Những vị vua tuổi Hợi tài ba vang danh sử Việt

Google News

(Kiến Thức) - Theo tử vi và quan niệm dân gian, những người tuổi Hợi tính tình hiền lành, thật thà, ngay thẳng, tốt bụng. Họ dễ xúc động, ưa làm việc thiện, lúc nào cũng thanh thản, nhàn nhã. Hãy thử xem những vị vua tuổi Hợi trong lịch sử Việt Nam có mang đặc điểm này hay không?

Hùng Việt Vương, vị vua đầu tiên của ngành thứ 13
Sách Việt sử tiêu án có đoạn viết về thời đại Hùng Vương như sau: “Nước ta đương thời Lạc Hùng, vua thì mang cái đức hòa, yên lặng vô vi mà dạy bảo dân vẽ mình, uống nước bằng mũi, dân không có những sự phiền nhiễu về việc thôi đốc thuế má, không phải giam giữ. Vua và dân tương thân nhau trong cuộc đời đến vài nghìn năm, có thể gọi là đời chí đức, nước cực lạc”.
Vị vua của ngành thứ 13 trong số 18 ngành vua triều Hùng là Hùng Việt Vương. Trong bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua Hùng, theo đó vua đầu tiên ngành thứ 13 “tên húy là Tuấn Lang, ở ngôi 105 năm, thọ 502 tuổi. Sinh ngày mồng 10 tháng 10 năm Kỷ Hợi, mất ngày 15 tháng 11. Sinh con trưởng Định Vương lên nối ngôi, truyền 5 vương cai trị.
Nhung vi vua tuoi Hoi tai ba vang danh su Viet
Vua Hùng nước Văn Lang. (Hình minh họa – Nguồn: zd).  
Hùng Việt Vương có 31 cung phi, sinh được 27 hoàng tử, 30 công chúa; hoàng tôn miêu duệ sinh cháu chắt được 541 người. Vua trị nước, thiên hạ thái bình, dân không giả dối; đinh mỗi suất nộp tiền thuế 1 mạch, nhập công khố”.
Bản Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời thánh vương triều Hùng, soạn vào tháng 3 năm Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông cho biết các triều đại sau này đã suy tôn đế hiệu cho Hùng Việt Vương là Hùng Việt Vương Hoàng Tông Thượng Giác Hoàng đế.
Đào Lang Vương và ý chí phục quốc
Đào Lang Vương tên thật là Lý Thiên Bảo, các bộ chính sử của nước ta đều viết ông là anh của Lý Bí (Lý Nam Đế), xuất thân trong gia đình “đời đời là hào hữu”, quê ở đất Thái Bình, phủ Long Hưng (nay được xác định là làng Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Theo bản thần tích “Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ lục” ở đình làng Giang Xá (Thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thì năm Lý Bí lên 5 tuổi, Lý Thiên Bảo 11 tuổi thì cha qua đời vì bạo bệnh; 2 năm sau thì mẹ mất. Lấy năm sinh của Lý Bí theo như thần tích nói trên cho biết là năm Quý Tỵ (513) thì có thể suy đoán năm sinh của Lý Thiên Bảo là năm Đinh Hợi (507).
Vị vua tuổi Hợi này tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí ngay từ thời gian đầu, sau trở thành võ quan của nhà nước Vạn Xuân độc lập. Cuối năm Bính Dần (546), trước sức mạnh của quân xâm lược nhà Lương, Lý Nam Đế phải rút về động Khuất Lão (nay thuộc huyện Tam Nông, Phú Thọ) rồi ủy thác việc chống giặc cho tướng Triệu Quang Phục. Trong khi đó “Thiên Bảo cùng với tướng người cùng họ là Lý Phật Tử đem 3 vạn quân vào Cửu Chân, Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, Thiên Bảo thua, mới thu nhặt quân sót lại được 1 vạn người chạy sang đất người Di Lão ở Ai Lao, thấy động Dã Năng ở đầu nguồn sông Đào Giang, đất rộng mầu mỡ, có thể ở được, mới đắp thành để ở, nhân tên đất ấy mà đặt quốc hiệu. Đến nay quân chúng tôn làm chúa, xưng là Đào Lang Vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Ông làm vua đến năm Ất Hợi (555) thì qua đời, ở ngôi được 7 năm. Ghi chép, đánh giá về Đào Lang Vương, các sách sử viết khác nhau, trong Đại Việt sử ký tiền biên đánh giá như sau: “Đào Lang Vương là anh ruột của Nam Đế, giữ nghĩa cứu giúp khi hoạn nạn, tập hợp người cùng chí hướng, theo đuổi trong buổi gian nan. Đến khi vua [Nam Đế] mất, không kịp nhất tề vùng lên. Tuy ở Ái châu không lập được công, chưa địch được với Bá Tiên, nhưng đã giữ được những chỗ hiểm dựng thành một nước, mưu sự bảo tồn trong khi diệt vong. Trong 7-8 năm, dòng họ Lý mỏng manh như sợi chỉ, không bị tuyệt hẳn thì không thể gọi là không có chí được”.
Lý Thánh Tông, người đặt tên nước là Đại Việt
Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, sinh ngày 25 tháng 2 năm Qúy Hợi (1023), ông là con trưởng của Lý Thái Tông, mẹ là Hoàng hậu Kim Thiên, họ Mai (không rõ tên). Tuy nhiên riêng có sách Đại Việt sử lược lại ghi rằng vua là con thứ 3 của Lý Thái Tông, mẹ họ Mai nhưng hiệu là Hoàng hậu Linh Cảm.
