Thục phi Văn Tú (1909-1953) tên thật là Ngạch Nhĩ Đắc Văn Tú, thời đi học còn có tên khác là Phó Ngọc Phương, là phi tần của vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, cũng là vị hoàng đế cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc - Phổ Nghi. Tưởng rằng được làm phi tần của vua là một phúc phần mà ai ai cũng ao ước nhưng đối với Thục phi Văn Tú, đó lại là mở đầu cho chuỗi bi kịch trong cuộc đời của bà.
Thục phi Văn Tú xuất thân từ gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị, dòng dõi tuy cao nhưng gia cảnh lại nghèo khó, vì vậy không được coi trọng. Bố của Văn Tú lại mất sớm, chỉ có một mình người mẹ nuôi 2 con nhỏ. Dẫu vậy, Văn Tú vẫn được cho ăn học đàng hoàng, năm 8 tuổi đã được gửi tới trường tiểu học Hoa Thị. Ở trường, từ các môn quốc văn, toán học, tự nhiên, vẽ tranh cho tới âm nhạc bà đều học rất giỏi. Trong thời gian rảnh rỗi, Văn Tú còn phụ giúp mẹ kiếm tiền, vì vậy đã sớm trưởng thành hơn tuổi.
Năm 1921, vua Phổ Nghi tròn 16 tuổi, các thành viên trong hoàng thất bắt đầu chọn cho ông một vị hoàng hậu. Cuối cùng, chỉ còn 2 ứng cử viên là Uyển Dung và Văn Tú. Thế nhưng Văn Tú xuất thân kém hơn, lại không có nhan sắc bằng Uyển Dung nên đã để vuột mất ngôi vị hoàng hậu vào tay Uyển Dung. Cùng năm đó, Văn Tú được sắc phong làm Thục phi.
Ngày 29/11/1922, một ngày trước đám cưới của Phổ Nghi và Uyển Dung, Văn Tú được đưa vào cung, sống trong cung Trường Xuân.
Thế nhưng cuộc sống trong chốn cung điện hào nhoáng chẳng hề như mong đợi. Thục phi Văn Tú không nhận được sự sủng ái của hoàng đế, cả ngày phải chôn chân trong bức tường thành cao ngút, mất đi tự do, khiến bà vô cùng chán nản và mệt mỏi. Bà phải sống một cuộc sống vắng vẻ, cô đơn và buồn tủi mỗi ngày. Thục phi Văn Tú thường ở trong phòng ngủ và dành thời gian đọc sách, thêu thùa hoặc dạy các cung nữ đọc sách.
Đến năm 1924, vua Phổ Nghi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành, đem theo 2 người vợ là Uyển Dung và Văn Tú đến Thiên Tân, sống trong một ngôi làng nhỏ như người bình thường và phải chịu sự quản lý của người Nhật Bản. Khi biết Phổ Nghi có ý định bắt tay với quân Nhật để khôi phục lại nhà Thanh, Văn Tú hết lời khuyên can, cho rằng hành động này là đùa với lửa, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng Phổ Nghi không nghe bà. Điều này khiến mối quan hệ giữa cả 2 càng thêm căng thẳng.
Cùng thời gian đó, giữa Uyển Dung và Văn Tú cũng có nhiều mâu thuẫn không thể hòa giải. Cuối cùng, khi không thể chịu đựng nổi nữa, Văn Tú đã lên kế hoạch bỏ trốn. Tháng 8/1931, cùng với sự giúp đỡ của em gái, Văn Tú đã bỏ trốn thành công, sau đó tìm đến một luật sư để đưa ra quyết định bất ngờ.
Văn Tú đã đệ đơn kiện lên tòa án, muốn ly hôn với Phổ Nghi. Bà nói rằng bản thân đã bị bạo hành và đày đọa nhiều năm. Một số tài liệu còn nói rằng lý do chính khiến Văn Tú muốn ly hôn là bởi Phổ Nghi bị yếu sinh lý. Suốt 9 năm hôn nhân, vị hoàng đế này chưa từng "gần gũi" Thục phi của mình lần nào. Chính Phổ Nghi cũng từng thừa nhận ông mắc chứng liệt dương do ham mê sắc dục từ khi còn quá trẻ.
Quyết định ly hôn vua của Văn Tú đã gây chấn động cả xã hội. Bà được mệnh danh là "Hoàng phi cách mạng" khi là vị phi tần đầu tiên trong lịch sử dám chủ động ly hôn với hoàng đế.
Sau đó, vào năm 1932, Văn Tú đổi tên thành Phó Ngọc Phương, tới giảng dạy tại một trường học ở Bắc Kinh, dạy tiếng Trung và hội họa. Nhưng cuộc sống yên bình đó chỉ kéo dài khoảng 1 năm vì bà bị lộ thân phận, phải chuyển tới nơi khác sinh sống. Cuộc sống của bà khi đó vô cùng khốn khổ, phải bán nhà, làm đủ mọi nghề chân tay để kiếm sống, từ ve chai, cu li cho đến rao thuốc lá đầu ngõ, không việc gì mà bà chưa từng trải qua.
Năm 1947, Văn Tú tái hôn với một người đàn ông tên Lưu Chấn Đông. Dù nghèo khó nhưng cả đời bất hạnh của Văn Tú cuối cùng cũng có một gia đình đúng nghĩa. Cả 2 sống yên bình bên nhau mà không sinh một người con nào.
Đến năm 1953, Văn Tú đột ngột qua đời do tái phát bệnh co thắt tim, hưởng thọ 45 tuổi. Người chồng thứ 2 Lưu Chấn Đông là người duy nhất ở bên cạnh khi bà lâm chung. Sau đó, bà được an táng vào một ngôi mộ tập thể, bên ngoài An Định môn.