Ngày 14/9 tới đây, Ban chấp hành họ Trần Việt Nam tổ chức đại lễ giỗ Đức Hoằng Nghị Đại Vương, phụ thân Trần Thủ Độ, đón nhận Bằng của Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới tôn vinh các giá trị di sản lịch sử văn hóa thời Trần thế kỷ thứ 13.
Tại làng Phương La, họ Trần đã xây dựng một ngôi đền cực lớn, uy nghi, thờ phụng thân phụ Trần Thủ Độ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu sử Đặng Hùng (Hội viên hội Khoa học lịch sử Việt Nam) lại phản đối quyết liệt chuyện này. Theo ông, Hoằng Nghị Đại Vương là một nhân vật không có thật, không phải bố của vị tướng kiệt xuất Trần Thủ Độ, nên việc tôn vinh của Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới là thiếu cẩn trọng.
Ông Hùng đã gửi đến Báo điện tử VTC News rất nhiều tài liệu khẳng định Hoằng Nghị Đại Vương là nhân vật không có thật. Báo đăng tải bài viết của ông Hùng để rộng đường dư luận.
Các bộ quốc sử thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều không cho biết rõ thân sinh của Trần Thủ Độ là ai. Riêng về Trần Thủ Độ, thì phần lớn các nhà sử học xưa và nay đều thống nhất ở một điểm: Trần Thủ Độ là chú họ của Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), quê hương ông ở làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng...
Từ xưa đến nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nhà Trần và cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ vẫn chưa tìm được câu trả lời rõ ràng về thân phụ, thân mẫu cùng các thế hệ con, cháu, chút... của ông.
Năm 1995, Viện Sử học Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình phối hợp tổ chức hội thảo: "Trần Thủ Độ - con người thời Trần" tại Thái Bình, lần đầu tiên công bố thân sinh của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị Đại vương. Tư liệu của tác giả Dương Quảng Châu đưa ra không dựa vào các cơ sở khoa học chính sử mà cơ bản là căn cứ vào các tài liệu điền dã khảo sát ở các địa phương trong tỉnh Thái Bình và tỉnh bạn.
|
Ngôi đền khổng lồ thờ Hoằng Nghị Đại Vương. |
Thông tin của tác giả Dương Quảng Châu đã ít nhiều gây được sự chú ý của dư luận xã hội, đồng thời cũng tạo ra sự tranh luận trong các nhà nghiên cứu sử học Trung ương và địa phương. Trong tập sách nói trên, đồng tác giả Dương Quảng Châu - Phạm Hóa với bài "Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần", thông qua các tư liệu điền dã, hai ông đã tái khẳng định một lần nữa về thân sinh của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị.
Trong vài năm gần đây, một số tác giả khi viết về Trần Thủ Độ đã dựa vào tư liệu điền dã được công bố của cụ Dương Quảng Châu và cho rằng cha đẻ của ông là Trần Hoằng Nghị.
Nhưng có đúng "Trần triều Hoằng Nghị Đại Vương" là Trần Hoằng Nghị không? Ông có đúng là thân sinh của Trần Thủ Độ không? Đây có phải tên khai sinh do bố mẹ đặt cho Trần Hoằng Nghị hay chỉ là mỹ tự triều đình ban phong cho một người nào đó được thờ tự ở đền Bách Linh (Hạ Liệt, Thái Hà, Thái Thụy)?
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần tìm hiểu các thông tin tư liệu điền dã mà tác giả Dương Quảng Châu đã nêu ra trong hai bài viết của mình.
Trong bài "Trần Thủ Độ với Thái Bình", tác giả Dương Quảng Châu viết: "...Các bô lão ở Trực Nội (tổng Trực Nội nay thuộc hai xã Đông Quang, Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình) vào vùng Động Núi, được các bô lão ở địa phương cho biết: ở vùng này có nhiều nơi thờ An Hạ Vương. Theo thần phả ghi An Hạ Vương là con thứ hai của Trần Hoằng Nghị Đại Vương, em An Quốc Đại Vương, là anh Trần Thủ Độ"...
