Thời phong kiến, các phi tần trong hậu cung vì tranh giành ân sủng mà thường xuyên đấu đá đến mức tôi chết cô sống để mong sớm sinh ra hoàng tử. Có người vì quá yêu Hoàng đế nên muốn mình được độc sủng, có người vì gia tộc, vì mạng sống bản thân mà buộc phải dùng thủ đoạn tranh đấu.
Tuy nhiên vào thời Khang Hi đế nhà Thanh, có một vị phi tần vô cùng đặc biệt. Bà không hơn thua tranh đấu, không vọng tưởng sân si. Ấy thế mà vẫn may mắn sinh cho Khang Hi một vị Hoàng tử rồi sống an nhàn đến tận 96 tuổi, trở thành phi tần thọ nhất trong 300 năm lịch sử nhà Thanh.
Con trai bà cũng thừa hưởng tính tình tốt đẹp của mẹ, an phận mà sống đến gần 80 tuổi, trở thành hoàng tử thọ nhất trong các con trai của Khang Hi. Vị phi tần đó chính là Định phi Vạn Lưu Cáp thị.
Định phi Vạn Lưu Cáp thị sinh vào năm Thuận Trị thứ 18 (1661), cha bà là Lang trung Đà Nhĩ Bật. Xuất thân của Vạn Lưu Cáp thị không hề cao, gia tộc bà thuộc tầng lớp Bao y, nhiều đời làm việc tại Tân Giả khố.
Năm 14 tuổi, Nội vụ phủ chọn Vạn Lưu Cáp thị tham gia tuyển tú, bà nhập cung và trở thành quan nữ tử. Sau khi được Khang Hi may mắn sủng hạnh, Vạn Lưu Cáp thị mang long thai và hạ sinh hoàng thập nhị tử Dận Đào vào năm Khang Hi thứ 24.
Do lúc ấy thân phận Vạn Lưu Cáp thị còn quá thấp, không đủ tư cách nuôi dưỡng hoàng tử, Khang Hi đế bèn giao Dận Đào cho Tô Ma Lạt Cô nuôi dưỡng. Tô Ma Lạt Cô là thị nữ hầu hạ thân cận của Hiếu Trang thái hậu, tuy nói là thị nữ nhưng bối phận của bà ở trong cung rất cao, được nhiều người trong Hoàng tộc tôn kính. Việc Khang Hi đem Dận Đào giao cho Tô Ma Lạt Cô nuôi dưỡng chứng minh ông rất coi trọng tương lai của vị Hoàng tử này.
Sau khi sinh Dận Đào, tuổi tác Vạn Lưu Cáp thị ngày càng tăng trong khi ân sủng ngày càng giảm, nhưng điều ấy chẳng khiến bà thấy muộn phiền. Có thể nói trời sinh tính tình Vạn Lưu Cáp thị không ganh đua nên dù không có được lòng vua, bà vẫn vui vẻ lạc quan mà sống, thân thể khỏe mạnh hơn rất nhiều so với các phi tần cùng lứa.
Mãi cho đến năm Khang Hi thứ 57, Vạn Lưu Cáp thị mới được Khang Hi phong làm Tần. Có ai ngờ bà lại trở thành chủ vị một cung khi đã gần 60 tuổi cơ chứ? Đáng buồn là phân vị của Vạn Lưu Cáp thị cũng dừng lại ở đó mãi cho đến khi Ung Chính lên ngôi, thấy bà tính tình khiêm nhường, ôn hòa mà vẫn ở tước Tần quá lâu nên tấn tôn bà lên làm Phi.
Tuy hành trình thăng chức rất chậm, nhưng bù lại cuối đời Định phi sống trong an nhàn và hạnh phúc - điều mà rất nhiều nữ nhân trong Tử Cấm Thành mong mỏi. Bà được phép rời khỏi cung, về sống ở phủ đệ của con trai Dận Đào (tức Lý Thân vương phủ), hưởng niềm vui tuổi già bên cháu chắt.
Đến thời Càn Long, tuy không được tôn phong nhưng mỗi khi có dịp quan trọng, Càn Long đều mời bà vào cung tham dự. Thậm chí năm Vạn Lưu Cáp thị mừng đại thọ 90 tuổi, Càn Long còn đích thân đến Lý Thân vương phủ làm thơ để chúc thọ bà.
Một điều khá thú vị là Lý Ý Thân vương Dận Đào và Càn Long đế có quan hệ thông gia với nhau. Cụ thể hơn, Đích phúc tấn Phú Sát thị của Dận Đào chính là chị họ của Hiếu Hiền hoàng hậu - nguyên phối Hoàng hậu của Càn Long và Đại học sĩ Phó Hằng. Nói cách khác Càn Long không chỉ gọi Dận Đào là Hoàng thúc mà còn phải gọi hai tiếng anh rể nữa.
Về phần Định phi, bà an hưởng tuổi già bên con cháu đến năm Càn Long thứ 22 (1757) thì qua đời, thọ 96 tuổi. Bà sống qua 4 đời đế vương: Thuận Trị, Khang Hi, Ung Chính và Càn Long, trở thành phi tần thọ nhất trong lịch sử nhà Thanh. Con trai bà - Lý Thân vương Dận Đào cũng qua đời 6 năm sau đó, thọ 77 tuổi, là Hoàng tử thọ nhất trong tất cả các con trai của Khang Hi.