Trần Thủ Độ (1194-1264), quê làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tổ tiên của ông vốn làm nghề đánh cá, từ Yên Sinh (Quảng Ninh) sau chuyển về Nam Định, rồi tới Thái Bình. Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ và Trần Lý (ông Trần Thái Tông), họ Trần trở nên giàu có, thu nạp được rất nhiều người trong vùng.
Sau khi một tay lập nên cơ nghiệp nhà Trần, trong giai đoạn đầu, khi chính quyền còn non trẻ, Trần Thủ Độ góp công quyết định trong việc củng cố vương triều. Ông đã làm mọi thứ, thậm chí hy sinh lợi ích của gia đình, dòng họ.
|
Tranh vẽ thái sư Trần Thủ Độ. Ảnh: Edu.Ban thưởng cho người tố cáo mình. |
Là người cứng rắn, nhưng Trần Thủ Độ cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến, kể cả khi đó là những lời tố cáo mình. Ông xem xét kỹ lưỡng để đưa ra quyết định chính xác nhất.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, bấy giờ có kẻ căm tức ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Trần Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng: “Quả có đúng như những lời hắn nói thật. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho”.
Theo sách Việt sử giai thoại, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (vợ Trần Thủ Độ) có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại. Bà về dinh khóc bảo với chồng: "Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế".
Trần Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người này cứ theo sự thực trả lời. Trần Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa". Ông bảo lấy vàng lụa thưởng rồi cho về.
Có lần, Trần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người được làm chức Câu đương (chức quan nhỏ ở xã), Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến.
Đối diện với người xin xỏ, Trần Thủ Độ bảo: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!”. Người đó van xin mãi mới được tha. Từ đó, không ai dám đến xin ông vì việc riêng nữa.
Lợi ích quốc gia đặt trên tất cả
Có lần, vua Trần Thái Tông muốn cho người anh của ông là An Quốc làm Tể tướng, Trần Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?”. Vua bèn thôi.
Tháng 12/1257, tướng Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân xâm phạm nước ta ở Bình Lệ Nguyên. Trần Thái Tông đích thân đốc chiến, thế giặc mạnh, nhà vua lui quân về sông Lô, rồi lui về sông Thiên Mạc.
Nhà vua ngự thuyền đến hỏi Thái úy Trần Nhật Hiệu kế sách chống quân Mông Cổ, Nhật Hiệu chấm nước viết lên hai chữ Nhập Tống. Thái Tông lại hỏi quân Tinh Cương, quân do Nhật Hiệu chỉ huy, Nhật Hiệu nói rằng: "Không gọi được chúng đến".
Sau đó, Thái Tông lại dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, ông liền tâu: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo". Câu nói đã củng cố lòng tin cho vua tôi nhà Trần, cứu vận nước trong tình thế nguy nan.
Sau câu nói đó của Trần Thủ Độ, vua tôi nhà Trần đã chiến đấu dũng cảm. Ngày 24/12/1258, vua Trần Thái Tông tiến quân tới Đông Bộ Đầu, đánh bại quân Mông Cổ, khiến họ phải triệt thoái về Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ nhất của nước ta giành thắng lợi hoàn toàn.
Những câu chuyện trên cho thấy Trần Thủ Độ là người thẳng thắn, minh bạch, nhìn thẳng vào sự thật, đã làm gì thì chịu trách nhiệm, không chối, dù có làm chuyện tày đình như “lấn át quyền vua”. Tinh thần tôn trọng pháp luật, “pháp bất vi thân” của ông cũng khiến nhiều người khâm phục.
Chuyện đòi chặt tay người xin quan tước cho thấy những biện pháp trị “con ông cháu cha”, chỉ biết bám vào người nhà để tiến thân, Trần Thủ Độ chỉ dọa thôi đã có hiệu quả. Chuyện không đồng ý thăng chức cho anh trai thể hiện sự tự tin thẳng thắn về sử dụng người tài, không “gia đình trị”. Còn câu nói chống giặc Mông Cổ của ông là lòng tự tôn dân tộc, chứng minh được ý chí của một dân tộc anh hùng. Quyền lợi dân tộc là cao hơn hết thảy.