Tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn nên nhiều người kiêng kỵ làm các việc lớn như động thổ làm nhà, cưới hỏi... đến các việc cá nhân, nhỏ nhặt như không đi chơi đêm, phơi quần áo qua đêm, gọi tên to ngoài đường, thức khuya vì sợ ma bắt... Các chuyên gia khẳng định, việc kiêng kỵ này là không có cơ sở, chỉ mang tính vùng miền, không ảnh hưởng đến cuộc sống.
Kiệng kỵ quá thể hiện đời sống bị u muội
Chỉ cần gõ các kiêng kỵ tháng 7, bạn đọc có thể thấy hàng loạt các kiêng kỵ được nêu ra gồm: Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá. Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm vào tháng này, nếu không sẽ dễ gặp điều không may. Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng "một sợi lông chân quản ba con quỷ", người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến. Không ăn vụng đồ cúng, vì đó là đồ dành cho ma quỷ, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai họa vào mình. Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ "mượn" và để lại "quỷ khí" trong các quần áo ấy. Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu...
Ngoài ra, trên thực tế, ngay cả ở thành phố lẫn nông thôn đều có các kiệng kỵ khác như kiêng làm nhà, đám cưới, nhập trạch, đi xa... vào các ngày trong tháng 7. Bởi tất cả đều quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn, nhiều điềm xấu, nếu thực hiện các việc trên sẽ không tốt cho công việc, thậm chí mang thêm "ách" vào người.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Quốc Huy cho rằng, các điều kiêng kỵ liên quan nhỏ lẻ như trên chỉ là không đáng có, chưa được phân tích khoa học dù ở góc độ nào và thuộc về văn hóa tín ngưỡng cá nhân. Vì thế, người dân không nên lo lắng và áp dụng theo. Thậm chí, các quan niệm này thể hiện sự mê tín dị đoan, mị dân, đời sống tâm linh bị u muội.
|
Dù là tháng 7 nhưng cứ thuận theo công việc, cuộc sống mà làm. |
Cưới hỏi và nhập trạch
Về việc kiêng kỵ cưới hỏi hay nhập trạch vào tháng 7, chuyên gia phong thủy Phạm Cương, Công ty Cổ phần Nhà Xuân cho rằng, các quan niệm trên chủ yếu chỉ là niềm tin tôn giáo và tin ngưỡng, không có cơ sở khoa học.
Hiện nay, theo tín ngưỡng thì người miền Nam trọng Phật giáo nguyên thủy, theo đó thì tháng 7 là tháng mà Mục Kiều Liên tôn giả phá ngục cứu mẹ nên cũng còn là tháng của Lễ Vu Lan báo hiếu. Họ ăn chay niệm Phật, cúng giàng, bố thí để mong người thân siêu thoát. Ngoài Bắc ảnh hưởng của Đạo giáo hòa lẫn vào trong Phật giáo về ngày xá tội vong nhân, họ tin rằng từ mùng 2 trở đi Diêm vương sẽ mở quỷ môn quan, thả cho các tù nhân được về dương gian. Chính vì vậy, họ sợ ma quỷ quấy rầy nên kiêng hết việc lớn.
Tuy nhiên, ở quốc gia phương Bắc như Trung Quốc với truyền thống theo đạo Phật và cũng có vô vàn điều kiêng kỵ, ta lại thấy người Vân Nam tổ chức những lễ cưới tập thể để tưởng nhớ về ông Ngâu bà Ngâu vào dịp mùng 7 tháng 7.
"Như thế để thấy rằng, niềm tin và tôn giáo cũng mang tính chất vùng miền, nơi thì kiêng kỵ nơi thì khuyến khích. Do vậy, tin cũng được và không tin cũng không hại gì. Quan điểm của tôi là không nên kiêng kỵ khi chưa biết nguồn cơn và cơ sở khoa học của mọi vấn đề", ông Phạm Cương cho biết.
"Dù là tháng 7 nhưng cứ thuận theo công việc, cuộc sống mà làm. Nếu kiêng kỵ quá mức, bạn có thể làm lỡ mất cơ hội cũng như cuộc sống tâm linh quay về xã hội cũ với các mê tín dị đoan lạc hậu... Bạn tôi tháng 7 vẫn mua bán nhà cửa bình thường, lộc vẫn có chứ không hao tài tốn của như nhiều người nghĩ".
Ông Nguyễn Quốc Huy