Mai Anh Tuấn tên thật là Mai Thế Tuấn, nguyên quán làng Thạch Giản, xã Nga Thạch (Nga Sơn - Thanh Hóa). Ông sinh năm 1815 tại thôn Lang Miến, phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long (nay thuộc khu vực Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội).
Ba lần đỗ đầu
Theo các nguồn sử liệu và thông tin từ dòng họ Mai, cụ thân sinh của Mai Anh Tuấn tên là Mai Thế Trinh - Tri huyện Thanh Trì và bà Dương Thị Lan, người làng Thịnh Hào.
Cụ tổ bốn đời của Mai Anh Tuấn là tiến sĩ Mai Thế Chuẩn, cũng là một văn thần xuất thân khoa bảng mà trở thành võ tướng. Trước đó, tại làng Hậu Trạch, xã Nga Thạch, quê hương Thám hoa Mai Anh Tuấn, chỉ tính riêng thời Lê Trung hưng (1533 - 1789), dòng họ Mai ở đây có tới 31 người đỗ đạt cao và làm quan trong triều, có nhiều công trạng được ghi vào sử sách.
Thuở nhỏ, Mai Thế Tuấn đã tỏ ra thông minh, láu lỉnh hơn người. Ông rất ham học, miệt mài kinh sử, nhiều hôm vì mải đọc sách mà quên cả bữa ăn. Năm 16 tuổi, ông đi thi Hương. Vì bài làm xuất sắc, khiến quan trường phê là “vượt ngoài sông núi”, nên bị loại. Ông liền làm đơn khiếu nại, nhà vua cho chấm lại, bài thi đạt cao nhất khóa thi.
Ông tiếp tục “dùi mài kinh sử”, quyết chí đỗ đầu trong các kỳ thi tới. Khóa sau, ông không thi ở trường Nam Định mà vào thi ở Nghệ An. Lần này, bài làm xuất sắc, nên ông đỗ thủ khoa tú tài. Đến kỳ thi Hội, ông lại đỗ đầu.
Năm Quý Mão (1843), trong kỳ Đình ông lại đỗ thủ khoa. Bia Tiến sĩ ghi kết quả kỳ thi năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu trị thứ 3 (1843) tại Văn Miếu Huế cho thấy, tên của Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh Mai Anh Tuấn xếp đầu danh sách. Như vậy, nhà Nguyễn không lấy được Trạng nguyên, Bảng nhãn nên Mai Anh Tuấn trở thành vị Thám hoa đầu tiên của triều Nguyễn.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Mai Thế Tuấn là người đỗ đệ nhất giáp đầu tiên của bản triều”. Xếp sau ông có Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Nguyễn Bá Nha, sau làm Tri phủ và Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân gồm 5 người, trong đó có danh nhân Phạm Phú Thứ (1820 - 1880), quê Điện Bàn (Quảng Nam).
Bài thi của Mai Anh Tuấn khoa thi này được vua Thiệu Trị khen ngợi: “Trẫm biết bài văn của Mai Thế Tuấn hơn hẳn các bài của tiến sĩ khoa này và nhiều khoa trước”. Nhà vua đã đổi tên Thế Tuấn thành Anh Tuấn để ghi nhận tài năng, đức độ của ông.
Sau đó, Mai Anh Tuấn được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, sung Nội các bí thư sở hành tẩu, chuyển làm Thị độc, rồi đổi Thị độc học sĩ sung biện công việc nội các…
Thẳng thắn can vua
Dưới thời trị vì của vua Tự Đức, Mai Anh Tuấn từng dâng sớ với lời can gián nhà vua. Lời ấy đã được sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” ghi lại: Mai Anh Tuấn đã can vua Tự Đức ngay khi nhà vua mới lên ngôi. Đó là năm đầu tiên của đời vua Tự Đức, tức năm Mậu Thân 1848 khi có viên quan ở Việt Đông (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) là Ngô Hội Lân, vì gặp bão mà phiêu bạt đến nước ta.
Nhà vua đã sai quan quân lấy thuyền đưa về. Bộ Lễ và bộ Hộ nhân đó xin theo lệ cũ, tức là đưa theo thuyền đi hộ tống viên quan này, đồng thời chở theo thóc gạo và gỗ quý, lại còn đem theo hai chục ngàn lạng bạc để sang mua hàng hóa chở về.
Mai Anh Tuấn muốn ngăn mầm xa xỉ, bèn dâng sớ nói lời rất thống thiết với nội dung đại để như sau: Việc sang mua bán ở Việt Đông đã từng có lệnh đình chỉ, trong ngoài đều rõ cả. Nay, nếu cứ thương kẻ mắc nạn, mượn tiếng hòa hiếu với lân bang để doanh thương đổi chác, thế là giả danh đưa rằng người bị nạn để chở hàng hóa về, người nước láng giềng tất sẽ tự hỏi: Thuyền ấy là thuyền gì?
Vả chăng, nay ở Lạng Sơn, bọn thổ phỉ (người nhà Thanh từ Trung Quốc) tràn sang dễ đã đến mấy tuần, công văn giấy tờ hai nước qua lại bất nhất, thế thì tai họa của viên quan ở Việt Đông kia chỉ là vớ vẩn, không đáng gì với tai nạn của dân ta ở Lạng Sơn.