Ngay sau khi lên ngôi tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054), Lý Thánh Tông đã ban chiếu đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Đây là quốc hiệu được sử dụng trong thời lâu nhất, trải qua nhiều triều đại nhất. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Trước kia, Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Các triều đại sau vẫn theo như thế; đến đây mới đổi lại”.
Lý Thánh Tông trị vì 18 năm, với 5 niên hiệu được sử dụng là: Long Thụy Thái Bình (1054-1058), Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), Long Chương Thiên Tự (1066-1068), Thiên Huống Bảo Tượng (1068-1069) và Thần Vũ (1069 – 1072). Đến ngày Canh Dần, tháng giêng năm Nhâm Tý (1072) vua qua đời vào tại điện Hội Tiên, thọ 49 tuổi. Thi hài được an táng tại Thọ lăng Thiên Đức ở Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), dân gian gọi lăng mộ ông là lăng Hai.
Nhung vi vua tuoi Hoi tai ba vang danh su Viet-Hinh-2
Ban thờ vua Lý Thánh Tông ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). (Hình minh họa – Nguồn: bacninh.gov.vn).  
Đánh giá về ông, Đại Việt sử ký toàn thư có bình rằng: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, yên ủi người gần, đặt khoa Bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, có thể gọi là bậc vua tốt”.
Sách Đại Việt sử ký tiền biên thì ca ngợi Lý Thánh Tông như sau: “Xót thương hình ngục, nhân từ với nhân dân, Thánh Tông lo rằng tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo rằng quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo rằng dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình nước Chiêm; phía bắc đánh nước Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền”.
Giản Định Đế dựng cờ cứu nước trong gian lao
Giản Định Đế tên thật là Trần Ngỗi, còn có tên khác là Trần Quỹ; ông là con thứ của vua Trần Nghệ Tông (hoàng đế thứ 9 của triều Trần). Các nguồn tư liệu không cho biết vua sinh vào năm nào, thân mẫu là ai mà chỉ ghi hiệu của bà là Hưng Khánh Thái hậu.
Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi lập ra nhà Hồ, để xoa dịu con cháu triều trước nên đã phong tước lớn cho hoàng thân, tôn thất họ Trần, trong đó có Trần Ngỗi, ông được phong là Nam Quận Vương.
Cuối năm Bính Tuất (1406) quân Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ đã đem quân sang xâm lược nước ta; cuộc kháng chiến chống giặc Minh do triều Hồ lãnh đạo chỉ kéo dài được mấy tháng rồi bị thất bại hoàn toàn vào giữa năm Đinh Hợi (1407). Trong cảnh nước mất nhà tan ấy, Trần Ngỗi chạy trốn sự truy bắt của giặc, lánh đến vùng Trường Yên (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) được những người có chí diệt giặc cứu nước biết được đã tôn dựng lên làm vua để lãnh đạo sự nghiệp giành lại độc lập cho Tổ quốc. Ông lên ngôi tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), đặt niên hiệu là Hưng Khánh và lấy hiệu cũ của mình là Giản Định làm đế hiệu, xưng là Giản Định Đế; sử sách coi ông là vua đầu tiên của nhà Hậu Trần.
Được sự phò tá của nhiều tướng lĩnh có tài, trong đó có Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất nên mặc dù giặc Minh rất mạnh nhưng quân ta đã giành nhiều thắng lợi lớn, nhất là trận Bô Cô tháng 12 năm Mậu Tý (1408), diệt hơn 10 vạn tên cùng nhiều quan tướng cao cấp của giặc. Tiếc là sau đó Giản Định Đế nghe lời sàm tấu giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân khiến nội bộ mâu thuẫn, con của hai người này là Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung đem quân về Thanh Hóa, đón Trần Quý Khoáng lập làm vua.
Để thống nhất lực lượng kháng chiến, Thái phó Nguyễn Súy được lệnh đem quân đánh thành Ngự Thiên (nay thuộc Hưng Nhân, Thái Bình) bắt được Giản Định đế đưa về Nghệ An, tôn lên làm Thượng hoàng.
Tháng 7 năm Kỷ Sửu (1409) trong một trận đánh không cân sức với giặc Minh, Thái thượng hoàng Giản Định bị quân Minh bắt được tại huyện Mỹ Lương (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội) rồi áp giả về kinh đô Kim Lăng (Trung Quốc) giết hại. Viết về ông, sách Đại Việt sử ký toàn thư bình rằng: “Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình, thì làm sao nên việc được!”.
Lê Thái Dũng

>> xem thêm

Bình luận(0)