Trong gần 300 năm xây dựng và phát triển cực thịnh để rồi suy tàn, nhà Thanh dưới sự trị vì của dòng dõi Ái Tân Giác La cao quý trải qua hàng loạt đời đế vương mở đầu là Nỗ Nhĩ Cáp Xích và kết thúc ở Phổ Nghi. Trong số rất nhiều vị đế vương này, Khang Hy, Ung Chính và Càn Long là những cái tên được nhiều người biết đến hơn cả bởi sự thái bình thịnh thế mà những vị vua này tạo ra được.
Song hành cùng tiếng tăm của các bậc đế vương, những câu chuyện ở hậu cung cũng vì thế mà sôi nổi và nhuốm màu kịch tính. Đáng nói nhất phải kể đến Khang Hy tức Huyền Diệp (1654-1722), là con thứ 3 của vua Thuận Trị, là vua thứ 4 của nhà Thanh, lên ngôi khi mới có 8 tuổi.
(Ảnh minh họa)
Trong 61 năm tại vị, phi tần của ông nhiều không đếm xuể. Ở góc nhìn hậu thế, chúng ta có thể thấy, phần địa cung của Cảnh lăng, ngoài mai táng thi thể của Khang Hy còn mai táng 4 Hoàng hậu và 1 Hoàng Quý phi. Phần "phi viên tẩm" (nơi dành cho các cung phi) là nơi chôn cất toàn bộ 48 phi tần của Khang Hy và hoàng tử thứ 18 của ông là Dận Giới. 48 vị phi tần này gồm 1 Quý phi, 11 Phi, 8 Tần, 10 Quý nhân, 9 Thường tại, 9 Đáp ứng.
Cũng bởi số lượng đông đúc, nên những tranh đấu ở hậu cung là điều khó có thể tránh khỏi. Trong "Hậu cung Chân Hoàn truyện", nhân vật Nhân Thọ Hoàng thái hậu mà nguyên là Đức Phi dưới thời Khang Hy ở giai đoạn bên kia sườn dốc đã cảm thán về những tháng năm gian khổ sống trong hậu cung của mình trước kia: "Ôn Hi Quý Phi ngang ngược, Lương Phi đoạt sủng, Thư Phi chuyên sủng. Ai gia khổ tâm trăm bề mới có thể trở thành Thái Hậu".
Tuy nhiên, trong câu cảm thán ấy của Nhân Thọ Hoàng thái hậu vẫn thiếu một cái tên khiến hậu cung Khang Hy trở thành nguồn đề tài hấp dẫn để phim ảnh khai thác, đó chính là Nghi Phi.
(Ảnh minh họa)
Khang Hy tổng cộng có tứ đại sủng phi, theo thứ tự sủng ái mà gọi là "Huệ Nghi Vinh Đức". Theo sử sách ghi chép về hoàng đế Khang Hy, mỗi lần vị hoàng đế này ra ngoài vi hành đều mang theo một "cái đuôi nhỏ" vô cùng xinh đẹp và hấp dẫn, nàng chính là Nghi phi.
Phi tử xinh đẹp, được Khang Hy ân sủng
Nghi phi có họ Quách Lạc La thị, xuất thân Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Từ nhỏ, bà đã nổi tiếng là một nữ nhân xinh đẹp mỹ miều khó ai sánh bằng, lại am hiểu cách nói chuyện lấy lòng người khác. Sau khi vào cung không bao lâu, bà đã được hoàng đế Khang Hy yêu thích, sinh cho Khang Hy 3 hoàng tử, theo thứ tự là Ngũ hoàng tử Dận Kỳ, Cửu hoàng tử Dận Đường và Thập Nhất hoàng tử Dận Tư.
Có thể nói, từ khi vào cung, Nghi phi liên tục được tấn phong, ân sủng, có thể sinh nhiều con cho Khang Hy, quyền lực lấn át một phương đều là nhờ vào nhan sắc diễm lệ và sự cơ trí của bà. Song, được sủng ái một thời không có nghĩa là được sủng ái một đời. Sau khi Khang Hy qua đời, vận mệnh bi thảm của Nghi phi cũng bắt đầu. Thời điểm Ung Chính đăng cơ, vị hoàng đế này đã không ít lần tàn nhẫn trừng phạt vị mẫu phi này.
(Ảnh minh họa)
Phi tử bị Hoàng đế Ung Chính ghi thù
Ghi chép lại cho thấy, ngay tại tang lễ của Khang Hy, Nghi phi đã phạm sai lầm khó bỏ qua. Bà báo bệnh rồi ngồi kiệu mềm 4 người khiêng đi tới. Không chỉ thế, Nghi phi còn dám ngang nhiên đi trước Hoàng thái hậu, khiến Ung Chính phải nhắc nhở phê bình công khai.
Không dừng lại ở đó, trong đám tang, Nghi phi ảo tưởng rằng mình vẫn còn quyền lực như trước, nói chuyện cùng Ung Chính đế với giọng điệu ngang ngược, so với Hoàng thái hậu lại càng kiêu căng, hống hách hơn. Trước khi rời khỏi đám tang, Nghi phi tiếp tục có thái độ ngạo mạn, không hề tôn trọng Hoàng thái hậu. Chuyện này đã khiến Ung Chính đế ghi thù.
Ngay sau khi tang lễ của Khang Hy đế xong xuôi, được một thời gian ngắn, Ung Chính kiếm cớ đuổi Nghi phi ra khỏi cung, ép bà phải đến ở phủ của con trai là vương gia Dận Kỳ. Tiếp đến, vương gia Dận Đường con trai của Nghi phi đoạt ngôi không thành cũng bị Ung Chính liệt vào danh sách cần phải loại bỏ. Kết quả, Dận Đường bị trừ bỏ khỏi tông tịch, đổi tên thành Tắc Tư Hắc. Cuối cùng, khi Ung Chính và Càn Long tôn phong phi tần tiền triều lên vị trí Thái phi thì Nghi phi cũng bị loại bỏ.
(Ảnh minh họa)
Đến năm Ung Chính thứ 10, vương gia Dận Kỳ bệnh nặng qua đời. Chẳng mấy chốc, Nghi phi cũng vì quá u sầu, chán ghét hiện thực mà đi theo con trai. Cứ như vậy, vị phi tử xinh đẹp từng được hoàng đế Khang Hy độc sủng, chiều chuộng buông tay rời bỏ nhân gian, đến cuối cùng cũng không có một cái kết mãn nguyện.