Theo quan niệm dân gian, người tuổi Dậu là những người cứng rắn, mạnh mẽ, tự tin, trung thực, thẳng thắn nhưng khá nóng nảy, kiêu ngạo… Trong lịch sử các triều đại Việt Nam, có một số vị vua tuổi Dậu và điều lạ tất cả họ đều là những người nổi tiếng ở cả hai thái cực: danh tiếng và tai tiếng.
Hùng Chiêu Vương – người sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày
Hùng Chiêu Vương là một trong những vị vua huyền thoại của nước Văn Lang, ông chính là nhân vật Lang Liêu trong sự tích bánh chưng, bánh dày. Theo một số bản thần tích, ngọc phả về các đời vua Hùng thì Hùng Chiêu Vương tên húy là Lang Liêu (có bản chép là Quốc Lang, Lang Liêu Lang).
Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) cho biết vua sinh ngày mồng 10 tháng 10 năm Tân Dậu, là vị vua đầu tiên của ngành vua thứ 7 (ngành này truyền được 5 đời vua, thời gian cai trị 200 năm). Đến các triều đại sau này, nhằm tôn vinh và bày tỏ sự sùng kính, ngưỡng vọng tổ tiên nên các vua Hùng được suy tôn từ vương hiệu lên đế hiệu, Hùng Chiêu Vương được tôn phong là Hùng Chiêu Vương Minh Tông Thần Công Hoàng đế.
Vị vua Hùng này là người rất quan tâm đến nghề nông, thấy cách trồng lúa của dân đem lại hiệu quả không cao mới bày cách cho dân đắp bờ giữ nước, cách gỡ hạt, gieo mạ. Khi mạ lên xanh thì đem cấy xuống ruộng nước; dân từ đó làm theo, kết quả thóc lúa thu hoạch nhiều, đời sống sung túc, no nê. Nhà vua còn lập kho chứa thóc ở Nông Trang, mở chợ mua bán thóc gọi là chợ Lú (lúa)… Tương truyền Đồng Lú thuộc xã Minh Nông ở Việt Trì (Phú Thọ) ngày nay chính là nơi Hùng Chiêu Vương dạy dân gieo mạ, cấy lúa.
Truyền rằng nhờ sáng tạo ra hai loại bánh: bánh chưng, bánh dày mà Lang Liêu được truyền ngôi. Từ đó, vào ngày lễ tết, vua Hùng thường đem bánh chưng, bánh dày dâng cúng lên tổ tiên, người dân cũng bắt chước làm theo và dần trở thành một phong tục đẹp lưu truyền đến tận ngày nay. Do hai loại bánh thường có trong dịp Tết nên được gọi là Tiết Liệu để ghi nhớ đến Lang Liêu, người làm ra bánh. Theo Hán tự, chữ “tiết” viết gần giống chữ “Lang”, chữ “liệu” âm gần giống chữ “Liêu”; từ đó về sau Tiết Liệu là từ dùng để chỉ chung các loại đồ ăn trong ngày Tết.
Đánh giá về vị vua Hùng thứ 7, thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) có đoạn viết rằng: “Bấy giờ vua cai trị, thiên hạ thanh bình, chư hầu phục tùng, dân không cướp trộm, không thu thuế, dân đinh mỗi suất nộp tiền 36 văn nhập vào công khố”. Còn trong một tài liệu khác là bản Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời thánh vương triều Hùng cho biết Hùng Chiêu Vương là người “chăm lo chính sự, thừa hưởng thanh thế đàng hoàng để lại, cho treo cung án giáp, không dùng đến võ bị, chỉ chăm lo dưỡng dân, tu sửa giáo hóa”.
|
Hùng Vương trị quốc. Hình minh họa. Nguồn: hungsuviet. |
Hùng Nghị Vương – vui hưởng thái bình, họa ngoài xuất hiện
Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) chép rằng Hùng Nghị Vương tên húy là Bảo Quang Lang, sinh ngày 15 tháng 8 năm Ất Dậu. Ông là vị vua Hùng đầu tiên của ngành thứ 17 (ngành này truyền được 4 đời vua cai trị trong 160 năm), đời sau suy tôn đế hiệu cho ông là Hùng Nghị Vương Thụy Tông Nam Triều Hoàng đế.
Nhận định về Hùng Nghị Vương, thần tích xã Vi Cương viết như sau: “Vua trị nước, giữ gìn hồng phúc dài lâu, người dân không phải như bầy cáo chuột. Dân đinh mỗi suất nộp tiền 3 mạch, giao tại công khố, ruộng một mẫu thu thuế 10 văn, 50 suất đinh chọn một suất lính”.
