Những ngày văn học châu Âu là chuỗi chương trình thường niên được EUNIC (Hiệp hội các tổ chức về văn hóa châu Âu) khởi xướng. Năm nay, chương trình đặt trọng tâm vào văn học giới, trong đó sẽ giới thiệu những tác phẩm nữ quyền và queer của các nhà văn trẻ, đồng thời gợi mở những hướng tiếp cận khác của những tác phẩm kinh điển của văn chương châu Âu.
Phát biểu tại họp báo giới thiệu chương trình ngày 6/5, ông Oliver Brandt - Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe - khẳng định những năm gần đây, nhiều cây viết nữ và queer xuất hiện hơn trên văn đàn châu Âu.
Các tác phẩm này đặt ra vấn đề về đa dạng giới, những vấn đề của căn tính queer và người nữ, từ đó mở ra một hành trình nhiều chông gai nhưng cũng không ít vinh quang để đến với bình đẳng xã hội.
|
Ông Oliver Brandt - Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe - giới thiệu nét mới của Những ngày văn học châu Âu.
|
"Chuỗi sự kiện Những ngày văn học châu Âu lần này là cơ hội để người trẻ Việt Nam nhìn thấy các góc cạnh khác nhau trong đời sống xã hội, chiêm nghiệm các vấn đề liên quan đến giới. Tôi hy vọng những trao đổi trong cộng đồng văn chương về đề tài này cũng chính là nền tảng thúc đẩy sự giao thoa, giao lưu về văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu, thông qua văn chương", ông Oliver Brandt nhấn mạnh.
Trong năm 2024, chuỗi chương trình khởi xướng những diễn đàn đối thoại cho những nhà văn thuộc dòng ngoại biên của văn chương ở các nước châu Âu và Việt Nam.
Độc giả Việt Nam sẽ biết thêm những tác phẩm quan trọng, những dòng văn chương khác do một thế hệ các nhà văn trẻ ở châu Âu và Việt Nam khởi xướng.
Tác giả cuốn Bác Hana sẽ giao lưu với bạn đọc Việt Nam trong chuỗi sự kiện Những ngày văn học châu Âu.
Một số nhà văn châu Âu được mời đến Việt Nam và tham gia vào những thảo luận về văn học giới là Nilufar Karkhiran Khozani và Jayrôme C. Robinet. Cả hai sẽ thảo luận về những xuất bản gần đây của họ, cũng như đưa đến những góc nhìn về phong trào vận động về quyền LGBTQI+ tại Đức.
Nhà văn Alena Mornstajnová - người được mệnh danh là "bà hoàng" của văn học Séc - cũng chia sẻ trực tiếp với độc giả yêu văn học Hà Nội về tác phẩm Bác Hana mới xuất bản tại Việt Nam.
Dịp này các nhà văn, chuyên gia cũng thảo luận những vấn đề có tính đương đại như cách AI thay đổi công việc dịch thuật trong văn chương. Câu chuyện này được kể lại qua góc nhìn của những nhà văn và dịch giả nữ.