GS. Đàm Thanh Sơn
GS. Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong 1 gia đình tri thức có bố là Đàm Trung Bảo (giáo sư ngành hóa), mẹ là Nguyễn Thị Hảo (phó GS.TS ngành sinh – hóa). Từ nhỏ, GS.Đàm Thanh Sơn đã bộc lộ tài năng toán học thiên bẩm, ông được mệnh danh là “thần đồng” khi mới học lớp 2 (tương đương lớp 3 hiện nay), cậu bé 7 tuổi đã giải được toán lớp 10 (lớp 12 hiện nay). Sau đó, ông theo học lớp chuyên Toán – Tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 15 tuổi, ông Đàm Thanh Sơn đã xuất sắc đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Praha (Tiệp Khắc) với số điểm tuyệt đối 42/42, lặp lại thành tích của hai đàn anh Lê Bá Khánh Trình và Lê Tự Quốc Thắng.
Sau khi giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, Đàm Thanh Sơn được cử sang Liên Xô để học đại học. Dù học giỏi toán nhưng ông lại quyết định chuyển hướng học ngành Vật lý lý thuyết tại Đại học Tổng hợp Lomonosov.
Tốt nghiệp đại học năm 1991, 4 năm sau anh nhận bằng tiến sĩ Vật lý tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moskva. Các năm 1995-1999, anh là học giả hậu tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Washington, Seattle và Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.
Từ năm 1999 – 2002, Đàm Thanh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Columbia, đồng thời là học giả ở Trung tâm Nghiên cứu RIKEN-BNL, Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven (Mỹ). Từ năm 2002, anh quay lại Seattle, được bổ nhiệm giáo sư tại khoa Vật lý Đại học Washington, là học giả cao cấp tại Viện Vật lý Hạt nhân trực thuộc đại học này.
Tháng 9/2012, được bổ nhiệm là giáo sư tại Đại học Chicago (Mỹ), Đàm Thanh Sơn được ngồi vào những chiếc ghế mà nhà vật lý nổi tiếng Fermi và Chandrasekhar từng ngồi. Đây là vinh dự nhà khoa học nào cũng thấy tự hào.
Năm 2014, GS.Đàm Thanh Sơn trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, được bầu là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, giáo sư Sơn đã có trên 120 công trình khoa học được công bố, trong đó có những công trình được đánh giá “tạo ra những bước đột phá trong các lĩnh vực nghiên cứu”. Một trong số đó là công trình về mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều do anh nghiên cứu với hai nhà khoa học P. K. Kovtun và A. O. Starinets. Khám phá này gây tiếng vang trong giới bác học.
Dù rất thành đạt ở nước ngoài, nhưng GS. Đàm Thanh Sơn luôn gắn bó với quê hương. Ông nhiều lần về nước tham dự hội nghị "Gặp gỡ Việt Nam" cùng với nhiều nhà vật lý nổi tiếng thế giới; tham gia ban giám khảo, ban tổ chức các cuộc thi Toán, vật lý quốc tế tại Việt Nam. Dù ở bất cứ đâu, ông cũng đều cố gắng dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ cho ngành vật lý Việt Nam, tạo điều kiện đưa nhiều sinh viên Việt Nam đến học tập ở Mỹ cũng như các nước có nền khoa học tiên tiến khác.