Học giả, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Đặng Xuân Viện (1880-1958), tục danh Bốn Đễ, các bút danh Phục Ba, Thiện Đình, Đặng Nguyên Khu, Đặng Viết Nhiêu; quê tại làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).
Ông là con thứ tư của cụ nghè Đặng Xuân Bảng (1828-1910; từng làm quan trải các chức Án sát, Bố chánh, Tuần phủ, Đốc học giai đoạn cuối thế kỷ XIX); thân sinh Tổng Bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907-1988).
|
Đọc "Tuyển tập du ký" của Đặng Xuân Viện, người đọc có thể cảm nhận được nỗi lòng tác giả trước thời cuộc. |
Đặng Xuân Viện học rộng nhưng không đỗ đạt, có làm Thừa phái tỉnh Hưng Yên và Hòa Bình trong mấy năm rồi xin nghỉ, sau tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân phong kiến bắt quản thúc ở quê nhà.
Ông cũng từng tham gia nhóm “Nam Việt Đồng Thiên Hội”, tích cực cộng tác với Nam phong tạp chí (1917-1934), Trung Bắc tân văn, Ngọ báo và biên soạn các sách, chủ yếu hoàn thành trước năm 1945: Hà phòng quản kiến, Vô danh anh hùng, Hữu danh anh hùng, Việt Nam kỷ thủy, Khổng học tri tân, Cải lương - Nguyên nhân, Nói có sách, Hán văn sơ học tiệp giải, Hành Thiện xã chí, Minh Đô sử,…
Gần một thế kỷ đã qua đi, bạn đọc ngày nay tìm về các trang du ký của Đặng Xuân Viện trên Nam phong tạp chí vẫn có thể cảm nhận được nỗi lòng tác giả trước thời cuộc và niềm vui trong những chuyến đi từ vùng biển đến non cao, từ đồng bằng Bắc Bộ đến miền Trung, từ nông thôn đến cố đô Huế.
Các tác phẩm du ký của Đặng Xuân Viện thể hiện niềm tin yêu và sự gắn bó sâu sắc với Nam phong tạp chí cũng như góp phần quan trọng vào thành công của thể tài du ký và tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Thực hiện "Tuyển tập du ký" của Đặng Xuân Viện, nhóm sưu tầm và giới thiệu tập trung sưu tập các tác phẩm xuất hiện trên Nam phong tạp chí, bao gồm những trang viết nằm ở trung tâm dòng chảy du ký cũng như ở đường biên thể tài, kể từ văn xuôi đến thơ ca và phần phụ lục tiểu thuyết ảo tưởng, in đậm thủ pháp truyền kỳ. Các tác phẩm sẽ được sắp xếp theo trình tự thời gian, nối tiếp từ năm 1929 đến 1933.
Theo nhóm sưu tầm và giới thiệu, vì đây là tuyển tập du ký của riêng Đặng Xuân Viện nên trong từng tác phẩm sẽ chỉ ghi tên tác giả theo văn bản gốc và không cần chú dẫn bút danh, bút hiệu, tên thật.
Về cơ bản, nhóm sưu tầm và giới thiệu giữ nguyên cách trình bày, cách viết, diễn đạt trong bản gốc. Một số trường hợp vi chỉnh chỉ nhằm thống nhất câu chữ theo quy cách ngữ pháp hiện hành và trong toàn sách.
Gặp trường hợp ghi niên đại theo thế thứ triều đại, niên hiệu và can chi, nhóm có bổ sung thêm năm dương lịch mà không cần thêm chú thích. Thứ tự cách đặt các phần chữ Hán - phiên âm - dịch nghĩa, dịch thơ cũng theo nguyên văn (không kể phần bổ sung). Với các chú dẫn cần thiết, đều ghi rõ trách nhiệm của người biên soạn.