Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, “ông vua đồ uống” Coca Cola ngày càng mở rộng thị trường, với số lượng sản phẩm tiêu thụ hàng năm ngày càng tăng kéo theo doanh thu khổng lồ. Theo một bài báo đăng tải trên Business Insider, 94% dân số thế giới có thể phân biệt được logo của Coca Cola. Điều này cho thấy sự thành công của thương hiệu nước giải khát này.
Tuy nhiên, Coca Cola từng dính phải nhiều vụ bê bối lớn và mới đây nhất là cú phốt xảy ra tại Việt Nam. Vào ngày 1/7, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết đã gửi công văn cho Sở Y tế 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Nghệ An (nơi có trụ sở của công ty Coca Cola) yêu cầu các địa phương giám sát tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm nước uống bổ sung của công ty này. Lý do tạm dừng là chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung.
13 sản phẩm trên gồm: Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu, hương xoài; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai hương dâu (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước tăng lực nhãn hiệu Samurai (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước cam có tép Minute Maid TEPPY và loại chai thủy tinh; nước uống vận động Aquarius (chai PET, lon nhôm); nước uống bổ sung khoáng Dasani; nước cam Minute Maid Splash Smooth.
Trước đó, Coca Cola cũng dính vào không ít lùm xùm.
Giám đốc Coca Cola dùng tiền để "mua" kết quả báo cáo y tế
Năm 2015, dư luận thế giới rúng động với scandal giám đốc hãng giải khát này dùng tiền để "mua" kết quả báo cáo y tế về Coca Cola. Theo đó, Giám đốc mảng nghiên cứu khoa học và y tế của Tập đoàn Coca Cola, bà Rhona Applebaum 1,5 triệu USD và toàn quyền thao túng nhóm nghiên cứu Global Energy Balance Network (Mạng lưới cân bằng năng lượng toàn cầu - viết tắt GEBN) tại ĐH Colorado. Cụ thể, Coca Cola đã tài trợ cho GEBN 1,5 triệu USD, trong đó 1 triệu USD dành cho ĐH Colorado là nơi mà ông James O. Hill, chủ tịch nhóm, làm giáo sư.
Phía Coca Cola còn chọn luôn thủ lĩnh của nhóm nghiên cứu này cũng như nhúng tay vào thiết kế website cũng như lên chương trình, đề án hành động.
|
“Ông vua đồ uống” Coca Cola dính nhiều bê bối tai tiếng trong thời gian qua. |
Nhóm nghiên cứu Global Energy Balance Network đã đi theo đúng những định hướng được Coca Cola vạch sẵn khi tham gia đấu tranh về nạn béo phì, thừa cân tại Mỹ. Theo đó, nhóm nghiên cứu đưa ra báo cáo sai sự thật rằng, người Mỹ mắc bệnh béo phì là do lười vận động, chứ không phải do sử dụng đồ uống có ga. Nhóm nghiên cứu này thậm chí còn làm báo cáo "giả" về lượng đường và tác hại của Coca Cola với sức khỏe của người sử dụng.
Sau khi bê bối này bị phát giác, Giám đốc Applebaum tuyên bố từ chức do được cho là người nắm vai trò trung tâm trong việc điều hành nhóm nghiên cứu GEBN. Thêm vào đó, ĐH Colorado đã trả lại Coca Cola khoản tiền 1 triệu USD và tuyên bố các nghiên cứu của họ không liên quan gì tới doanh số bán ra của Coca Cola.
Sản phẩm Coca Cola bị cấm bán ở Ấn Độ
Năm 2006, Tòa án tối cao Ấn Độ đã ra lệnh cấm bán đồ uống Coca Cola tại quốc gia này. Phán quyết này được đưa ra sau khi nghiên cứu của Trung tâm khoa học và môi trường (CSE) cho thấy một số sản phẩm của Coca Cola có chứa dư lượng thuốc trừ sâu ở mức độ không chấp nhận được. Cụ thể, một số sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn 24 lần so với mức cho phép, trong một số trường hợp cao hơn đến 400 lần.
Ngay sau khi có phán quyết của tòa, bang lớn tại miền bắc Ấn Độ Rajasthan yêu cầu cấm bán Coke và phải dán cảnh báo nguy hiểm ngay trên nhãn đồ uống.
Trước phán quyết của tòa án, Coca Cola đã mang sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ sang kiểm nghiệm ở CSL - phòng thí nghiệm hàng đầu tại London, Anh. Kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm của hãng đồ uống này không có hàm lượng thuốc trừ sâu. Coca Cola cũng khẳng định hơn 200 quốc gia trên toàn cầu có sản phẩm của Coca Cola đều tuân theo một tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm tại Ấn Độ cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng như vậy.
Coca Cola mất 192,5 triệu USD cho vụ kiện phân biệt chủng tộc
|
Coca Cola phải chi 192,5 triệu USD tiền hòa giải trong vụ kiện phân biệt chủng tộc. |
Năm 2001, hãng nước ngọt nổi tiếng Coca Cola phải chi số tiền hòa giải khổng lồ là 192,5 triệu USD trong vụ kiện phân biệt chủng tộc của các nhân công da đen chống lại hãng đồ uống này. Đây là số tiền lớn nhất trong lịch sử các vụ kiện phân biệt chủng tộc từ trước tới nay. Trong đó, Coca Cola phải bồi thường 58,7 triệu USD cho các thiệt hại, 23,7 triệu USD cho khoản lương phải trả và 10 triệu USD cho việc thăng tiến mà đáng lẽ các nhân công da đen được hưởng. Hãng cũng sẽ phải chi 43,5 triệu USD để cải cách hệ thống lương đến năm 2011 và 36 triệu USD chi phí khác. Để theo đuổi vụ kiện này, Coca Cola cũng đã chi một khoản tiền lớn cho các luật sư với số tiền lên đến 20,6 triệu USD.
Vụ kiện này bắt đầu vào tháng 4/1999 khi các công nhân tố cáo hãng Coca Cola từ chối việc trả lương, tăng lương, thăng tiến và đánh giá kết quả công việc một cách công bằng đối với các nhân công da màu. Mặc dù phủ nhận lời tố cáo trên song Coca Cola vẫn chấp thuận mức hòa giải của tòa, bồi thường cho 2.200 nhân công da đen làm việc cho hãng nước ngọt này từ ngày 22/4/1995 - 14/6/2000 gần 40.000 USD/người.
Trước đó, ngay tại quê nhà, Coca Cola bị kêu gọi tẩy chay trong nhiều thập kỷ. Trong đó điển hình là sự kiện mục sư Martin Luther King đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng nhất nước Mỹ từng viết trong một bài phát biểu năm 1968 có nội dung: “Tôi muốn nói rằng, hãy ra khỏi nhà ngay tối nay và nói với hàng xóm của mình đừng bao giờ mua Coca Cola nữa”.
Lời kêu gọi tẩy chay Coca Cola của mục sư Martin Luther King xuất phát từ việc ông lớn hàng đầu của làng giải khát này có liên quan đến hàng loạt bê bối như: trốn thuế, bóc lột sức lao động của công nhân, kỳ thị người Do Thái, phân biệt chủng tộc…