"Trong một trận chiến đấu, Trần Hoằng Nghị và một số chỉ huy đã chết trận cùng với một số chiến sĩ, được nhân dân Hạ Liệt (nay là xã Thái Hà, Thái Thụy) lập đền thờ ở cánh đồng Hạ Liệt, coi như thờ bách linh trận vong chiến sĩ, ngôi duệ hiệu cao nhất là "Trần triều Hoằng Nghị Đại Vương, Thượng đẳng Phúc thần". Các cố lão ở Hạ Liệt cũng cho biết về văn tế đọc đầu tiên là Nguyên tổ Hoằng Nghị Đại Vương trước rồi mới đến bách linh chư vị, thần quan, thần tướng, trận vong chiến sĩ vong linh.
|
Quảng trường rộng mênh mông trước ngôi đền. |
Ai sinh ra Hoằng Nghị Đại Vương? Theo các nguồn tư liệu điền dã và thành văn đã sưu tầm được thì cụ Trần Hấp, con trai cụ Trần Kinh đã sinh ra hai người con trai là Trần Lý và Trần Hoằng Nghị...". Nhưng lạ thay, trong bài "Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần" (đồng tác giả Dương Quảng Châu - Phạm Hóa) in ở sách "Nhà Trần và con người thời Trần", lại viết nhiều chi tiết rất khác về bố, mẹ, anh em của Trần Hoằng Nghị và anh em của Trần Thủ Độ cũng có sự "thay đổi số lượng" so với bài "Trần Thủ Độ với Thái Bình" của cùng tác giả.
Cụ thể là: "...Đến thời Trần Kình (chữ Hán là Trần Kinh), đánh cá ở vùng sông nước Tức Mặc (Nam Định) thành thân với người con gái ở đấy, sinh ra Trần Hấp, Trần Mẽ, Trần Quả (tức Trần Hoằng Nghị)... "Hai người con trai của cụ Trần Hoằng Nghị là Trần An Quốc, Trần An Bang (Trần Thủ Độ), đời sau đều là danh tướng nhà Trần".
..."Trần An Quốc lấy em gái của Đàm Thị (Đàm Thái Hậu, bà là hoàng hậu của vua Lý Cao Tông) là Đàm Chiêu Trinh. Bà Đàm Chiêu Trinh gắn bó với tướng quân An Hạ và ấp Hà Nội từ đấy. Trần An Quốc từng làm trấn thủ Diễn Châu, được phong làm An Hạ Vương đời vua Trần Thái Tông".
Chỉ cần đọc kỹ hai bài viết của cùng tác giả Dương Quảng Châu ở hai sách (in cách nhau 9 năm) chúng ta đã thấy nảy sinh nhiều mâu thuẫn và sự khác biệt rất rõ ràng về bố, mẹ, anh, em của Trần Hoằng Nghị và Trần Thủ Độ:
Ở bài "Trần Thủ Độ với Thái Bình" (tạm gọi là bài 1), tác giả dựa vào tư liệu điền dã và cho rằng Trần Hấp là bố của Trần Hoằng Nghị: "Trần Hấp sinh ra hai người con trai là Trần Lý và Trần Hoằng Nghị" và Trần Hoằng Nghị lại sinh ra ba người con trai là Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần Thủ Độ. Nhưng trong bài "Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần" (tạm gọi là bài 2), thì các tác giả Dương Quảng Châu - Phạm Hóa lại đưa ra một thông tin khác hẳn: "Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Mẽ, Trần Quả (tức Trần Hoằng Nghị)".
Rõ ràng ở đây có sự mâu thuẫn về tư liệu điền dã mà tác giả đã đưa ra. Ta thấy thật vô lý khi thì cho rằng Trần Hấp là bố của Trần Hoằng Nghị, lúc thì lại nói Trần Hấp là anh của Trần Hoằng Nghị. Lúc thì tác giả viết Trần Hoằng Nghị có ba người con (bài 1). Nhưng ở bài (bài 2) thì tác giả lại đánh đồng Trần An Quốc với Trần An Hạ là một và cho rằng Trần Hoằng Nghị sinh được hai người con trai là Trần An Quốc và Trần Thủ Độ. Không hiểu tài liệu điền dã này tác giả thu nhận ở đâu mà lại có sự mâu thuẫn đến khó hiểu như vậy (?) làm cho người đọc, người nghiên cứu nhà Trần như bị sa vào trận đồ bát quái.
Chúng tôi đã về làng Miễu (xã Đông Quang, thuộc tổng Trực Nội trước đây, nay thuộc huyện Đông Hưng) để tìm hiểu về Trần An Quốc (Trần An Hạ). Cùng đi có nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Tiến Đoàn và dịch giả Vũ Công Hoan. Hai ông đã dịch hai tấm bia làng Miễu. Theo các cụ già trong làng thì tấm bia này có từ thời nhà Trần và được đưa từ lăng mộ của vợ chồng An Hạ Vương vào cửa hậu cung của đình làng từ năm 1961.