Thiết tưởng, việc làm của bộ Hộ và bộ Lễ không phải là việc nghĩa. Xin nhà vua hãy đem những thứ hàng hóa định chở sang Việt Đông mà thưởng cho binh lính, khiến họ quét nhanh đám giặc ngoài biên cõi thì tốt hơn.
Tờ sớ ấy dâng vào, vua Tự Đức không hài lòng vì cho rằng ông phạm tội “khi quân bất kính”. Sau đó, vua Tự Đức sai bộ Lại bàn để trị tội, nhưng các vị đại thần đều liên tiếp dâng sớ xin tha. Nhà vua đã ra lệnh hạ chức, phái đi làm án sát tỉnh Lạng Sơn.
Hội đủ “hiếu, trung, nghĩa, dũng”
Năm 1851, loạn giặc đang bành trướng khắp vùng Lạng Sơn, ai cũng lấy làm nguy, nhưng ông hăng hái nhận mệnh vua lên vùng biên ải nhậm chức. Mới hơn một tháng, ông đã dẫn quân đánh thắng được giặc ở Hữu Khánh, được vua xuống chỉ khen ngợi. Nhân đó ông lại dâng sớ xin “Thư sức dân, rèn tập thổ dõng, ngầm bài xích thế giặc”.
Có lần 3.000 tên giặc Tam Đường bên Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta cướp phá vùng Tiên Yên rồi tiến sâu vào Lạng Sơn. Ông cùng với Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đuổi đánh, bước đầu thắng lớn. Tuy nhiên sau đó, Nguyễn Đạc bị trọng thương, tiền quân ở thế bất lợi. Mai Anh Tuấn đem quân tiếp cứu nhưng gặp địa hình hiểm trở, cả ông và Nguyễn Đạc tử trận.
Vua Tự Đức nghe tin rất cảm động thương xót truy tặng Mai Anh Tuấn làm Hàn lâm viện trực học sĩ. Vua lệnh đem thi hài ông về an táng tại Hoàng Cầu. Theo lệnh của vua, tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hóa lập đền thờ ông. Linh vị và bát hương thờ được đặt ở đền Trung Nghĩa tại Hoàng thành Huế, bên cạnh các danh thần nhà Nguyễn. Phần mộ của ông và miếu thờ tọa lạc tại thôn Hoàng Cầu (Hà Nội), được dân làng và con cháu thờ cúng.
Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” cho biết, Mai Anh Tuấn là một sĩ phu có khí phách, đối với kẻ dưới hòa nhã, thờ vua lấy điều trung can ngăn, khi lâm sự giữ được điều nghĩa. Sau khi hy sinh được các sĩ phu trong nước tưởng nhớ, thương xót dựng đền thờ.
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có một bài văn tế do Tổng đốc Kinh lược Bắc kỳ Nguyễn Văn Giai viết ca ngợi tinh thần vì nghĩa mà hy sinh thân mình, dẹp giặc lập công của Thám hoa Mai Anh Tuấn. Bài văn tế được chép trong cuốn “Lạng trình kỷ thực”, hiện lưu giữ trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Nội dung dịch nghĩa như sau: “Than ôi! Anh hùng không thể lấy sự thành bại mà bàn; cũng không thể việc sống chết mà kể. Duy có hiếu, trung, nghĩa, dũng đủ để đảm đương đấy.
Đau đớn thay! Ông họ Mai là quan Án sát tỉnh Lạng Sơn. Là người khí tiết khiêm nhường, phong thái cẩn trọng. Khôi giáp đỗ đầu khoa, nổi danh, rạng rỡ người thân, đó là hiếu vậy; ở Nội các làm sớ kháng, xúc phạm kỵ huý, đó là trung vậy. Đi làm chánh tướng là khó, vào đất chết mà chẳng trách, đó là nghĩa vậy. Đi trước quân sĩ trong hoạn nạn đánh nát kẻ địch mạnh mà không sợ, đó là dũng vậy. Có bốn điều ấy mà chết, đâu có gì phải hận cảm vậy.
Điều đáng tiếc, là cái chí khí kích liệt; tâm khái thắng địch của ông. Sống, không làm Cấp Trường Nhụ ở Hoài Dương, không làm Đổng Đại Nho ở Giang Đô, không làm Hàn Xương Lê ở Triều Châu, không làm Khấu Lai Công ở Nhai Châu. Sao lại cam làm Giả Phó chết tại một chức vậy! Đó là kẻ bày tôi nặng lòng vì triều đình mà tiếc đấy; vì sĩ phu trong thiên hạ mà tiếc đấy; chẳng riêng vì ông mà tiếc vậy.
Ôi! Gió tây ù ù, ải Bắc u u. Dân vùng biên có biến động; giặc cuồng dông kiêu căng. Quân đơn đánh thẳng, để đến với đồng liêu. Đem cái chết để báo đền Tổ quốc, chẳng kịp tâu với triều đình. Hiếu, trung, nghĩa, dũng; muôn thuở nêu cao. Biết cùng không biết; hận tiếc khôn nguôi. Riêng lòng tôi biết; sao mà chằn chọc. Bèn bằng một lời để khóc viếng nhau. Mong ông như bậc khí tiết lớn, nơi đây soi xét cho tôi. Than ôi! đau đớn lắm thay!”.
Phần mộ của Thám hoa Mai Anh Tuấn và miếu thờ tọa lạc tại Hoàng Cầu (Hà Nội), được dân làng và hậu duệ hương khói suốt 170 năm nay. Đền thờ ông ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991.