Những ông hoàng tuổi Hợi tai tiếng nhất lịch sử Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Lịch sử phong kiến Việt Nam chứng kiến không ít vị vua tuổi Hợi tài năng, đức độ song toàn; song cũng có những đế vương tuổi Hợi lại khiến hậu thế ngỡ ngàng vì những việc làm tiêu cực, thậm chí gây họa cho giang sơn.

Lê Trang Tông – vị vua mang biệt danh “chúa Chổm”
Lê Trang Tông tên thật là Lê Ninh (có sách ghi là Lê Duy Ninh), lại có tên khác là Lê Huyến, Lê Hiến, hoặc Lê Quang Hoà. Theo sách sử, ông sinh năm Ất Hợi (1515), là con của Lê Chiêu Tông, mẹ là Phạm Thị Ngọc Quỳnh, người Cao Trì, huyện Thuỵ Nguyên (nay là Ngọc Lạc, Thanh Hoá). Theo dã sử và giai thoại dân gian thì Lê Trang Tông khi chưa làm vua, có biệt danh là chúa Chổm, mẹ vua (không rõ họ tên) người ở làng Kim Lũ (làng Lủ) gần bên sông Tô Lịch (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội). Một giai thoại khác kể mẹ vua là con gái ông Bùi Khả Trung người Châu Hoan (nay là Nghệ An, Hà Tĩnh), làm quản ngục cho nhà Mạc đã đưa con gái lẻn vào hầu vua Lê Chiêu Tông để giữ lại dòng dõi, nay còn thờ bà ở đền Ðức Hoàng ở xã Yên Sơn, huyện Ðô Lương, Nghệ An.
Ngoài ra có thuyết nói mẹ “chúa Chổm” là Bùi Thị Ngọc, một phi tần của Lê Chiêu Tông. Bấy giờ nhà Hậu Lê suy yếu, quyền lực trong triều nằm trong tay quyền thần Mạc Đăng Dung, vua bị lấn lướt, đè nén; các hoàng thân, quốc thích, quan lại có ý chống lại họ Mạc đều bị bức hại, nếu không cũng phải bỏ trốn để giữ thân. Lúc đó, bà Bùi Thị Ngọc đang có mang, sợ vận nhà Lê khó mà giữ nổi nên bí mật rời khỏi cung lánh về quê nhà tại Nghệ An sinh ra một con trai đặt tên là Chổm.
Nhung ong hoang tuoi Hoi tai tieng nhat lich su Viet Nam
 Chúa Chổm Lê Trang Tông. (Hình minh họa – Nguồn: nxbmythuat). 
Nhà nghèo, Chổm phải đi làm thuê và kiếm củi nuôi mẹ, những lần vào thành bán củi thường la cà vào ăn ở các quán cơm cửa ô. Chổm ăn hàng nào là hàng ấy hôm đó bán đắt như tôm tươi. Vậy nên các hàng thi nhau chèo kéo mời Chổm ăn, uống rượu và sẵn sàng cho chịu. Ðược thể, Chổm đánh chén hoang tàn tiêu pha bạt mạng, nợ đìa khắp nơi. Ai đòi, Chổm cũng chỉ bảo: “- Chờ lúc tôi làm nên sẽ trả”.
Số nợ của Chổm ngày càng nhiều, chưa kể lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều không thể trả nổi. Về sau, Chổm được Nguyễn Kim tìm đón về làm vua, đánh thắng nhà Mạc trở lại Thăng Long. Nghe tin ấy các chủ hàng cơm rượu ùn ùn kéo đến chào đón và đòi nợ cũ, vua sai quan lính lấy tiền trả họ, từ giai thoại này mới có câu tục ngữ “Nợ như chúa Chổm” và câu ca dao:
Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng,
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.
Chúa Chổm mắc nợ tì tì,
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô.