Tuy nhiên, vì vui hưởng thái bình lâu dài, dần dần Hùng Nghị Vương bỏ bê chính sự nên ngoại bang bắt đầu nhòm ngó cơ đồ, mưu toan xâm phạm lãnh thổ. Trong Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời thánh vương triều Hùng cho biết: “Trải 16 đời đều được khen là thịnh trị, bình an. Đến đời thứ 17 là Hùng Nghị Vương do thừa hưởng cơ đồ nhiều đời yên bình, nên đâm mê rượu chè, cờ bạc, vui thú du chơi, không chú trọng võ bị. Thục Vương nghe tin trong nước thường không dụng võ, muốn chiếm cơ đồ nhưng sợ nước Nam có thần kiếm, đành do dự chưa dám”.
Sau đó Thục Vương đem quân xâm phạm bộ Ai Lao, chúa Phụ đạo bộ Ai Lao vội cho người đi cầu cứu, Hùng Nghị Vương liền xuất quân; thấy vậy quân Thục sợ mà lui, xin giảng hòa định ước. Tương truyền, Hùng Nghị Vương mất vào ngày 11 tháng 8 (không rõ năm); đời sau truy tôn là Hùng Nghị Vương Thụy Tông Nam Triều Hoàng đế.
Trần Nghệ Tông – không thích làm vua vẫn phải lên ngôi
Trần Nghệ Tông tên thật là Trần Phủ (tên khác là Trần Chân), sinh tháng 12 năm Tân Dậu (1321), là con thứ ba của Trần Minh Tông, thân mẫu là Minh Từ hoàng phi họ Lê.
Theo sách sử, khi chưa làm vua, Trần Phủ có tước phong là Cung Định Vương, được ca ngợi là người tính tình thuần hậu, hiếu thảo, cần kiệm, thích sự thanh đạm.
Tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), Trần Dụ Tông vì say đắm tửu sắc mà lâm bệnh mất, thọ 33 tuổi, con rể của Trần Phủ là Trần Nhật Lễ được đón lên ngôi. Tuy nhiên, triều đình cho rằng Nhật Lễ không phải là con cháu hoàng gia mà thực ra là con một người phường trò họ Dương; một số hoàng thân, quan lại tập hợp lực lượng định giết Nhật Lễ nhưng không thành, nhiều người bị bắt, giết. Trong hoàn cảnh đó, sợ bị vạ lây, Cung Định Vương Trần Phủ đã bỏ trốn; em ông là công chúa Thiên Ninh và Cung Tuyên vương Trần Kính dấy quân dẹp loạn, mặc dù cố từ chối nhưng vì bị thúc ép nên ông đành nhận làm minh chủ rồi bị ép phải ngôi để dẹp loạn Nhật Lễ.
Theo sách Nam Ông mộng lục, Trần Phủ khóc mà nói rằng không muốn làm vua, quần thần nên tìm người khác. Bấy giờ “mọi người xôn xao, ai cũng khẩn khoản dâng lời, thề chết chứ không chịu đổi ý, cố nài bằng được Thái sư trở về. Nói rồi họ dùng vai làm kiệu, rước Thái sư xuống núi. Kẻ gần người xa kéo về, tiếng hoan hô vang động cả một góc trời”.
Sau khi bắt được Nhật Lễ trị tội chết, vì không muốn làm vua nên ở ngôi mới được gần hai năm, tháng 11 năm Nhâm Tý (1372) Trần Phủ (tức Trần Nghệ Tông) nhường ngôi cho em là Trần Kính để lên làm Thái thượng hoàng trong 22 năm (1372-1394). Sách Đại Việt sử ký tiền biên viết: “Vua dẹp yên nội loạn, khôi phục cơ đồ; trung hưng cơ nghiệp, rạng rỡ đất trời, tính tình điềm đạm, không coi việc được lên ngôi vua làm vui. Cũng là bậc vua hiền cuối thời nhà Trần. Chỉ tiếc là lòng nhân từ có thừa, mà tính cương quyết không đủ. Giặc bên ngoài xâm lấn kinh kỳ, gian thần bên trong nhòm ngó ngôi báu, cơ nghiệp nhà Trần ngày một mòn mỏi cho đến lúc mất”.
Ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất (1394) Trần Nghệ Tông mất, thọ 73 tuổi, triều đình đặt thụy hiệu là Quang Nghiêu Anh triết hoàng đế.
Lê Nhân Tông – vua tài từ thuở bé thơ
Lê Nhân Tông tên thật là Lê Bang Cơ, sinh ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu (1441), là con thứ 3 của Lê Thái Tông; thân mẫu là Tuyên Từ Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh.
