Những vụ sập nhà kinh hoàng trong lịch sử Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Vua Gia Long suýt mất mạng vì sập nhà hay Trần Thủ Độ dựng cảnh sập nhà giết tôn thất nhà Lý… là những vụ sập nhà nổi tiếng trong sử Việt.

Vua Gia Long suýt mất mạng vì sập nhà
Lăng vua Gia Long là một công trình kiến trúc kỳ vĩ của nhà Nguyễn, bắt đầu được xây dựng từ năm 1814, sau cái chết của bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, chính phi của Gia Long, đến năm 1820 mới hoàn tất.
Lăng tọa lạc trên chính giữa ngọn đồi bằng phẳng có phong cảnh thiên nhiên với sơn thủy hoành tráng mà hữu tình. Trước lăng là ngọn Đại Thiên Thọ làm tiền án. Sau có 7 núi làm hậu án. Mỗi bên phải, bên trái đều có 14 ngọn núi tạo nên thế "Tả thanh long, hữu bạch hổ". Chung quanh lăng Gia Long là quần thể hồ nước và một dòng suối thơ mộng. Tất cả tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ mà trữ tình, bình dị, khác xa sự nguy nga tráng lệ ở những đền đài lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn sau này
Nhung vu sap nha kinh hoang trong lich su Viet Nam
Lăng Gia Long.
Tương truyền, khi xây dựng lăng, đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Chính vì quá sâu sát với công trình xây cất "ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa, vua Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường.
Chuyện kể lại rằng, một hôm có trận gió lốc đi qua làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, mặc dù nhà vua tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết.
Sau vụ sập nhà được lưu truyền sử Việt này, vua Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Đình Môn, gần nơi xây dựng lăng.
Trần Thủ Độ dựng vụ sập nhà chôn sống tôn thất nhà Lý?
Trần Thủ Độ là nhân vật trụ cột của triều Trần. Ông là công thần sáng lập triều Trần và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần trong khoảng khoảng gần 40 năm (1226 - 1264). Sử chép về giai đoạn này như sau: "Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”.
Trần Thủ Độ cũng là nhân vật chịu nhiều tai tiếng, bị các sử thần thời phong kiến chê trách nhiều. Xung quanh sự nghiệp của ông có nhiều có nhiều câu chuyện ly kỳ được lưu truyền, trong đó có chuyện "Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý” trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Trần Thái Tông như sau: “Nhâm Thìn năm thứ 8 (1232)… Tháng 8, gió to, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Khi ấy Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tôn, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ cúng các vua Lý đời trước ở Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu làm nhà lên trên, đợi khi người ta uống rượu say, giật máy chôn sống hết”.
Tuy nhiên, Ngô Sĩ Liên cũng ghi chú thêm rằng: “Xét thời Trần Anh Tôn còn có người họ Lý làm tướng; vả lại sử của Phan Phu Tiên không thấy chép, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm ghi lại”.
Ngày nay, việc Trần Thủ Độ có dựng vụ sập nhà giết hết tôn thất nhà Lý hay không vẫn là một nghi vấn lớn của lịch sử Việt Nam.
T.B (tổng hợp)

Bình luận(0)