Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường dùng câu "Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến" để miêu tả những người hay vật đến đúng lúc, kịp thời.
Câu nói nổi tiếng này trở thành câu cửa miệng của nhiều người và thực sự có liên quan đến Tào Tháo (155 – 220), một nhà chính trị quân sự kiệt xuất cuối thời nhà Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Vào cuối thời Đông Hán, sau cuộc đấu tranh giữa các bè phái và cuộc nổi dậy của khởi nghĩa Khăn Vàng, nhà Hán đã lung lay. Hán Linh Đế (156 – 189) qua đời, Hán Thiếu Đế (175 – 190) lên ngôi. Tuy nhiên, sau đó, Đổng Trác dẫn quân vào Lạc Dương, phế truất Hán Thiếu Đế và lập Lưu Hiệp khi đó mới 8 tuổi lên ngôi, tức Hán Hiến Đế (181 – 234), tự phong mình làm Tướng quốc, quản thúc hoàng đế, lộng hành, thao túng triều chính… khiến nhiều người căm phẫn.
Trong một lần Hán Hiến Đế bị liên quân của Lý Giác và Quách Tị (hai người đứng đầu những người có âm mưu soán ngôi) đuổi bắt, có người hiến kế tiến cử Tào Tháo, nói rằng ông mới dẹp yên được loạn Khăn Vàng ở Thanh Châu nên có thể cứu giá.
Đáng chú ý là trong khi tin này vẫn chưa tới nơi thì liên quân của Lý Giác và Quách Tị đã đánh đến. Bấy giờ trong lúc tưởng như không còn đường thoát thì Tào Tháo bất ngờ hạ lệnh cho Hạ Hầu Đôn xuất quân tới cứu giá kịp thời, đánh tan quân của Lý Giác và Quách Tị. Tào Tháo lập được công lớn và được phong thăng quan tước. Từ đó mới có câu: "Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến", ý nói là Tào Tháo đến cứu giá kịp thời.
Tào Tháo sau đó đưa Hán Hiến Đế về Hứa Xương, biến nơi đây trở thành kinh thành mới của nhà Hán, đồng thời chính thức lấy "thiên tử" để lệnh chư hầu. Đây cũng là bước chuyển quan trọng để Tào Tháo phát triển thế lực, đạt được ngôi vị bá chủ, lập nên đại nghiệp về sau.
VẾ SAU CỦA CÂU NÓI NỔI TIẾNG NHƯNG KHÔNG AI DÁM NÓI
Trên thực tế, câu "Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến" vẫn còn thiếu một vế. Đầy đủ phải là: "Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến; thoát ngay trước mắt, há không đáng cười".
Vế sau của câu nói này cũng bắt nguồn từ một sự kiện diễn ra trong Tam Quốc liên quan đến Tào Tháo và Lã Bố.
Theo đó, vào năm 194, khi Lã Bố đóng quân ở Bộc Dương, Tào Tháo đã dẫn quân tấn công nơi này. Tuy nhiên, trong khi giao chiến với Lã Bố, Tào Tháo đã trúng kế của Trần Cung.
Đội quân của Tào Tháo bị thua lớn, doanh trại bị cháy và thậm chí còn suýt bị Lã Bố bắt sống. Cụ thể, trong lúc tháo chạy giữa biển lửa, Tào Tháo đã bất ngờ chạm mặt Lã Bố đang cầm kích tiến lại gần hỏi rằng: "Tào Tháo ở đâu?". Lúc bấy giờ Tào Tháo bình tĩnh chỉ tay đáp: "Người cưỡi ngựa vàng ở phía trước".
Nghe xong, Lã Bố liền bỏ qua Tào Tháo và lập tức đuổi theo người ở phía trước. Nhờ vậy mà Tào Tháo chạy thoát.
Trong trận này, Tào Tháo thua to, thậm chí còn bị bỏng cánh tay trái. Tuy nhiên, điều đáng cười ở đây phải nói đến Lã Bố. Bởi thực tế Lã Bố đã bắt được Tào Tháo nhưng lại không nhận ra, thậm chí còn lỡ mất cơ hội để giết Tào Tháo. Vì vậy từ đó mới lưu truyền câu nói "Thoát ngay trước mắt, há không đáng cười".
Tuy nhiên, khi Tào Tháo lên nắm quyền, không ai dám nói đến vế sau của câu nói này. Bởi nếu để Tào Tháo nghe được, kẻ đó sẽ không có kết cục tốt đẹp.