"Sông dài băng chảy về đông/Sóng trào cuốn hết anh hùng xưa nay/Mờ mờ lũy cũ phía tây/Tam phân Xích Bích hùng tài Chu Lang/Sụt mây đá loạn ngổn ngang/Ba đào cuồng nộ tràn lan vỡ bờ/Ngàn ngàn cột tuyết lặng lờ/Bức tranh sông núi như thơ rạng ngời/Bao nhiêu hào kiệt một thời/Tài xưa Công Cẩn tuyệt vời biết bao/Tiểu Kiều mới cưới hôm nào/Anh hùng tư cách ra vào ung dung/Quạt là khăn lụa thong dong/Phá tan giặc mạnh đương trong nói cười/Giặc kia khói diệt tro bay".
(Phan Lang dịch)
Bài từ trên của đại văn hào đời Tống Tô Thức, trong lời từ khí thế bàng bạc đã đề cập tới Chu Lang "Anh hùng tư cách ra vào ung dung, Quạt là khăn lụa thong dong, Phá tan giặc mạnh đương trong nói cười, Giặc kia khói diệt tro bay". Đó chính là một trong những nhân vật anh hùng lừng lẫy thời Tam Quốc: Đại tướng Chu Chu của Tôn Quyền Giang Đông – Chu Công Cẩn.
Chu Du không những tướng mạo anh dũng tuấn tú, nho nhã ôn hòa, một bụng thi họa, tinh thông binh pháp, hiểu sâu âm luật, mà còn khí lượng quảng đại. Tuổi trẻ đã có hùng tài đại lược, do đó mới được Lưu Bị ca ngơi là "Vạn nhân chi anh" (Anh hùng của vạn anh hùng).
Nho tướng quạt là khăn lụa thong dong
Trong "Tam quốc chí" có chép, Chu Du xuất thân từ một gia đình thế tộc lớn huyện Thư, quận Lư Giang – An Huy ngày nay. Anh trai ông nội ông là Chu Cảnh, chú họ Chu Trung đều đã làm thái úy nhà Đông Hán (một trong cửu khanh). Cha ông là Chu Dị làm huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói gia tộc ông là một đại tộc sự nghiệp hiển hách.
Chu Du "cường tráng, tuấn tú" là hậu thế của một đại gia tộc danh tiếng, ông có thân hình vạm vỡ cao lớn, thể chất tráng kiện, dung mạo tuấn tú. Không chỉ có vậy, Chu Du còn văn hay võ giỏi.
Sử sách có chép, khi Chu Du ở tuổi thiếu thời đã tinh thông âm luật, chơi đàn rất hay, cho dù sau khi uống 3 chung rượu, người chơi nhạc chỉ chơi sai tí chút, ông đều có thể nhận ra, đồng thời lập tức quay đầu nhìn người chơi sai, rồi chỉ bảo. Do Chu Du tướng mạo anh hùng tuấn tú, các cô gái chơi đàn vì muốn được ông để mắt đến, thường thường cố ý chơi sai nhạc phổ.
Vì vậy trong dân gian lưu truyền câu: "Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố" (Khúc nhạc nhầm, Chu Lang nhìn). Từ sau thời Ngụy Tấn, "Chu Lang cố khúc" được dùng làm điển cố, được các đại văn hào thường viên dẫn sử dụng, thường xuất hiện trong các tác phẩm văn học các thể loại thơ ca, nhạc kịch…
Chu Du nho nhã, tinh thông âm luật, về quân sự lại có tài năng phi phàm. Những năm cuối đời Đông Hán, quần hùng nổi dậy. Phá Lỗ tướng quân Tôn Kiên dấy binh thảo phạt quyền thần Đổng Trác phế bỏ Thiếu Đế, đồng thời chuyển nhà đến huyện Thư. Con trai Tôn Kiên "Tiểu Bá Vương" Tôn Sách và Chu Du đồng niên, hai người chí đồng đạo hợp, tình như thủ túc. Chu Du còn nhường khu nhà lớn của mình cho Tôn Sách ở, đồng thời "Lên nhà bái mẫu thân, không có gì là không cùng nhau". Sau đó, Chu Du và Tôn Sách hợp quân chinh chiến, thế như chẻ tre, xưng bá Giang Đông.
