Tháng 7 âm lịch mang những ý nghĩa gì?

Google News

Tháng 7 âm lịch dân gian còn gọi là Tháng Cô Hồn, Tháng Ma Quỷ với rất nhiều điều cấm kỵ. Vậy thực chất tháng 7 âm lịch mang những ý nghĩa nào?

Tháng 7 âm lịch trong quan niệm của nhiều người Việt thường là tháng xui xẻo hay gặp vận hạn đen đủi. Theo đó, cúng cô hồn trở thành một tín ngưỡng tâm linh truyền thống, được truyền từ đời này sang đời khác. Vì vậy, nhiều người quan niệm rằng trong tháng 7 âm lịch nên ăn chay niệm Phật, kiêng làm những việc lớn như dựng vợ, gả chồng, mua nhà, tậu xe, đi xa, mua sắm quần áo...
Truyền thuyết cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến Rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Vì vậy, vào tháng 7 âm lịch, người ta quan niệm trên dương thế có rất nhiều quỷ đói nên phải cúng cháo, gạo, muối hối lộ cho chúng để chúng không quấy nhiễu cuộc sống bình thường.
Có phải kiêng kỵ?
Trên các diễn đàn mạng xã hội, thông tin về 18 điều không nên làm trong tháng này được chia sẻ rất nhiều như: Không được đi ra đường khi đã khuya, không phơi quần áo vào ban đêm, không được ở một mình, không được réo tên nhau khi đi chơi ban đêm, không được thức quá khuya, không được đến gần những góc tường xó tối, đi ra đường không được ngoái lại phía sau, không chụp ảnh vào ban đêm…
Thang 7 am lich mang nhung y nghia gi?
Ảnh minh họa. I.T
Tuy nhiên, trái ngược với những quan niệm trên, nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa dân gian cho rằng tháng nào trong năm cũng như nhau và người dân không nên quá kỹ tính trong việc kiêng kỵ để sinh ra mê tín dị đoạn vì khoa học cũng chưa thể chứng minh.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) từng khẳng định rằng, kiêng kị như vậy là không đúng. Trong Phật giáo không có ngày lành tháng tốt. Việc cúng bái, đốt vàng mã cũng là một biểu hiện của việc mê tín, dị đoan và Phật giáo không dạy những điều đó.
Tháng 7 - tháng xá tội vong nhân
Theo tích của kinh Phật, một đệ tử Phật khi đang thiền thì gặp vong hồn quỷ đói. Con quỷ này bảo rằng nếu không cứu đói nó thì nó sẽ không luân hồi được và hại chết người để được đầu thai. Chính vì thế, Phật liền soạn ra một bài kinh để mở đường, dẫn lối siêu thoát cho quỷ dữ, để chúng không gây hại cho bá tánh trên thế gian.
Từ đó, mở rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung, dần dần thành xá tội vong nhân. Lễ cúng này thể hiện lòng kính trọng, vị tha của người còn sống đối với những người đã khuất, dẫu cho những hành động quá khứ lỗi lầm xưa kia…
Nguồn gốc Lễ Vu Lan báo hiếu
Cũng trong tháng cô hồn, vào ngày Rằm trong Phật giáo là có lễ lớn là Lễ Vu Lan hay còn gọi là Lễ Báo Hiếu. Lễ Vu Lan với nghi thức bông hồng cài áo là nét văn hóa đẹp có ý nghĩa giáo dục lòng hiếu thảo và tình người cho đại chúng.
Ngày lễ này được bắt nguồn từ truyền thuyết. Thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, trong số 10 đại đệ tử của ngài có một vị tôn giả tên Mục Kiền Liên. Trước khi Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, cha mẹ của ngài đều đã mất sớm và trở thành quỷ đói bị đoạ vào địa ngục.
Sau khi đắc đạo, Mục Kiền Liên muốn báo ân phụ mẫu bèn dùng thiên nhãn quan sát khắp nơi, thấy song thân ngài đang bị giam hãm dưới âm ty với hình dạng quỷ đói hết sức đáng sợ: bụng to như núi, mà cổ họng chỉ nhỏ như cây kim, không thể ăn uống gì được, thân thể hai người chỉ còn da bọc xương mà thôi.
Đau xót, Mục Kiền Liên dùng thần lực mang một bát thức ăn xuống âm phủ cho mẹ, nhưng thức ăn vừa đưa sát miệng liền hoá thành tro bụi. Mục Kiền Liên đành chịu bất lực, vội đi bái kiến và thuật chuyện của mình cho Phật Thích Ca nghe. Sau khi nghe Đức Phật giảng giải vì cha mẹ Mục Kiền Liên còn sống đã tạo ra rất nhiều tội lỗi và nếu muốn cứu song thân khỏi khổ thì cần phải cúng dường cơm chay cho tăng chúng. Thời gian cúng dường là ngày rằm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm đến ngày rằm tháng 7 thì kết thúc, vì lúc này tất cả tăng chúng đều cùng tụ họp tinh tiến tu hành.
Còn về tục cài áo bông hồng, nhiều người cho rằng, được xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong những năm 1960.
Chuyện là, trong một chuyến công tác tại Nhật Bản vào đúng Ngày của mẹ (Mother's day), Thiền sư được người Nhật thành kính cài tặng bông hoa hồng trắng lên ngực áo. Thấy lạ, Thiền sư tìm hiểu về nghĩa nghĩa của việc làm này và thấy rằng đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa để bày tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành. Và ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vũ Lan báo hiếu của nhà Phật. Theo đó, những bông hoa hồng đỏ được cài lên áo cho những người đang còn mẹ cha, còn bông hoa hồng trắng sẽ dành cho những người có thân sinh đã mất.
Mời quý độc giả xem video 9 đồ vật không nên để trong nhà (nguồn Youtube):
Theo Dân Việt

Bình luận(0)