Tới nay, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 1 triệu người tử vong trên toàn cầu. Con số thống kê này cao hơn so với các dịch bệnh khác do virus gây ra trong lịch sử hiện đại của thế giới, nhưng sự “hủy diệt” của nó cho tới nay vẫn còn ít hơn nhiều so với dịch cúm Tây Ban Nha cách đây 1 thế kỷ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, số người tử vong do dịch bệnh này cho tới nay mới chỉ là con số tạm thời, nhưng nó có thể cho chúng ta một điểm tham khảo để so sánh với tác động của các dịch bệnh khác do virus gây ra.
Những virus của thế kỷ 21
SARS-CoV-2, virus gây dịch bệnh Covid-19 là virus “chết chóc” nhất của thế kỷ 21 tính tới nay.
Năm 2009, virus H1N1, hay còn gọi là cúm lợn, từng gây ra đại dịch toàn cầu và khiến 18.500 người thiệt mạng (theo con số thống kê chính thức).
Con số thống kê này sau đó được tạp chí y khoa The Lancet điều chỉnh tăng lên tới 151.700 đến 575.400 người thiệt mạng.
Năm 2002-2003, virus SARS phát hiện tại Trung Quốc là virus đầu tiên dấy lên mối đe dọa toàn cầu, nhưng theo thống kê cuối cùng, dịch bệnh này chỉ khiến 774 người tử vong.
Dịch cúm
Các con số thống kê về Covid-19 vẫn thường được so sánh với độ “chết chóc” của cúm mùa, dù cúm mùa ít khi được nói đến trên truyền thông với mức độ dày đặc như dịch Covid-19 hiện nay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa gây ra khoảng 650.000 trường hợp tử vong trên toàn cầu.
Trong thế kỷ 20, hai đại dịch cúm không theo mùa lớn – cúm châu Á giai đoạn 1957-1958 và cúm Hong Kong giai đoạn 1968-1970 đều khiến khoảng 1 triệu người thiệt mạng, theo các thống kê được tiến hành sau đó.
Cả 2 đại dịch đều xảy ra trong những hoàn cảnh khác biệt so với Covid-19, trước khi xu hướng toàn cầu hóa cũng như các hoạt động đi lại và trao đổi kinh tế toàn cầu được thúc đẩy – những yếu tố góp phần đẩy nhanh tốc độ lây lan của các virus chết người.
Thảm họa lớn nhất của các đại dịch hiện đại cho tới nay, vẫn là đại dịch cúm 1918-1919, còn gọi là cúm Tây Ban Nha, với khoảng 50 triệu người thiệt mạng, theo nghiên cứu được công bố những năm 2000.
Các virus nhiệt đới
So với Covid-19, số người tử vong do virus gây sốt xuất huyết Ebola thấp hơn nhiều. Dịch Ebola bùng phát lần đầu tiên vào năm 1976 và trong đợt bùng phát gần đây nhất năm 2018-2020, dịch bệnh này khiến gần 2.300 người tử vong.
Trong 4 thập kỷ với các đợt bùng phát theo chu kỳ, Ebola đã khiến khoảng 15.000 tử vong, hầu hết là ở châu Phi.
Dù vậy, Ebola lại có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với Covid-19: khoảng 50%, và ở một số thời điểm con số này lên tới 90%.
Ebola ít lây lan hơn so với các dịch bệnh khác do virus gây ra, chủ yếu là vì nó không lây nhiễm truyền qua không khí mà truyền bệnh qua tiếp xúc gần và trực tiếp.
Sốt xuất huyết (Dengue), cũng là một dịch bệnh chết người, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn. Dịch bệnh giống như cúm này khiến khoảng vài nghìn người tử vong mỗi năm.
Các dịch bệnh khác do virus gây ra
AIDS cho tới nay là đại dịch hiện đại “chết chóc” nhất: 33 triệu người trên thế giới đã tử vong do dịch bệnh tác động đến hệ miễn dịch này.
AIDS được phát hiện lần đầu tiên năm 1981, và cho tới nay thế giới vẫn không có loại vaccine hiệu quả nào.
Tuy nhiên, các loại thuốc retroviral, nếu được sử dụng thường xuyên, có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng bệnh tiến triển nặng và giảm nguy cơ truyền bệnh.
Theo UNAIDS, phương pháp điều trị này đã giúp giảm số người tử vong ở mức đỉnh 1,7 triệu người năm 2004 với xuống 690.000 năm 2009.
Virus viêm gan B và C có số người tử vong cao, khiến khoảng 1,3 triệu người chết mỗi năm, chủ yếu là ở các nước nghèo./.