Vị vua tuổi Hợi này lên ngôi tháng Giêng năm Tân Mão (1533), ở ngôi đến tháng Giêng năm Mậu Thân (1548), làm vua 15 năm, đặt một niên hiệu là Nguyên Hoà, mất ngày 29 tháng Giêng năm Mậu Thân (1548), thọ 33 tuổi. Đánh giá về ông, sử viết như sau: “Vua gặp vận gian truân, phải đi lánh nạn, nhờ được bề tôi cũ tôn lập, bên ngoài kết nước láng giềng, bên trong dùng được tướng giỏi cho nên người đều vui lòng làm việc, nền móng trung hưng gây ra từ đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Mạc Mục Tông ăn chơi khiến vương triều suy vong
Mạc Mục Tông tên thật là Mạc Mậu Hợp, sinh tháng 2 năm Quý Hợi (1563), là con trưởng của Mạc Tuyên Tông, thân mẫu họ Bùi (không rõ tên).
Theo các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì Mạc Mục Tông lên ngôi tháng 12 năm Tân Dậu (1561), đến tháng giêng năm Nhâm Tuất (1562) thì đặt niên hiệu, trong khi đó sách Đại Việt thông sử và một số tài liệu lại ghi ông lên ngôi ngày mồng 8 tháng 2 năm Giáp Tý (1564) khi mới 2 tuổi. Trong thời gian ở ngôi, ông đã đặt sáu niên hiệu là Thuần Phúc (1562 – 1565), Sùng Khang (1566 – 1577), Diên Thành (1578 – 1585), Đoan Thái (1586 – 1587), Hưng Trị (1588 – 1590), Hồng Ninh (1591 – 1592).
Nhung ong hoang tuoi Hoi tai tieng nhat lich su Viet Nam-Hinh-2
 Tượng vua Mạc Mục Tông. (Hình minh họa – Nguồn: mactoc). 
Triều Mạc suy yếu kể từ thời gian cai trị của Mạc Mục Tông, việc ăn chơi hưởng lạc, bỏ bê triều chính của ông đã dẫn đến kết cục đó. Thậm chí vì ham gái đẹp mà Mạc Mục Tông có lần lập mưu định giết danh tướng của mình là Bùi Văn Khuê để cướp vợ của ông ta nhưng không thành, tuy nhiên nó đã khiến một bộ phận quân tướng bỏ Mạc theo Lê. Sử sách chép rằng: “Mạc Mậu Hợp ngày càng buông tuồng, du đãng, tửu sắc bừa bãi” (Đại Việt sử ký toàn thư), “chỉ ham chơi bời, say đắm tửu sắc, không để ý đến việc nước” (Đại Việt thông sử).
Năm Nhâm Thìn (1592) quân nhà Lê mở cuộc tổng phản công đánh ra bắc, quân Mạc thua to. Mạc Mục Tông bỏ chạy khỏi Thăng Long rồi trốn vào ngôi chùa Mô Khuê ở Phượng Nhãn (nay thuộc huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nhưng không thoát, bị bắt đưa về Thăng Long treo sống 3 ngày, sau đó bị chém đầu tại bãi Bồ Đề (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội), thủ cấp bị đưa vào Thanh Hóa, hai mắt bị đóng rồi bêu ở ngoài chợ.
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca viết về giai đoạn này như sau:
Xuất binh vừa gặp cơ trời,
Đường ghềnh len lỏi ra ngoài Thiên Quang.
Trường khu một lối duyên san,
Huyện châu gió lướt, Trường An lửa nồng.
Bỏ thành Mạc chạy qua sông,
Đuổi sang Phượng Nhãn đường cùng mới thôi.
Kể từ ngụy Mạc tiếm ngôi,
Năm đời truyền kế sau mươi năm chầy.
Trần ai quét sạch từ rày,
Về kinh ban yến, tiệc bày thưởng công.
Lê Thái Dũng

>> xem thêm

Bình luận(0)