Nước Italia phát xít - đồng minh chính của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, chịu trách nhiệm về mặt trận Địa Trung Hải trong khối phát xít. Tuy nhiên trùm phát xít Italia, Benito Mussolini, cũng muốn trùm phát xít Đức trao cho binh lính của mình cơ hội chứng tỏ bản thân trong “cuộc thập tự chinh chống lại chủ nghĩa Bolshevik”.
Một quân đoàn viễn chinh 62.000 tên đã được gửi tới Mặt trận phía Đông. Lực lượng này đóng vai trò là cơ sở cho tập đoàn quân số 8 của Italia, với quân số khoảng 235.000 người, được thành lập vào mùa hè 1942.
Tuy nhiên người Đức không ấn tượng lắm với mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị Italia. Phía Italia hoàn toàn tỏ ra thiếu chuẩn bị cho tác chiến: Họ không có đủ xe, vũ khí hạng nặng, và đạn dược.
Quân Italia chiến đấu trên lãnh thổ Liên Xô cho đến khi nhận thất bại trên sông Đông vào cuối năm 1942.
Romania
Năm 1918, Romania lợi dụng tình hình hỗn loạn của Nội chiến Nga để sáp nhập Bessarabia, vốn là một phần trong Đế chế Nga kể từ năm 1812. Moscow không bao giờ quên tổn thất này và vào năm 1940, sau khi gây sức ép lên Bucharest bằng sự đồng ý ngầm của Berlin, đã giành lại sự kiểm soát đối với Bessarabia. Đồng thời, dưới sự bảo trợ của Đức, nhiều lãnh thổ rộng lớn của Romania cũng bị cắt cho Hungary và Bulgaria, những nước có tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất đó.
Khi mất tới 40% lãnh thổ, Đại Romania trong chốc lát không còn là “Đại” nữa.
Đệ tam Đế chế (tức Đức Quốc xã) đóng vai trò quan trọng trong sự mất mát trên của Romania, đã lập tức dụ dỗ đất nước bị suy yếu này về với phe mình. Khi tham gia cuộc chiến chống Liên Xô, Romania được hứa hẹn trả lại vùng đất Bessarabia đã mất (cũng như miền Bắc Bukovina, đã được nhượng cho Liên Xô) cũng như sự sáp nhập một bộ phận đáng kể của nước Ukraine Xô viết.
Hungaria
Động cơ chính thúc đẩy người Hungary gia nhập cuộc chiến của Đức ở phía đông là khát khao không đánh mất cái họ đã có, đó là vùng Bắc Transylvania, chứ không phải là giành thêm lãnh thổ mới.
Khu vực lớn này có cả dân Hungaria và Romania sống trộn lẫn với nhau. Đây từng là một phần thuộc Đế chế Áo-Hung cho tới cuối Thế chiến I. Bị sáp nhập vào Romania năm 1918, vùng đất này đã được Đức giao cho Hungary vào tháng 8/1940. Khi quân Romania cùng với quân Đức xâm lược Liên Xô, giới cầm quyền ở Budapest bỗng giật mình quan ngại rằng nếu Hungary nằm ngoài cuộc xung đột này, Hitler có thể xem xét lại số phận vùng Bắc Transylvania theo hướng có lợi cho Romania – bên ủng hộ Hitler.
Phần Lan
Phần Lan coi việc tham gia cuộc chiến của Đức chống lại Liên Xô như là sự tiếp nối cuộc Chiến tranh Mùa Đông 1939-1940, mà trong đó Phần Lan mất một phần lãnh thổ của mình, bao gồm vùng phía bắc của eo đất Karelia.
Tuy nhiên quân Phần Lan không dừng lại ở việc tái chiếm lãnh thổ đã mất. Họ chiếm một bộ phận đáng kể của vùng Karelia Xô viết, đồng thời phong tỏa thành phố Leningrad từ phía bắc.
Tổng thể, khu vực Liên Xô-Phần Lan của Mặt trận phía Đông là nơi yên tĩnh nhất trong toàn cuộc chiến. Thậm chí trong nội bộ Hồng quân có lời bông đùa lan truyền như sau: “Chỉ có 3 đội quân trên thế giới không chiến đấu: Quân đội Thụy Điển, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và tập đoàn quân Xô viết số 23”. Tập đoàn quân Xô viết số 23 là lực lượng có nhiệm vụ ứng phó với quân Phần Lan.
Tuy nhiên Phần Lan không có kết cục tương tự các đồng minh khác của Hitler như Romania, Hungary, và Bulgaria. Sau Thế chiến II, không có chế độ thân Liên Xô nào được thiết lập ở Phần Lan.
Thụy Điển
Trong Thế chiến II, Thụy Điển phải từ bỏ một phần chính sách trung lập.
Tự tuyên bố là quốc gia “không hiếu chiến”, Thụy Điển bắt đầu tích cực cung cấp cho Phần Lan vũ khí, đạn dược, và gửi một quân đoàn tình nguyện Thụy Điển đông hơn 8.000 người đi chiến đấu chống Hồng quân.
Tuy nhiên, Thụy Điển ít hứng thú với việc ủng hộ cuộc “Chiến tranh Tiếp diễn” mà Phần Lan phát động để chống Liên Xô, vì đây không còn là cuộc chiến vì sự sống còn và độc lập. Dẫu vậy, các đơn vị tình nguyện của Thụy Điển vẫn được gửi tới Mặt trận phía Đông.