Khi vua cha đột ngột qua đời, Lê Bang Cơ được lên ngôi kế vị vào tháng 12 năm Nhâm Tuất (1442), lúc đó mới hơn 1 tuổi nên phải nhờ Thái hậu buông rèm nhiếp chính nhưng lớn lên một chút đã biết cố gắng học hỏi, quan tâm đến chính sự. Sử sách viết về vua như sau: “Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
|
Lê Nhân Tông – vị hoàng đế trẻ thơ. Hình minh họa. Nguồn: violet. |
Lê Nhân Tông có người anh cả là Lê Nghi Dân, từng được lập làm Thái tử nhưng sau bị truất làm Lạng Sơn vương, bởi thế Lê Nghi Dân rất căm tức, âm thầm chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ để đoạt lại ngai vàng. Đêm ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng viên chỉ huy sứ Lê Đắc Ninh cùng các thủ hạ tin cậy là Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng và hơn 100 quân ban đêm bắc thang chia làm ba đường vào cung cấm giết chết Lê Nhân Tông để cướp ngôi, năm đó Lê Nhân Tông mới gần 17 tuổi.
Đánh giá về vị vua này, sử sách bày tỏ sự tiếc nuối như sau: “Nhân Tông lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng 17 năm, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vua nhân từ. Đến lúc cuối đời bị lũ vô lại Đồn, Ban xướng xuất, khiến Lệ Đức hầu Nghi Dân đang đêm bắc thang trèo thành, lẻn vào cung cấm, vua và Tuyên Từ hoàng thái hậu đều bị hại. Thương thay!” Đại Việt sử ký toàn thư).
Trên văn bia dựng tại lăng của ông cũng có viết: “Vua thần sắc anh tuấn, dáng điệu đường hoàng. Mỗi khi tan chầu, tự đến Kinh diên nghe giảng, mặt trời lặn mới thôi. Khi đã tự mình trông coi chính sự thì lễ tế thần linh, truy thờ tông miếu. Đối với Thái hậu dốc lòng hiếu thảo, đối với anh em trọn nghĩa yêu thương. Hoà thuận với họ hàng, kính lễ với đại thần, tôn sùng đạo Nho, xét những lời thiển cận, nhận những lời can trung, chăm nom chính sự, thận trọng thưởng phạt, coi trọng nghề nông, chú ý nền gốc, hết lòng thương dân, không thích xây dựng, không mê săn bắn, không gần thanh sắc, không ham tiền của, hậu với người bạc với mình, trong ấm ngoài êm... Cho nên chính trị hay, giáo hóa tốt ban khắp ra bốn biển, sinh linh mến đức, đời được thái bình. Ngày băng thình lình, trăm họ như mất cha mất mẹ. Ôi tư chất của vua như vậy mà gặp phải tai biến như vậy, thì chẳng phải là trời đất rộng lớn dường ấy mà loài người vẫn còn có chỗ đáng tiếc đó sao?”.
Lê Hiển Tông – vị hoàng đế của những kỷ lục
Lê Hiển Tông tên thật là Lê Duy Diêu (tên khác là Lê Duy Đào), sinh tháng 4 năm Đinh Dậu (20/5/1717), là con trưởng của Lê Thuần Tông, thân mẫu là hoàng phi Đào Thị Ngọc Nhiễu.
Khi còn là hoàng tử, vì có người chú là hoàng thân Lê Duy Mật nổi binh đánh lại họ Trịnh nhằm khôi phục quyền lực cho vua Lê, do đó ông bị chúa Trịnh Giang nghi ngờ đem bắt và giam cầm ở nhà viên quan nội thị Hồng quận công. Năm Canh Thân (1740) Trịnh Doanh lên ngôi chúa mới chuyển hoàng tử đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Đêm trước đó, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình” (Hoàng Lê nhất thống chí). Sáng hôm sau thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về, ép chú ruột của ông là Lê Ý Tông nhường ngôi cho.
Lê Hiển Tông lên ngôi ngày 21 tháng 5 năm Canh Thân (1740), ông làm vua đến tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), ở ngôi 46 năm và là người làm vua lâu nhất triều Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng của ông cũng là niên hiệu được sử dụng trong thời gian lâu nhất.
Thời gian ở ngôi, Lê Hiển Tông cho mở nhiều khoa thi nhất trong lịch sử với tổng cộng 16 khoa thi, lấy đỗ 131 Tiến sĩ. Ông cũng là vị vua vua cho đúc và phát hành nhiều loại tiền nhất với hơn 16 loại như: Cảnh Hưng Thông Bảo, Cảnh Hưng Trung Bảo, Cảnh Hưng Chí Bảo… Vị vua này còn nhiều kỷ lục thú vị khác, trong đó có chuyện ông là vị vua có nhiều con rể làm vua nhất. Lê Hiển Tông có nhiều con gái, trong đó công chúa Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung 1788-1792), công chúa út là Ngọc Bình gả cho Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh 1793-1802), về sau Ngọc Bình là trở thành phi tử của vua Gia Long (1802 – 1819) nhà Nguyễn.