Viên Thuật đương thời thế lực khá mạnh rất hâm mộ tài năng của Chu Du, mời ông đến dưới trướng làm tướng (Tôn Sách lúc đó về danh nghĩa vẫn là thuộc hạ của Viên Thuật). Chu Du biết Viên Thuật không phải là người có thể thành tựu đại nghiệp, bèn tìm cớ trở về với Tôn Sách.
Tôn Sách nghe tin Chu Du trở về, đích thân nghênh tiếp, đồng thời phong làm Kiến uy trung lang tướng, trao cho 2 nghìn quân và 50 con chiến mã. Năm đó, Chu Du 24 tuổi, người đất Ngô (Giang Tô – Chiết Giang ngày nay) đều rất tôn sùng ông, gọi ông là "Chu Lang".
Sau đó, Chu Du cùng với Tôn Sách chinh chiến khắp nơi. Sau khi công hạ đất Hoãn (An Huy ngày nay), cả hai được Kiều gia gả cho hai cô con gái, đều là quốc sắc thiên hương. Tôn Sách lấy cô chị Đại Kiều, Chu Du lấy cô em Tiểu Kiều. Trai tài gái sắc, nhanh chóng lan truyền giai thoại đẹp.
Sau khi Tôn Sách bị đâm chết, Chu Du với thân phận là Trung hộ quân và Trưởng tử Trương Chiêu cùng phò tá Tôn Quyền, em trai Tôn Sách. Trương Chiêu gánh vách việc triều chính, Chu Du đảm nhiệm việc dẫn quân bên ngoài, chống kẻ địch, mở mang lãnh thổ. Lúc đó Giang Đông có lan truyền câu nói để đời "Việc bên trong không quyết định được thì hỏi Trương Chiêu, việc bên ngoài không quyết định được thì hỏi Chu Du".
Chu Du trung thành tận tụy, ở bên ngoài giỏi điều binh khiển tướng, liên tiếp tiêu diệt hơn vạn quân thổ phỉ, đồng thời đánh lui cuộc tấn công của quân đội Lưu Biểu. Năm 208, sau khi Tôn Quyền quyết chí thảo phạt Giang Hạ, Chu Du được phong làm Tiều bộ đại đô đốc.
Khí độ phi phàm, cao nhã tột bậc
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Chu Du bị miêu tả là người lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ Gia Cát Lượng, liên tiếp nghĩ cách đưa Khổng Minh vào chỗ chết. Nhưng sự thực lịch sử là, cái gọi là Chu Du ganh ghét Khổng Minh, Khổng Minh 3 lần chọc tức Chu Du, cho đến Chu Du cảm khái than "Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng" xong rồi chết, tất cả hoàn toàn là không hề tồn tại. Chu Du thực sự là người khí độ phi phàm, tấm lòng rộng mở, cao nhã tột bậc.
"Tam Quốc chí" ca ngợi Chu Du "Tính tình độ lượng rộng lớn, là người đại lượng… quả là bậc kỳ tài", ông khiêm nhường lễ ngộ hiền tài, rất được mọi người yêu kính. "Giang biểu truyện" có chép câu chuyện giữa Chu Du và đại tướng Trình Phổ càng nói rõ hơn vấn đề.
Trình Phổ là lão thần Đông Ngô, đã theo Tôn Kiên vào tử ra sinh, lập nhiều chiến công hiển hách. Trình Phổ thấy Chu Du gia thế hiển hách, thiếu niên đắc chí, trong lòng không vui, cho rằng Chu Du nhờ phúc ấm tổ tiên, do đó thường thường thể hiện tức giận khinh thường ngay trước mặt Chu Du, đồng thời nhiều lần sỉ nhục Chu Du.