Nội dung văn bia đã cho thấy nhiều vấn đề khác hẳn với tư liệu của tác giả Dương Quảng Châu đưa ra. Theo lời dịch văn bia của hai ông Nguyễn Tiến Đoàn và Vũ Công Hoan thì An Hạ Vương không phải là Trần An Hạ hay Trần An Quốc. Ông là cháu của Lý Anh Tông chứ không phải là con của Trần Hoằng Nghị: "Lý triều An Hạ Vương, Anh Tông hoàng đế chi tôn, Quý Thịnh hầu giã, nguyên sách Động Nhuế Hương Nhân".
|
Bên trọng ngôi đền thờ Hoằng Nghị Đại Vương. |
An Hạ Vương lấy bà Đàm Chiêu Trinh chứ không phải Trần An Quốc lấy bà Đàm Chiêu Trinh như cụ Dương Quảng Châu đã lầm tưởng. Do có công lao đánh giặc Chiêm xâm lược nên ông được triều đình nhà Lý phong tước Quý Thịnh hầu. Sang thời nhà Trần, ông trấn giữ châu Nghệ An và khi chết được vua Trần ban phong là An Hạ Vương, cho đưa hài cốt về chôn cất tại hương Động Nhuế (đất được phong ấp của hai vợ chồng An Hạ Vương), triều đình đã giúp cho dân làng xây lăng mộ, đền miếu dựng bia để thờ hai vợ chồng ông...
Trong bài "Trần Thủ Độ với Thái Bình", tác giả Dương Quảng Châu có nhắc tới đền thờ Trần Triều Hoằng Nghị Đại Vương ở cánh đồng Hạ Liệt, Thái Hà, Thái Thụy. Chúng tôi đã trao đổi với nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Tiến Đoàn và dịch giả Vũ Công Hoan về ý nghĩa nội dung chính xác của câu: "Trần triều Hoằng Nghị Đại Vương, Thượng đẳng Phúc thần". Hai ông đều cho rằng, ở câu trên cần hiểu: Đây là vị Phúc thần cao nhất (Thượng đẳng Phúc thần) được triều đình nhà Trần ban tặng mỹ tự là Hoằng Nghị Đại Vương. Rõ ràng đây là mỹ tự của vị Phúc thần tại đền Hạ Liệt (nếu có thật?) chứ không phải như nhiều người lầm tưởng là tên người Trần Hoằng Nghị.
Cũng trong bài trên, tác giả Dương Quảng Châu viết: "Trong một trận chiến đấu, Trần Hoằng Nghị và một số chỉ huy đã chết trận cùng với một số chiến sĩ được nhân dân Hạ Liệt (nay là xã Thái Hà, Thái Thụy) lập đền thờ ở cánh đồng (Hạ Liệt) coi như thờ bách linh trận vong chiến sĩ, ngôi duệ hiệu cao nhất là "Trần Triều Hoằng Nghị Đại Vương. Thượng đẳng Phúc thần". Các cố lão ở Hạ Liệt cũng cho biết văn tế đầu tiên đọc là: Nguyên tổ Hoằng Nghị Đại Vương trước, rồi mới đến bách linh, chư vị thần quân, thần tướng, trận vong chiến sĩ vong linh.
Qua tìm hiểu ở xã Thái Hà - Thái Thụy, chúng tôi đã phát hiện ra sự nhầm lẫn rất đáng tiếc của tác giả Dương Quảng Châu. Thực tế ở xã Thái Hà không có thôn Hạ Liệt. Theo sách "Tên làng xã Thái Bình qua các đời" và "Địa danh Thái Bình xưa và nay" thì thôn Hạ Liệt, Phất Lộc, Phù Liệt, Trung Liệt trước Cách mạng Tháng tám năm 1945 thuộc tổng Thượng Liệt huyện Đông Quan. Sau 1945, cả bốn thôn này đều thuộc xã Đằng Giang. Năm 1955, xã Đằng Giang đổi tên thành Thái Giang (nay thuộc Thái Thụy).
Xã Thái Hà thành lập năm 1955, ở đây có làng Thuyền Quan, thời nhà Lê gọi là làng Cù Khê. Vào đầu thế kỷ XVI, con sông Trà Lý chảy gần làng có ngã ba gọi là ngã ba Cun (hay Côn Giang). Hoàng giáp Thượng thư Quách Hữu Nghiêm đi thuyền qua khu vực này đã bị sóng đánh đắm thuyền. Ông và quân lính đi theo đều tử nạn. Để tưởng nhớ quan Thượng thư Quách Hữu Nghiêm, dân làng đã bỏ tên làng Cù Khê và đổi thành làng Thuyền Quan, thuộc tổng Trực Hoài, huyện Thanh Quan, phủ Tiên Hưng.
