Thành Cát Tư Hãn (tên thường gọi là Thiết Mộc Chân) là một Khả hãn Mông Cổ và là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc châu Á năm 1206.
Ông là một nhà quân sự lỗi lạc và quan trọng của lịch sử thế giới, ông được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất, như là một vị lãnh đạo đã chấm dứt hàng thế kỷ của các cuộc nội chiến, tranh giành đất đai và mang lại sự thống nhất cho các bộ lạc Mông Cổ. Cháu nội của ông và là người kế tục sau này, Khả hãn Hốt Tất Liệt đã thiết lập ra triều đại nhà Nguyên ở Trung Quốc.
Trong suốt cuộc đời, Thành Cát Tư Hãn không ngừng tiến hành các cuộc chinh phạt trên khắp khu vực Á-Âu để bành trướng lãnh thổ, thời đó người ta thường truyền tai câu nói rằng: “Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu thì cỏ không mọc đến đó, đi đến đâu thì nơi đó thành bình địa”. Nhưng chính những cuộc chinh phạt này đã đem lại sự thống nhất và phát triển giao lưu buôn bán, đồng thời ông cũng thi hành chính sách tự do tôn giáo, cho phép tín đồ mọi tôn giáo được tự do hành đạo. Ngoài ra, để quốc Mông Cổ của ông đánh giá cao sự lãnh đạo của phụ nữ.
Năm 16 tuổi, Thiết Mộc Chân lấy Bột Nhi Thiếp (Börte) của bộ tộc Hoằng Cát Lạt (Onggirat, Qonggirat, Chunggirat, Khunggirat), sau này là Quang Hiến hoàng hậu, nhưng sau này ông còn nhiều cuộc hôn nhân khác với rất nhiều vợ và những người con khác.
|
Người vợ đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn là Bột Nhi Thiếp. (Ảnh minh họa từ phim. Nguồn: Factnews.mn). |
Ông cùng các con trai của mình đã chinh phạt các dân tộc từ khu vực biển Adriatic, Địa Trung Hải đến Thái Bình Dương, vươn đến cả các vùng đất mà ngày nay là Áo, Phần Lan, Croatia, Hungary, Ba Lan, Việt Nam, Myanmar, Nhật Bản và Indonesia. Vào giai đoạn cường thinh nhất, người Mông Cổ kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ châu Á sang châu Âu có diện tích từ 28.5 đến 31 triệu km2, bằng diện tích châu Phi (30.4 triệu km2).
Tuy nhiên có một bí mật thú vị về vị Khả Hãn vĩ đại này mà cho đến nay rất ít người biết đến. Nhờ sự phát triển của kĩ thuật thử nghiệm ADN hiện đại, nghiên cứu đã hé lộ rằng một số lượng lớn người dân châu Á có thể có mối liên hệ huyết thống với Thành Cát Tư Hãn.
Cụ thể vào năm 2003, một nghiên cứu di truyền học lịch sử mang tính đột phá cho thấy rằng gần 8% nam giới sống ở Đế quốc Mông Cổ trước đây có nhiễm sắc thể giới tính Y giống hệt nhau. Con số 8% này tương ứng với 0,5% số nam trên toàn thế giới, được tính từ 16.000.000 con cháu của họ đang sống ngày nay. Khi các nhà khoa học truy nguyên dòng dõi này về 1.000 năm trước, họ phát hiện hoàn cảnh vô cùng đặc biệt cho sự truyền rộng loại gen này là từ Thành Cát Tư Hãn.
Một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết:
“Chúng tôi xác định được một dòng nhiễm sắc thể giới tính Y xuất hiện vài tính trạng bất thường. Nó được phát hiện trong 16 khu dân cư suốt một vùng rộng lớn của châu Á, trải từ Thái Bình Dương đến Caspi và hiện diện với tần suất cao: khoảng 8% nam giới trong khu vực này có mang nhiễm sắc ấy, ứng với 0,5% nam giới toàn thế giới.
Tính trạng bất thường này chỉ ra rằng nó bắt nguồn ở Mông Cổ từ khoảng 1.000 năm trước. Sự truyền rộng nhanh chóng như vậy không thể xảy ra một cách ngẫu nhiên mà hẳn là kết quả của sự chọn lọc từ trước đó rất lâu.”
Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Di truyền người Hoa Kỳ phát biểu: “Dòng dõi này có thể từ các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn tạo thành, vì vậy chúng tôi cho rằng nó đã lan rộng theo một hình thức lựa chọn xã hội mới xuất phát từ hành vi của họ.”
Theo một số tài liệu lịch sử ghi chép lại, Thành Cát Tư Hãn có một chính sách rất đặc biệt: thu phục và bắt giữ tất cả những cô gái xinh đẹp nhất ở mỗi vùng đất mà ông chiếm đóng. Với mỗi lần hành quân trở về, Thành Cát Tư Hãn cùng các tướng tá khác ngồi trong lều, ăn một mâm thịt ngựa và xem mặt những cô gái tù binh. Có thể vì lý do này mà dòng dõi và hậu duệ của ông trải rộng khắp nơi.
Số lượng con cháu của Thành Cát Tư Hãn thật đáng kinh ngạc. Con trai trưởng của ông có 40 con trai và nhiều con gái. Một trong số cháu trai của ông là Hốt Tất Liệt cũng có tới 22 con trai, vậy nếu chúng ta tính hết tất cả các con trai khác của Thành Cát Tư Hãn cùng con cái của họ thì chúng ta có thể thấy được hậu duệ của Khả Hãn Mông Cổ nhiều vô kể.
Mặc dù không thể xác định chắc chắn giả thuyết này vì không có mẫu ADN của vị Khả Hãn nhưng dường như các nhiễm sắc thể giống hệt nhau có liên quan mật thiết với Thành Cát Tư Hãn bằng một cách nào đó.
|
Hốt Tất Liệt, cháu của Thành Cát Tư Hãn cũng có tới 22 người con trai và khoảng 30 “rơi vãi” bên ngoài. (Ảnh minh họa. Nguồn: Pasatiempo). |
Thành Cát Tư Hãn qua đời ngày 18 tháng 4 năm 1227 trong cuộc bao vây Ninh Hạ – một khu tự trị của dân tộc Hồi nằm ở cao nguyên Hoàng Thổ Tây Bắc, sông Hoàng Hà, Trung Quốc. Nguyên nhân về cái chết của ông cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn vẫn chưa có lời giải đáp, một số giả thuyết cho rằng ông chết trong chiến trận, mắc bệnh nặng hay bị ngã ngựa trên đường hành quân.
Ngay cả phần mộ chôn cất thi hài ông cũng là một bí ẩn lớn đối với giới khoa học. Có người nghi ngờ rằng nó nằm trong dãy núi Khentii, thuộc tỉnh lị Õndõrakhaan, Mông Cổ nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa thể tìm thấy dấu tích hay manh mối về phần mộ của Thành Cát Tư Hãn vì ông biết rằng khi mình còn sống đã giết rất nhiều người nên khi chết, ông đã ra lệnh giữa kín nơi an nghỉ của mình để tránh những người có thù với mình có thể tìm thấy và đào mộ của mình lên hoặc những tránh tai mắt của những tên “mộ tặc”.
Dù kết quả nghiên cứu có là thế nào đi nữa thì một điều không thể phủ nhận là Thành Cát Tư Hãn đã tạo lên những thay đổi lớn đối với lịch sử thế giới và nó còn ảnh hưởng cho tới tận ngày nay.