‘Nói hay đừng’ của cây bút bình luận 'thích gây sự' Lý Sinh Sự

Google News

Gần 500 trang sách giới thiệu di sản tác phẩm báo chí tiêu biểu của nhà báo Lý Sinh Sự (Trần Đức Chính). Những người biên soạn coi đây là lời tri ân dành cho nhà báo gạo cội của nền báo chí cách mạng.

Nhà báo Trần Đức Chính (Lý Sinh Sự, Hà Văn) gác mục Nói hay Đừng trên báo Lao Động từ năm 1994. Bút danh Lý Sinh Sự gắn liền với những bài bình luận theo phong cách “thích gây sự”. Cho tới năm 70 tuổi, dù nghỉ hưu ông vẫn miệt mài viết bài cho mục này.

Nhà báo Trần Đình Thảo nhẩm tính Lý Sinh Sự viết khoảng trên dưới 6.000 bài Nói hay Đừng. “Ông đã gây sự với xã hội, với quan chức, với cơ chế, với những điều sai quấy trong cuộc sống và gây nghiền cho không ít bạn đọc”, nhà báo Trần Đình Thảo nói.

‘Noi hay dung’ cua cay but binh luan 'thich gay su' Ly Sinh Su

Vợ và con gái nhà báo Trần Đức Chính trong cuộc giao lưu ra mắt sách Nói hay đừng.

Nhà báo Lưu Quang Định - nguyên Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay, trưởng nhóm biên soạn - cho biết những người thân thiết nhận thấy hơn một năm trở lại đây, ông Chính yếu đi nên cả nhóm quyết định ra cuốn sách tri ân nhà báo lão thành. “Ông sinh ra để làm báo, viết như chơi. Ông là một trong những người hoạt ngôn nhất mà tôi đã gặp”, ông Định nói.

Nói hay Đừng dày 472 trang, gồm 4 phần. Phần I tập hợp 68 bài bình luận, tiểu phẩm báo chí đã đăng trên mục Nói hay Đừng. Phần II gồm 12 phóng sự với bút danh Trần Chinh Đức. Phần III gồm 57 bài viết tản mạn, chuyện dọc đường với bút danh Hà Văn. Phần cuối gồm các bài viết, hình ảnh kỷ niệm của 12 bạn bè, đồng nghiệp với nhà báo Trần Đức Chính.

‘Noi hay dung’ cua cay but binh luan 'thich gay su' Ly Sinh Su-Hinh-2

Các thế hệ đi sau kể những câu chuyện dí dỏm về nhà báo Trần Đức Chính.

“Văn phong độc đáo, dị biệt nhưng mạch lạc, dân dã, hóm hỉnh cuốn hút bạn đọc lạ kỳ”, nhà báo Trần Đình Thảo nhận định.

Sức khỏe đã không cho phép ông Lý Sinh Sự có mặt tại lễ ra mắt sách. Nhà báo Thiếu Mai - người bạn đời của ông - dành tình cảm ngưỡng mộ nhất cho ông. Trong mắt bạn đời, ông Trần Đức Chính một người có bút lực dồi dào và văn phong độc đáo.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - thành viên nhóm soạn thảo - hy vọng độc giả trẻ và cả thế hệ sau này có thể thông qua cuốn sách đọc được những tác phẩm xuất sắc của ông. Đó là lý do nhóm biên soạn lựa chọn các thể tài đa dạng trong sự nghiệp cầm bút của nhà báo Trần Đức Chính.

‘Noi hay dung’ cua cay but binh luan 'thich gay su' Ly Sinh Su-Hinh-3

Cuốn sách tập hợp di sản báo chí của nhà báo Trần Đức Chính.

“Chúng tôi rất khó khăn khi tìm lại những bài báo của ông từ thời xa xưa, không biết 20, 30 năm sau còn khó khăn đến mức nào. Cuốn sách chính là biên niên sử thú vị, hóm hỉnh mà sâu cay về một giai đoạn xã hội Việt Nam”, Đỗ Doãn Hoàng nói.

Tác phẩm góp phần làm rõ chân dung báo chí, chân dung cuộc đời của nhà báo Trần Đức Chính.

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967, từ 1968-1972, nhà báo Trần Đức Chính là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học Đại học Văn hóa Leeningrát (Liên Xô cũ).


Theo Nguyên Khánh/Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)