Thực tế ở cánh đồng làng Cù Khê (Thái Hà) có một ngôi đền nhưng là đền nhân dân xây dựng để tưởng nhớ Quách Hữu Nghiêm cùng quân lính, gọi là đền Bách Linh. Nhân thần được thờ ở đền là Quách Hữu Nghiêm chứ không phải là Trần Hoằng Nghị như cụ Dương Quảng Châu và một số người lầm tưởng.
Lần tìm về thôn Hạ Liệt, xã Thái Giang và căn cứ vào Thư mục thần tích, thần sắc thì trước đây tổng Thượng Liệt, huyện Thanh Quan có 10 làng, hai làng Hạ Làng và Hạ Liệt cũng thuộc tổng này. Điều đáng chú ý là cả tổng Thượng Liệt xưa đều không có đền miếu nào thờ "Trần Triều Hoằng Nghị Đại Vương". Cụ thể, Hạ Liệt thờ hai vị nhân thần là Bảo Anh, Đông Hải và hai vị thiên thần là Tây Hải, Nam Hải. Hạ Làng thờ hai vị nhân thần Bảo Anh, Đông Hải và hai vị thiên thần Tây Hải, Nam Hải.
Như vậy đã rõ, ở cánh đồng Hạ Liệt, Thái Giang không thờ Trần Hoằng Nghị. Xã Thái Hà thì không có thôn hay làng Hạ Liệt và lại càng không thờ Trần Hoằng Nghị. Đây quả là điều mâu thuẫn đến khó hiểu, có lẽ chỉ có tác giả bài viết nói trên mới lý giải nổi. Nhưng đáng tiếc cụ Dương Quảng Châu đã về nơi thiên cổ. Người viết bài này xin vong linh cụ ở trời cao hãy đại xá cho sự thất kính của kẻ hậu sinh. Nhưng thiết nghĩ dù sao sự thật lịch sử vẫn phải trả nó về đúng với giá trị vốn có của nó. Tư liệu điền dã chỉ giúp chúng ta làm sáng tỏ thêm về chân lý của sự thật. Tuyệt nhiên tư liệu điền dã không thể coi là chính sử được. Nhất là khi nó chưa được khảo sát, kiểm chứng một cách khoa học, minh bạch.
Trong bài "Trần Thủ Độ với Thái Bình", tác giả Dương Quảng Châu căn cứ theo lời ông trưởng tộc họ Trần ở làng Ứng Mão (làng Mẹo, Thái Phương, Hưng Hà) cho biết: Vị thủy tổ họ Trần ở làng này là Hoằng Nghị Đại Vương và "Ở giữa làng có chợ, bên chợ có đền Vua Ông xây thời Trần, trong kháng chiến chống Pháp, đền bị phá, hiện thu gom thờ chung với nhà thờ đại tông họ Trần ở làng Xuân La. Căn cứ theo thần tích, thần sắc thì làng Xuân La xưa thuộc tổng Lập Bái (huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình). Các vị thần được thờ ở đình, đền làng có ba người là Trang Nghị Đại Vương, Hoàng Bà Bến Súc Trấn Quốc Đại Vương, Thiên Quan Đại Vương.
Nếu Hoằng Nghị Đại Vương là người được thờ ở đền Vua Ông thì nhất định ông phải có tên trong thần tích, thần sắc của làng. Thực tế ở đình làng Phương La thờ lục vị thần hoàng nhưng không có vị nào là Hoằng Nghị Đại Vương. Ngay cả ở Xuân La cũng thế. Phải chăng mọi người đã lầm tưởng Hoằng Nghị Đại Vương là Trang Nghị Đại Vương. Thực ra Trang Nghị Đại Vương, Hoàng Bà Trấn Quốc Đại Vương và Thiên Quan Đại Vương - theo thần tích, thần sắc ở Xuân La - là ba vị thiên thần.
Căn cứ vào thực tế khảo sát ở làng Hạ Liệt (Thái Giang) và xã Thái Hà, chúng ta có thể khẳng định rằng ở hai nơi này không có đền, đình nào thờ Hoằng Nghị Đại Vương. Đó là sự thật không thể lầm lẫn được.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):