Chu Du không hề tức giận, trái lại càng cung kính đối đãi với Trình Phổ, nhẫn nhịn vì quốc gia. Trình Phổ trong lòng cảm động, càng kính trọng Chu Du hơn, đồng thời nói với mọi người quanh mình rằng: "Kết giao với Chu Công Cẩn, như uống mỹ tửu ngọt ngào, bất tri bất giác tự mình ngất ngây say Chu Du rồi".
Có thể khiến cho lão tướng Trình Phổ cao ngạo khâm phục ca ngợi, đủ thấy lòng dạ rộng lớn, nhân cách đầy cuốn hút của Chu Du, người như thế này làm sao có thể đố kỵ Gia Cát Lượng được?
Trong lịch sử còn có Tưởng Cán du thuyết Giang Đông, không thể nói động đến Chu Du được, trở về báo cáo với Tào tháo, khen Chu Du "Cao nhã tột bậc, không thể dùng lời nói mà làm động tâm được". Mà khi Lưu Bị đến Kinh Khẩu mượn Kinh Châu, đã cùng với Tôn Quyền nói về Chu Du, khen rằng "Văn võ thao lược, là anh hùng của vạn anh hùng". Ngoài ra, Chu Du còn cho Lưu Bị mượn 2000 quân, đây quyết không thể là người lòng dạ hẹp hòi có thể làm được.
Hồng Mại đời Nam Tống trong "Dung trai tùy bút" có bàn đến các tướng soái cổ kim. Có rất ít người không tự cao tự đại, không đố kỵ người hơn mình, nhưng "Tôn Ngô tứ anh tướng" thì Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông và Lục Tốn đều không phải người như thế.
Chu Du hết sức tiến cử Lỗ Túc chính là ví dụ điển hình. Hơn nữa, trong tác phẩm từ khúc của đại văn hào đời Tống Tô Thức trong phần mở đầu bài viết, có thể khẳng định là, ít nhất ở đời Tống, hình tượng Chu Du vô cùng chính diện. Nhưng bắt đầu từ đời Nguyên, hình tượng Chu Du bị bóp méo, và đã ảnh hưởng đến hậu nhân.
Đại chiến Xích Bích: Chu Du hùng tài đại hiển
Trận đại chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử lấy ít thắng nhiều, đã đưa tài năng quân sự của Chu Du lên tầng cao mới, khiến tên tuổi ông tiếng thơm muôn đời. Đấy chính là chiến dịch có tính quyết định, vì trận Xích Bích đã dẫn đến hình thành thế chân vạc Tam Quốc. Không có Chu Du, trận chiến Xích Bích không thể thắng lợi, thậm chí còn không có trận Xích Bích. Vì lúc đó Lưu Bị do Gia Cát Lượng phò tá không có thực lực có thể đánh thắng quân Tào.
Mùa xuân năm 208, Chu Du dẫn đại quân chiếm lĩnh Giang Hạ. Tháng 9, đại quân Tào Tháo cũng đoạt được Kinh Châu. Quân đội Đông Ngô và quân Tào cùng dàn quân, một bên ở Giang Nam, một bên dàn quân Giang Bắc, cuộc đại chiến diễn ra. Tào Tháo có hùng tâm nhất thống thiên hạ, và dẫn đại quân 80 vạn, quyết chí thôn tính Đông Ngô.
Đối diện với đại quân Tào Tháo áp sát biên giới, nội bộ Đông Ngô xuất hiện hai phái chủ hòa và chủ chiến. Phái chủ hòa cho rằng Tào Tháo danh chính ngôn thuận, hơn nữa sức mạnh quân sự cường thịnh, Đông Ngô sẽ không chống đở nổi một trận.
