảnh đất quê hương mà bà cảm thấy khi tới đó như được trở về nhà. Những hành động mang tính hòa hợp, hòa giải của bà với những người Hung đương thời, vốn có mối thâm thù đế quốc Áo, cũng được ghi nhận lại rất rõ ràng.
Là một phụ nữ rất hiện đại – và do đó có cách hành xử đi ngược lại rất nhiều chuẩn mực của giới quý tộc đương thời -, trong đời Sisi rất mê lãng du, bà di chuyển không ngừng và không mấy khi quan tâm cùng chồng trong công việc trị quốc. Ngoại lệ duy nhất, đó là những năm tháng bà lao tâm khổ tứ cho nền hòa bình của hai nước Áo – Hung.
Một lý do được truyền khẩu ngay từ thời đó – và tới giờ vẫn không ai chính thức bác bỏ hay ghi nhận – cho nỗ lực chính trị của Sisi, là vì bà đã thầm yêu, hoặc ít nhất cũng có thiện cảm rất đặc biệt với vị Thủ tướng Hungary, sau này là Ngoại trưởng của cả Đế chế Áo – Hung, bá tước Andrássy Gyula, người hơn bà tới 14 tuổi.
“Người bạn tốt duy nhất của tôi cho tới giờ, và mãi mãi”, đó là những lời mà Hoàng hậu Elisabeth thốt lên khi biết tin Andrássy qua đời. Ở người đàn ông văn võ song toàn, điển hình đẹp nhất của mẫu chính khách Vương quốc Hungary thời bấy giờ, Sisi đã tìm được một người hướng đạo, người bạn không bao giờ khiến bà thất vọng.
Tình cảm của họ đi đến đâu trong thực tế, hậu thế không biết, và có thể sẽ không bao giờ biết. Một điều chắc chắn: sự thể hiện trong bộ phim “Sisi” do nữ tài tử Romy Schneider thủ vai cách đây tròn 60 năm, đã khiến tên tuổi Elisabeth và tình cảm lãng mạn của bà với bá tước Andrássy đi vào tâm thức nhiều thế hệ người yêu điện ảnh.
Cuộc đời Sisi có quá nhiều bất hạnh, kể từ cái chết tức tưởi của đứa con trai duy nhất, Hoàng thái tử Rudolf, tới sự ra đi của chính bà bởi một tên khủng bố vô chính phủ vào cuối hè 1898. Nhưng Elisabeth đã trở thành một phần của Nền quân chủ Áo – Hung, và cũng như chồng bà, đã khiến lịch sử trở nên gần gũi hơn với hậu thế…
Tan rã sau Thế chiến thứ nhất, nền song quốc quân chủ Áo – Hung tới giờ vẫn còn để lại vô vàn dư âm ở hai thủ đô của nó, Vienna và Budapest, cũng như tại tất cả những mảnh đất mà nó ôm trọn trong lòng. Rất nhiều điều đã được “lãng mạn hóa” trong ký ức hậu thế, giống như vũ điệu vanxơ thành Vienna huyền thoại.
Riêng Hungary, xứ sở bị mất hai phần ba diện tích đất nước và hai phần ba dân số sau sự cáo chung của Đế chế Áo – Hung, giờ đây có thể hoài niệm về một thời cực thịnh mà thủ đô Budapest phát triển chỉ sau Berlin ở Châu Âu, nền văn hóa, giáo dục ở đỉnh cao, đặt nền móng cho 15 giải Nobel của Hungary về sau này…