Tuy chỉ làm quan có 8 năm, nhưng sự nghiệp của Thám hoa
Mai Anh Tuấn rất vẻ vang. Suốt một đời ông sống thẳng thắn, trung thực, đến chết vẫn thể hiện rõ khí phách và tấm lòng trung trinh của một trung thần. Công đức của ông đã được vua
Tự Đức ghi nhận và đến nay nhân dân ở nhiều nơi vẫn thờ phụng.
Hy sinh dũng cảm khi mới 36 tuổi
Thất sủng vì một lời can gián vua mà bị hạ chức điều đi làm án sát Lạng Sơn, Mai Anh Tuấn chấp hành lệnh chỉ đến Lạng Sơn ngay. Tại đây ông bắt tay vào chấn chỉnh pháp luật, nghiêm trị tội phạm, điều quân dẹp bọn giặc. Cuộc sống của nhân dân vùng biên cương dần dần ổn định.
Năm 1851, hơn ba ngàn quân Tam Đường kéo quân sang cướp phá vùng Lộc Bình, An Bắc (tỉnh Lạng Sơn). Quan chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đánh giặc, gặp địa hình bất lợi, ông bị bọn giặc phục kích bắn chết. Mai Anh Tuấn biết tin, đã đem quân tiếp cứu, mặc dầu biết tình hình hết sức khó khăn và nguy hiểm, Mai Anh Tuấn và quân lính chiến đấu rất dũng cảm, trong quá trình giao tranh với giặc, ông đã dũng cảm hy sinh lúc mới tròn 36 tuổi.
|
Gia phả tại nhà thờ họ Mai ở Thanh Hóa. |
Vua Tự Đức hối hận
Tin buồn này đã gây chấn động triều đình, vua Tự Đức đã rất hối hận, xót thương con người trung nghĩa. Nhà vua đã lệnh chỉ cho quần thần đưa thi hài Mai Anh Tuấn về Hà Nội, tổ chức an táng trọng thể tại Hoàng Cầu, cấp ruộng giao cho dân địa phương cày cấy, lấy hoa lợi hương khói hàng năm và chăm sóc phần mộ Mai Anh Tuấn.
Bài văn tế ông có đoạn viết: "Khôi giáp đỗ đầu khoa, nổi danh rạng rỡ người thân, đó là Hiếu. Ở Nội các, làm kháng sớ, xúc phạm kỵ huý, đó là Trung. Làm chánh tướng là khó, vào đất chết mà chẳng tránh, đó là Nghĩa. Đi trước quân sĩ trong hoạn nạn, đánh kẻ địch mạch mà không sợ, đó là Dũng... Thật là Hiếu, Trung, Nghĩa, Dũng muôn thuở nêu cao".
Vua Tự Đức còn truy tặng ông chức bố chánh, Hàn lâm viện trực học sĩ, ghi nhận là người có công với nước và được thờ tại đền Trung nghĩa ở kinh đô Huế, nơi thờ các danh thần nhà Nguyễn. Ngoài ra, nhà vua còn chỉ thị cấp tiền gạo, thuốc men, vải vóc, chăm sóc mẹ già của Mai Anh Tuấn đến trọn đời và ghi tên con trai nhỏ của ông để sau này nhà nước bổ dụng.
Ở Lạng Sơn, Hoàng Cầu và Thanh Hoá đều dựng đền thờ ông. Những di tích về ông hiện còn tấm bia số 9 trong khu Văn Thanh, Huế ghi tên tuổi, quê quán, năm ông thi đỗ Thám hoa "Khoa Quý Mão năm Thiệu Trị thứ 3"; tấm biển "Ân Tứ Vinh quy" và đòn cáng võng đưa ông từ Kinh đô về quê quán trong chuyến vinh quy bái tổ theo quy định của triều đình để tôn vinh vị Tân khoa... hiện còn được lưu giữ tại nhà thờ ông và ngôi mộ của ông bên cây bồ đề xum xuê ở khu vực làng Hoàng Cầu xưa (nay là khu tập thể của Công ty Tàu biển Hà Nội) vẫn được nhân dân quanh năm hương khói để tưởng nhớ con người trung nghĩa đã hy sinh vì nước vì dân. Tên ông được đặt cho một con phố thuộc khu vực Hoàng Cầu, nơi ông sinh ra.
Cuộc đời của Mai Anh Tuấn chỉ làm quan có 8 năm, nhưng sự nghiệp của ông rất vẻ vang. Ông là vị Thám hoa đầu tiên của triều Nguyễn, ông đã sống một cuộc đời thanh bạch, liêm khiết, dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải, quên mình vì nước vì dân, thể hiện đức tính cao quý của người trí thức.