Nhưng Chu Du, người được Tôn Quyền triệu về lại ra sức chủ trương chống tào. Khác với "Tam Quốc diễn nghĩa" miêu tả Gia Cát Lượng khẩu chiến quần nho, và Chu Du bị trúng kế khích tướng kế của Gia Cát Lượng, trong chính sử có chép, Chu Du dốc sức dẹp bàn tán của quần thần, đồng thời tiến hành phân tích sâu sắc tinh tế.
Trước tiên Chu Du nói với Tôn Quyền: "Tướng quân Thần võ hùng tài, và lẫm liệt của cha anh, cát cứ Giang Đông, đất rộng mấy ngàn dặm, tinh binh đủ dùng, anh hùng lạc nghiệp, xứng đáng tung hoành thiên hạ". Và tiếp đến chỉ ra, quân Tào không giỏi thủy chiến, hơn nữa, mùa đông giá lạnh, ngựa không lương thảo, binh sỹ xa xôi đến, không hợp thủy thổ, ắt sẽ sinh bệnh, mà đây là đại kỵ trong việc dụng binh.
Ông còn nói với Tôn Quyền, quân Tào không đáng sợ, ông chỉ cần 5 vạn tinh binh, là có thể đảm bảo giành chiến thắng. Tôn Quyền nghe xong vô cùng mừng rỡ, nói: "5 vạn tinh binh nhất thời khó mà lo đủ, hiện nay chọn được 3 vạn, mời tướng quân và Tử Kính, Trình Phổ đi nghênh địch". Chu Du lập tức được phong làm Chủ soái tá đô đốc, dẫn quân ngược dòng Trường Giang lên phía tây, chuẩn bị hợp quân với quân của Lưu Bị, cùng nhau đối phó với Tào Tháo.
Cuộc chiến sau đó cũng đã chứng minh tài năng quân sự trác tuyệt, tầm chình độc đáo và mưu lược đại đảm của Chu Du. Chu Du dẫn 3 vạn quân thủy binh tự mình đi nghênh chiến đại quân 15 vạn của Tào Tháo, dùng 1 chọi 5, mà vẫn "phá tan giặc mạnh đương trong nói cười", khiến quân địch "Giặc kia khói diệt tro bay".
Sử sách có chép, sau khi liên quân Tôn Lưu hợp quân, tương ngộ với quân tiên phong của quân Tào ở Xích Bích. Do Chu Du chỉ huy thích đáng, cộng thêm quân Tào binh sĩ không hợp thủy thổ, lại không quen thủy chiến, liên quân đã giành thắng lợi, Quân Tào tạm thời lui binh. Sau đó, quân Tào một mặt huấn luyện thủy binh, mặt khác giải quyết vấn đề quân bộ binh phương Bắc không quen thủy chiến, hạ lệnh dùng dây chão thép cột các chiến hạm lại với nhau.
Hoàng Cái liền kiến nghị với Chu Du rằng: "Quân Tào hiện nay đã dùng dây chão thép cột các chiến hạm với nhau, chúng ta có thể dùng hỏa công để đối phó với chúng". Chu Du cho rằng kế này rất hay, bèn để Hoàng Cái viết bức thư gửi Tào Tháo giả đầu hàng, đồng thời định ra thời gian đầu hàng.
Tào Tháo xem xong thư, cho rằng ngay cả lão thần như Hoàng Cái còn muốn đầu hàng, thì sẽ phá được Tôn Quyền trong ít ngày. Sau đó, Chu Du chuẩn bị cho Hoàng Cái 10 chiếc chiến thuyền, trong thuyền chất đầy lưu huỳnh và cỏ khô, lau sậy tẩm dầu mỡ, phía trên dùng vải dầu che kín, mỗi chiếc chiến thuyền lại buộc phía sau một chiếc thuyền nhỏ cao tốc.
Vào đêm hẹn đầu hàng, ông Trời giúp sức, bỗng nhiên nổi trận gió đông nam. Những chiếc thuyền giả hàng đến cách doanh trại quân Tào còn khoảng 20 dặm, Hoàng Cái hạ lệnh các thuyền đồng thời châm lửa, sau đó nhảy lên các thuyền nhỏ cao tốc phía sau, chặt đứt dây thừng buộc với thuyền lửa. Cuối cùng quân Tào đại bại, tử thương quá nửa.
