Đao phủ là người làm nghề hành hình tử tội (tội phạm bị tuyên án tử hình) trong thời kỳ trước đây.
Đao phủ thi hành bản án được cấp trên truyền xuống và chém đầu tử tội bằng dụng cụ chuyên dụng (đao, kiếm, rìu …) sau khi có hiệu lệnh. Thường thì việc hành hình diễn ra công khai thị chúng, thu hút nhiều người đến xem.
Ảnh minh họa.
Từ xưa đến nay, đao phủ vẫn được xem như là một trong những ngành nghề đáng sợ nhất thế giới. Dù họ là những người “thay trời hành đạo”, nắm giữ sinh mệnh phạm nhân nơi pháp trường, nhưng công việc này vẫn bị người đời cho là xấu xa và vô cùng man rợn.
Mặc dù cũng có trường hợp xảy ra các vụ án oan nhưng nhìn chung đây chỉ là thiểu số. Đa phần phạm nhân bị xử tử đều là những kẻ gây ra tội ác tày đình, trời không dung đất không tha. Vậy nên trên thực tế, đao phủ cũng chỉ là những người “vì dân trừ hại”.
Cách lựa chọn đao phủ ở thời cổ đại
Công việc này không chỉ đơn giản là lấy đầu kẻ khác mà ngược lại nó đòi hỏi người hành quyết khi ra tay phải đạt độ chính xác cao.
Đao phủ phải căn đúng khoảng giao giữa đốt sống lưng với cổ để khi chém xuống đầu phải lìa ngay khỏi cổ phạm nhân. Thường thì trên pháp trường, đao phủ chỉ được hạ đao một lần, nên đường chém phải chuẩn xác tuyệt đối.
Vì tính chất công việc không dễ tìm được người phù hợp nên đa phần nghề đao phủ là do cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác.
Từ đây hình thành nên các gia tộc chuyên hành nghề đao phủ. Mỗi dòng họ theo nghề này đều lưu giữ một thanh bảo đao to dài và đặc biệt sắc bén như một vật gia truyền để hành nghề.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ, khi người ta bái sư học nghệ để trở thành đao phủ.
Để trở một tay đao phủ lão luyện không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần có thời gian dày công khổ luyện. Trong một khoảng thời gian dài, họ thường xuyên phải chém vào bí đao như một cách luyện tập.
Làm như vậy nhằm hai mục đích, thứ nhất là để luyện lực cánh tay; thứ hai là để luyện tính chuẩn xác. Trước khi chém đao phủ sẽ kẻ một đường ngang chính giữa quả bí, đường đao sau đó phải cắt ngang đường kẻ đó.
Và chỉ sau khi luyện tập thành thục nhuần nhuyễn các kỹ năng, đao phủ mới được chính thức hành nghề.
Thông thường trước đêm hành hình đao phủ sẽ đem đao đi mài và làm lễ cúng tế.Mỗi lần chém đầu của ai đó, đao phủ đều phải hỏi rõ họ tên của phạm nhân để tránh chém nhầm người, sau đó người phụ tá đứng bên cạnh sẽ giữ phạm nhân tránh động đậy, giúp nhát chém chính xác và không gây đau đớn.
Sau khi hành quyết, đao phủ sẽ không quay về nha môn báo cáo nhiệm vụ ngay mà phải phủi mông trước mặt các lính lệ biểu thị xua đuổi vận xui, âm khí.
Vị đao phủ cuối cùng của Trung Quốc
Vị đao phủ cuối cùng của thời Mãn Thanh là Đặng Hải Sơn, được biết đến như vị đao phủ cuối cùng của Trung Quốc.
Trong cuốn hồi ký do Đặng Hải Sơn để lại ông cho biết dù phải làm công việc chịu nhiều nghi kị, đồn đoán nhưng bản thân vẫn chấp nhận vì nó thu về mức thù lao khá hậu hĩnh.
Ngoài phần lương 1 đồng đại dương mỗi tháng thì ông còn nhận thêm 3 đồng đại dương sau một phiên hành hình.
Ví dụ như một tháng chỉ cần nhấc dao lên 1 lần thì ông đã có thể an nhàn với cả thảy 4 đồng đại dương. Vào thời điểm đó, số tiền này tương đương mức thu nhập của cả gia đình lao động quần quật trong suốt nửa năm ròng.
Tuy nhiên, số tiền ông thu về chưa dừng lại ở đó. Nếu gia đình của phạm nhân đưa ra những yêu cầu riêng, ông còn dắt túi thêm được những phần tiền hậu hĩnh khác.
Chủ yếu là do trong quan niệm của người Trung Quốc, khi chết phải được “toàn thây”, nên nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra khoản tiền không nhỏ để phần đầu không bị chặt đứt lìa hoàn toàn khỏi thân xác, miễn sao có thể lừa được quan giám sát.
Sư phụ của Đặng Hải Sơn từng dặn dò học trò chặt đầu đến cái 99 thì không nên tiếp tục, không sẽ nợ âm quá nhiều, sau này sẽ phải chịu báo ứng đáng sợ.
Thế nhưng cảm thấy nghề này kiếm tiền quá dễ dàng, vì lợi ích trước mắt nên Đặng Hải Sơn quên đi lời căn dặn của sư phụ, hành hình đến quá 99 người vẫn không hề có ý định dừng lại.
Đến tận khi nghề đao phủ bị bãi bỏ và trở nên thất nghiệp, đến cả chính bản thân Đặng Hải Sơn cũng không thể nhớ nổi mình đã chém đầu bao nhiêu người, nhưng ông nói ít nhất cũng phải vượt quá con số 300.
Có lẽ vì mang nghiệp quá nặng nên cuối đời Đặng Hải Sơn lâm vào cảnh khốn đốn, bên cạnh không có lấy một người bầu bạn, không gia đình vợ con, bơ vơ cô đơn vô cùng đáng thương.
Trong những năm tháng cuối đời, dù tiền bạc vẫn rủng rỉnh bên người, nhưng ông luôn mang nỗi ám ảnh day dứt về những năm tháng kinh hoàng khi xưa. Ngay cả đến lúc chết đi, ông cũng không có người đưa tiễn, lo ma chay hương khói.