Ngày 17 tháng 7 năm Bính Ngọ (1786) Lê Hiển Tông bị bệnh mất, thọ 69 tuổi. Ông là một trong số những vị vua có tuổi thọ cao nhất và là vị vua thọ nhất triều Hậu Lê.
Nguyễn Thái Tổ - Vị vua, vị tướng bách chiến bách thắng
Nguyễn Thái Tổ tên hồi nhỏ là Hồ Thơm, lớn lên đổi sang họ Nguyễn lấy tên là Nguyễn Văn Thơm rồi sau đổi thành Nguyễn Huệ (ông còn có những tên gọi khác là Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Quang Bình). Vua sinh năm Qúy Dậu (1753), là em của vua Nguyễn Thái Đức (Nguyễn Nhạc); ông là con thứ (có sách chép là con thứ hai, hoặc con thứ ba, sách thì chép là con thứ 7) của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng.
Năm Tân Mão (1771) anh em Nguyễn Huệ dấy cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn, lực lượng ngày càng lớn mạnh, có sự tham gia của đông đảo dân chúng bao gồm người Kinh, người Thượng, người Hoa…Quân Tây Sơn lần lượt đánh đổ chính quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, lật đổ cơ đồ của vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh bại quân xâm lược Xiêm La ở miền Nam và đập tan tham vọng bành trướng của quân Mãn Thanh ở miền Bắc. Với những chiến tích lẫy lừng đó, vai trò của Nguyễn Huệ rất lớn, có tính chủ đạo. Từ khi chỉ là một viên tướng, sau trở thành hoàng đế, dự nhiều trận đánh lớn nhỏ, chưa bao giờ Nguyễn Huệ thất bại, chiến thuật thần tốc, bất ngờ, cách đánh táo bạo, sáng tạo của ông khiến kẻ thù kinh hoàng, khiếp vía.
|
Quang Trung – vị hoàng đế với thanh gươm, yên ngựa. Hình minh họa. Nguồn: hoasivietnam. |
Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế vào ngày 22 tháng 11 năm Mậu Thân (19/12/1788), đặt niên hiệu là Quang Trung; ông làm vua được 4 năm thì mất đột ngột vào năm Nhâm Tý (1792), thọ 39 tuổi. Thời gian vua qua đời, các sách sử ghi chép không thống nhất, như sách Lê quý dật sử, Tây Sơn thực lục và Dụ Am ngâm lục ghi là ngày 30 tháng 7. Sách Hoàng Lê nhất thống chí chỉ ghi là tháng 8; còn các sách như Đại Nam chính biên liệt truyện, Tây Sơn thủy mạt khảo… lại ghi rằng Nguyễn Huệ qua đời vào ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Tý (1792), một số tài liệu thì ghi ngày đó là ngày 16 tháng 9…
Nguyên nhân cái chết của Nguyễn Thái Tổ cũng là một bí ẩn, có sách chỉ ghi là “mắc bệnh nặng” (không rõ bệnh gì), có thuyết nói ông bị đầu độc, thuyết khác lại cho rằng ông bị bệnh huyễn vực (một dạng trúng gió), có người nêu nguyên nhân là do xuất huyết não (theo cách gọi của y học hiện nay)…Sau khi Nguyễn Thái Tổ mất, triều đình đặt thụy hiệu cho ông là “Thái Tổ võ hoàng đế”.
Sau này, trong mấy thập kỷ gần đây có rất nhiều lời ca ngợi vua Nguyễn Thái Tổ (thường gọi là vua Quang Trung) về tài dụng binh, về trí tuệ… của ông. Nhưng sau khi vương triều Tây Sơn chấm dứt, triều đại kế cận đã tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc nhưng mặc dù có những ghi chép thiên lệch, sử sách viết vào thời Nguyễn cũng phải thừa nhận những đặc điểm nổi bật của vua Quang Trung, sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết: “Huệ tiếng nói như chuông, đôi mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh, giảo hoạt, giỏi chiến đấu, người người đều sợ”. Một cuốn sách khác là Tây Sơn thuật lược cũng viết về ông như sau: “Con mắt nhỏ nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu. Lúc lâm trận thì thế thắng uy, anh hùng lẫm liệt cho nên mới bình định phương Nam, dẹp phương Bắc, tiến đến đâu, không ai hơn được”.
Trong sách Hoàng Lê nhất thống chí cũng chép: “Nguyễn Huệ là tay anh hùng lão luyện, dũng mạnh và có tài cầm quân, xem ông ta ra Bắc vào Nam ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết… ”.