Chu Du là tổng chỉ huy trận Xích Bích, hùng tài đại hiển, đã giành được thắng lợi then chốt,giữ được đại nghiệp Đông Ngô đồng thời tiếng tăm chấn động 3 nước. Ngay cả Tào Tháo hiếm khi thua trận, sau khi về đến Hứa Đô, cũng rầu rĩ mà than rằng: "Ta thua cũng không đến nỗi mất mặt!", đủ thấy Tào Tháo từ nội tâm khen ngợi mưu lược Chu Du. Nhưng trong "Tam quốc diễn nghĩa", Gia Cát Lượng thuyền cỏ mượn tên, đăng đàn cầu gió lại không thấy có trong chính sử.
Ngôi sao tướng rơi
Sau đại chiến Xích Bích, Lưu Bị thừa cơ Chu Du và Tào Nhân giằng co ở Giang Lăng đã đoạt được 4 quận phía nam Kinh Châu. Để tăng cường liên minh Tôn Lưu, Tôn Quyền gả em gái mình cho Lưu Bị. Chu Du biết Lưu Bị sau này ắt thành đại sự, bèn khuyên Tôn Quyền giữ Lưu Bị ở lại Đông Ngô, nhưng Tôn Quyền không nghe theo.
Sau đó, Chu Du kiến nghị Tôn Quyền thừa cơ quân Tào mới thất bại tiến đánh Ích Châu, đoạt lấy Ba Thục, rồi kết liên minh với Mã Siêu quân Tây Lương, đoạt lấy Tương Dương, tiến đánh Tào Tháo. Tào Tháo mà phá xong thì Lưu Bị không có gì đáng lo nữa. Mưu lược này hoàn toàn hợp với Gia Cát Lượng. Tôn Quyền thấy mưu này rất hay, bèn cho Chu Du trở về Giang Lăng chỉnh đốn binh mã.
Năm 210, trên đường trở về Giang Lăng, Chu Du mắc trọng bệnh, nhưng ông vẫn dốc sức gắng gượng đến được Ba Khâu, kiểm duyệt quân đội. Sau đó đại quân Đông Ngô xuất phát, nhưng sau khi xuất phát không lâu, Chu Du bệnh từ trần, mới 36 tuổi.
Tôn Quyền nghe được tin, vô cùng đau đớn, khóc nói: "Công Cẩn có tài phò tá vua, mà bỗng nhiên đoản mệnh mà chết, sau này ta biết dựa vào ai đây?". Tôn Quyền đích thân mặc đồ tang làm lễ tang cho Chu Du, đồng thời đến Vu Hồ nghênh đón linh cữu Chu Du về, mai táng ở đất Ngô.
Năm 229, Tôn Quyền xưng đế. Sau khi xưng đế, Tôn Quyền lại nói với các công khanh rằng: "Ta không có Chu Công Cẩn thì không xưng đế như nay được". Ý nghĩa là, nếu không có Chu Du, ông không thể nào lên làm hoàng đế được.
Tài thao lược dụng binh Chu Du được người đời ca tụng với những câu nói hay gắn liền với điển tích, trận chiến… Viên Hoằng đời Đông Tấn viết trong "Tam Quốc danh thần tán tự" (Lời tựa ca ngợi các danh thần Tam Quốc) rằng: "Công Cẩn anh hùng hiển đạt, tâm sáng, kiến giải độc đáo" và "Bậc kỳ tài trác việt, kỳ công Xích Bích rực rỡ". Chu Du tuy anh hùng nhưng yểu mệnh, nhưng dòng sông cuồn cuộn kia sẽ không quên Chu Lang năm xưa hùng tài đại hiển, "Phá tan giặc mạnh đương trong nói cười, Giặc kia khói diệt tro bay".