Chúng ta thường nghe người xưa hay bảo “có kiêng có lành” và lưu truyền những mẹo nhỏ Tết cổ truyền rất độc đáo cho con cháu đời sau. Vào mỗi dịp năm mới, ai cũng muốn bản thân được sung túc, hạnh phúc, tài lộc sẽ đến với gia đình mình. Bạn hãy tham khảo những mẹo nhỏ dưới đây để cả năm no đủ, bình an nhé!
Mua muối
|
Ngoài mua muối đong trong chén, ngoài cổng chùa thường bày bán những túi muối như thế này với ý nghĩa mong cầu tài lộc, may mắn về cho gia đình mình. Hình: Inernet. |
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một trong những quan niệm đã từ rất lâu đời của ông bà ta. Không phải tự nhiên mà nó lại được đúc kết như thế, người xưa quan niệm rằng, muối là thứ mặn, chống xú uế, xui xẻo, xua đuổi tà khí, đem lại tài lộc, giúp cả năm “mưa thuận gió hòa”. Chính vì thế, cho đến nay, tục này vẫn được nhiều gia đình sử dụng vào ngày đầu năm. Theo đó, người bán sẽ đong cho bạn một chén muối đầy có ngọn nhô lên chứ không gạt ngang miệng bát với ý nghĩa cầu mong gia đình bạn luôn trọn vẹn mặn mà, no ấm cả năm. Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ họ hàng, làng xóm và quan hệ làm ăn.
Bên cạnh đó, nhiều người còn quan niệm, hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong của muối tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết, đây chính là biểu tượng của tình cảm trong sáng, tốt đẹp.
Hạt muối tuy nhỏ nhoi là thế nhưng nó không chỉ mang ý nghĩa cầu bình yên mà đấy còn là lời nhắc nhở của cha mẹ đối với con cái: Hãy nhớ tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Mua lửa
Cũng như muối, lửa tượng trung cho sự ấm áp và đem đến hạnh phúc cho gia đình. Chính vì thế, các gia đình thường giữ tập tục mua diêm hay quẹt vào ngày đầu năm với hy vọng đón một năm mới với nhiều điềm lành, đắc tài đắc lộc, gặp nhiều may mắn, sung túc cho gia đình mình.
Mua vàng
Theo tập tục ông bà truyền lại, ngày mùng 10 Tết là ngày vía Thần Tài, thế nên ngoài thờ cúng thông thường, việc mua vàng cũng được mọi người đặc biệt chú trọng. Ý nghĩa của tục này là cầu cho gia đình có một năm tiền bạc rủng rỉnh, làm ăn buôn bán may mắn và phát tài phát lộc hơn năm cũ. Điều này gần như đã trở thành một nét văn hóa tâm linh rất quen thuộc của người Việt ta.
Xin chữ
Bên cạnh việc cầu mong may mắn và tài lộc, hạnh phúc thì vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chúng ta thường bắt gặp lại hình ảnh của các ông đồ với những nghiên mực và những tấm giấy viết các câu chúc may mắn. Để tiếp nối truyền thống văn hóa xin chữ và cho chữ, ông đồ là hình ảnh vô cùng ý nghĩa mà hiếm nơi đâu có được.
Mỗi đợt Tết đến xuân về, người dân ta, không kể già trẻ, gái trai đều háo hức đi xin chữ treo trong nhà để tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đồng thời, đó là lời dạy cho con cháu về đạo nghĩa sống ở đời, nhắc nhở họ phải luôn phấn đấu, nỗ lực trong học tập, làm việc. Chưa hết, xin chữ còn là ước vọng xin cái may mắn, cái phúc đức mang về nhà để cả năm đó may mắn, tốt lành.