Croatia
Vào tháng 4/1941, cái gọi là Quốc gia Croatia Độc lập đã được thiết lập trên đống đổ nát của Vương quốc Nam Tư bị đánh bại, xã hội Croatia bị chia làm đôi. Một số người tham gia phong trào kháng chiến đang phát triển nhanh chóng ở vùng Balkan, số khác (những người ủng hộ Ante Pavelić – thủ lĩnh tổ chức Quốc xã Ustaše) lại vui vẻ làm đại diện cho chính sách của phát xít Đức.
Hitler ban đầu không có ý định đưa các đơn vị Croatia vào chiến dịch Barbarossa nhưng cuối cùng lại đồng ý với yêu cầu của Pavelić xin được có cơ hội tham gia cuộc đấu tranh “của các quốc gia yêu chuộng tự do chống lại chủ nghĩa cộng sản”.
Trung đoàn bộ binh tăng cường Croatia 369, quân số lên đến 4.000 người, cũng như lực lượng lê dương không quân và hải quân Croatia đã sang Mặt trận phía Đông tham chiến.
Trung đoàn Croatia là đơn vị nước ngoài duy nhất được Đức trao vai trò trực tiếp trong việc tấn công Stalingrad.
Tây Ban Nha
Cuộc tấn công của Đức nhằm vào Liên Xô ngày 22/6/1941 đã gây ra sự phấn khích đặc biệt ở Tây Ban Nha. Cùng ngày đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Ramón Serrano Suñer thông báo cho Đại sứ Đức tại Madrid rằng nước ông ta hoan nghênh điều vừa xảy ra và sẵn sàng giúp đỡ Đức bằng cách gửi tới đó quân tình nguyện.
Động cơ những người Tây Ban Nha sang Mặt trận phía Đông rất đa dạng. Có kẻ muốn giải quyết ân oán quá khứ với người Nga vì đã can thiệp vào Nội chiến Tây Ban Nha. Số khác thì đơn giản là căm ghét cộng sản. Cũng có những người thấy đây là phương tiện để “chuộc lỗi” cho quá khứ Cộng hòa của mình, và số khác vẫn bí mật trung thành với nền Cộng hòa bị đánh bại, hy vọng sẽ đào tẩu sang Hồng quân khi tới được vùng chiến sự.
Tổng cộng 50.000-70.000 lính Tây Ban Nha phục vụ trong Sư đoàn bộ binh 250, còn được biết đến với cái tên Sư đoàn quân tình nguyện Tây Ban Nha, hoặc gọi ngắn gọn là “Sư đoàn Xanh” trong suốt thời kỳ tham chiến chống lại Liên Xô. Bên cạnh đó, một “Phi đoàn Xanh” hoạt động trên bầu trời Liên Xô và đã bắn hạ tới hơn 150 máy bay Xô viết.
Slovakia
Mùa xuân năm 1939, nước Đức Quốc xã giáng đòn chí tử vào nước Tiệp Khắc đã bị suy yếu sau khi bị các nước phương Tây bỏ rơi. Đức khi đó bảo trợ cho sự ra đời của một nước cộng hòa Slovakia “độc lập”. Dù mang tính hình thức, đây vẫn là nhà nước đầu tiên của người Slovakia trong lịch sử của họ. Không phải người Slovakia nào cũng hài lòng trước thực tế tổ quốc của họ trở thành một nước chư hầu của phát xít Đức.
Slovakia không có lý do gì để tấn công Liên Xô và Đức cũng không có kế hoạch đưa Slovakia vào cuộc chiến này, mà chỉ coi Slovakia như vùng trung chuyển.
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Jozef Tiso tình nguyện chiến đấu bên cạnh Đức Quốc xã ở Mặt trận phía Đông. Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Mach tuyên bố “người Slovakia đảm nhiệm vị trí của mình trong việc bảo vệ văn hóa châu Âu”.
Nhưng thực tế khác xa với tuyên truyền. Quân Slovakia tỏ ra kém tin cậy nhất trong các đồng minh của Đức ở Mặt trận phía Đông. Họ đã đào tẩu hàng loạt sang phía Hồng quân và du kích Xô viết để đánh lại chính quân Đức.
Pháp
Jacques Doriot, thủ lĩnh đảng phát xít Bình dân Pháp, bình luận về việc Đức xâm lược Liên Xô vào mùa hè 1941 như sau: “Cuộc chiến này là của chúng ta, chúng ta sẽ thấy nó diễn biến đến cùng, đến bờ thắng lợi”.
Rất nhiều tổ chức khác nhau cộng tác với Đức đã hoạt động trên lãnh thổ Pháp bị Đức chiếm đóng và chế độ bù nhìn Vichy thực sự là động lực chính đằng sau việc đưa quân Pháp sang Mặt trận phía Đông.
Tuy nhiên tổng thể xã hội Pháp không ủng hộ việc hợp tác này cũng như không ủng hộ chiến tranh chống Liên Xô. Trong toàn bộ thời kỳ tồn tại “Đội quân lê dương Pháp tình nguyện chống Bolshevik”, có không quá 7.000 kẻ đăng ký gia nhập lực lượng này.
Tuyên truyền của Đức và Pháp không ngừng nói rằng những tên lính lê dương này là con cháu của Đại quân Napoleon năm xưa, kêu gọi “khôi phục danh sự và vinh quang của tổ tiên”.