Dù công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả quan trọng, rất đáng mừng nhưng đây là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì và tuyệt nhiên không không được tự thoả mãn với những kết quả đã đạt được. Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, đã dành thời gian trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về nội dung này.
|
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương: "Cuộc chiến chống tham nhũng là chống giặc nội xâm". Ảnh: Hà Giang/Báo Tổ Quốc |
- Ông nhận định thế nào về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua?
- Ông Nguyễn Đình Hương: Theo tôi thì cuộc chiến chống tham nhũng là chống giặc nội xâm. Gọi là chống giặc nội xâm bởi vì “đụng” đến các đồng chí của mình, cán bộ của mình cho nên “đánh giặc” nội xâm còn khó hơn đánh giặc ngoại xâm.
Giặc nội xâm ăn cắp của cải của nhà nước nên chúng ta phải trừng trị nghiêm. Đến thời điểm này, cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi bước đầu. Tuy nhiên, chúng ta không nên thoả mãn với thắng lợi đó vì cuộc đấu tranh này còn kéo dài và phức tạp hơn so với trước đây. Tham nhũng bây giờ hàng nghìn tỷ chứ không như ngày xưa.
- Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 6 nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới với trọng tâm là xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo ông, chúng ta cần phải tiếp tục làm thế nào để công tác phòng chống đạt kết quả hơn nữa?
- Ông Nguyễn Đình Hương: Những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng đã rất đầy đủ.
"Mọi sai lầm thời gian qua đều do công tác bộ. Nguyên nhân dẫn tới tham nhũng là do chọn cán bộ sai, chọn nhân tài sai. Bố trí những người tham nhũng thì không thể chống tham nhũng được".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là người trong sạch, vừa là người kiên quyết, vừa là người thể hiện quyết tâm. Tổng Bí thư là “tư lệnh, người phất cờ”. Dù vậy, một mình Tổng Bí thư chưa đủ mà trong cuộc chiến này phải phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân. Toàn Đảng, toàn dân... phải vào cuộc thì cuộc chiến chống tham nhũng mới không đơn độc.
Tôi vẫn chông chờ xem công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ như thế nào trong giai đoạn tiếp theo. Những gì chúng ta thực hiện được mới chỉ là bước đầu. Vẫn còn nhiều vụ đại án gây rúng động dư luận thời gian qua nhưng chưa được xử lý...
Tôi luôn cho rằng, công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Mọi sai lầm thời gian qua đều do công tác bộ. Nguyên nhân dẫn tới tham nhũng là do chọn cán bộ sai, chọn nhân tài sai. Bố trí những người tham nhũng thì không thể chống tham nhũng được.
Vì thế, thời gian tới cần phải kiểm soát khâu lựa chọn cán bộ. Cần phải xem xét từ cấp tỉnh trở lên. Ví như mỗi tỉnh cần xem xét Bí thư, Chủ tịch tỉnh có thực sự trong sạch không? Có ai dính líu tới tham nhũng không? Trong số hơn 20 bộ trưởng có ai vướng tham nhũng không? Nếu họ không hoàn toàn trong sạch thì chống tham nhũng chưa thể gọi là thành công được. “Thượng bất chính, hạ tất loạn”, người đứng đầu một bộ, trung ương, nhà nước mà dính đến tham nhũng là không thể được.
Bên cạnh đó, hiện tại chúng ta đang thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Năm 1947, Bác Hồ đã từng nói rằng “chúng ta phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực”. Bây giờ tham nhũng đang là vấn nạn. Người ta đang lạm dụng quyền lực để thu vén cá nhân quá nhiều. Lạm dụng quyền lực để làm giàu bất chính. Lạm dụng quyền lực để cấp đất, cấp dự án, để quyết định cán bộ sai lầm…Vậy mà không ai kiểm soát họ được. Tất cả là do chúng ta đang thiếu một cơ chế kiểm soát quyền lực.
Cuối cùng, tôi cho rằng, cần phải lấy dân để kiểm soát tham nhũng vì “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” – Đảng ta nói vậy rồi. Tuy nhiên, vấn đề ở đây vẫn là thiếu cơ chế. Ví như chúng ta có dám để cho dân bầu chủ tịch xã không? Chứ hiện tại bổ nhiệm ai đều do cấp uỷ quyết định, dân không có quyền tham gia. Do đó nạn chạy chức, chạy quyền là khó tránh khỏi.
Vì thế, hãy để cho dân có ý kiến.
|
Ông Nguyễn Đình Hương: "Nguyên nhân dẫn tới tham nhũng là do chọn cán bộ sai, chọn nhân tài sai. Bố trí những người tham nhũng thì không thể chống tham nhũng được". Ảnh: Hà Giang |
- Trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng ngày 25/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, chúng ta cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ông Nguyễn Đình Hương: Đây là ý kiến rất hay bởi chúng ta không lẫn lộn giữa những người tham nhũng, tư lợi cá nhân với những người vì nước, vì dân. Những người vì nước, vì dân làm giàu cho đất nước thì rất đáng khuyến khích.
Chúng ta có rất nhiều đảng viên, cán bộ tốt. Nhân tài của chúng ta cũng rất nhiều. Người xấu chỉ một phần. Bây giờ chúng ta vừa phải xây, vừa phải chống. Bên cạnh việc “dùng đèn pha để bắt sâu mọt” thì chúng ta cũng phải ủng hộ những người làm tốt, những người dám đổi mới, vì nước, vì dân.
Tôi tuyệt đối tin tưởng vào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là một người dân, tôi chờ xem thời gian tới công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục như thế nào. Đến thời điểm này, củi khô cháy rồi nhưng củi tươi mới lém thôi. Tôi cho rằng, đánh rắn thì phải đánh dập đầu.
- Xin cảm ơn ông!