Nhà văn Trần Hữu Lục - tác giả "Cách một dòng sông" qua đời

Google News

Vì tuổi cao và mắc bệnh nền, nhà văn Trần Hữu Lục đã không vượt qua được tuổi 80 khi mắc COVID-19, ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc 8h30 ngày 30/8, theo tin từ gia đình.

Theo tin từ gia đình, nhà văn Trần Hữu Lục nhập viện cách đây mấy ngày do sốt và có biểu hiện triệu chứng của COVID-19.
"Vì đã 80 tuổi, có nhiều bệnh nền, lại mắc COVID-19 nữa nên bác sĩ không thể cứu chữa được. Anh cũng không kịp trăng trối lại điều gì" - người em gái ông là cô Trần Hương Giang cho biết.
Nha van Tran Huu Luc - tac gia
 Nhà văn Trần Hữu Lục (phải) cùng với em gái (ngồi kế) và vợ trong một tấm ảnh gia đình gửi cho nhà văn Bích Ngân cách nay ba tuần. Không ngờ nay trở thành tấm ảnh cuối cùng nhận được từ gia đình ông.
Trần Hữu Lục là một trong những cây bút sinh quán tại Huế và văn nghiệp gắn bó với cả Huế và Sài Gòn - TP.HCM. Ông viết văn, làm thơ và viết báo từ thời còn đi học.
Ông sinh ngày 14/3/1941 tại thôn Vĩ Dạ, thành phố Huế. Ông học Trường đại học Sư phạm Huế và viết văn từ thời sinh viên, truyện ngắn Tuổi đồng quê của ông ký bút danh Yên My in báo Văn ở Sài Gòn từ năm 1968.
Ông còn chủ biên báo Thân Hữu (ĐHSP Huế, 1967), Sinh Viên Huế (1968), thành viên nòng cốt của Nhóm Việt - nhóm sinh viên Huế yêu nước. Thời gian dạy học ở Đà Lạt, ông tham gia tạp chí Đối Diện.
Trần Hữu Lục từng là một trong những thanh niên của phong trào "xuống đường" tranh đấu trong giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ đô thị miền Nam vào những năm 1960-1970.
Ông sát cánh cùng với những văn nghệ sĩ tiêu biểu của phong trào này ở Huế như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Đông Trình, Võ Quê, Nguyễn Phú Yên…
Khi hay tin ông mất, nhà văn Bích Ngân trên trang cá nhân đã ghi lời phân ưu "Xin tiễn biệt "một giọt Huế" của sông Hương", và dẫn lại lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết về Trần Hữu Lục:
"Những hoài niệm Huế đã kết tủa thành ngôn từ trong tâm hồn Trần Hữu Lục - Trong Lục cho đến nay vẫn luân lưu một dòng thi ca như thế. Rất nhẹ nhàng mà nồng ấm, ngọt ngào mà tinh tế, lay động với những kỷ niệm mang mang tình yêu, quê nhà…".
Nha van Tran Huu Luc - tac gia
 Nhà báo Trần Hữu Lục (bìa trái) cùng các đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Nguyễn Công Thành. 
Sau năm 1975, Trần Hữu Lục tiếp tục làm báo, viết văn, nguyên là phóng viên ban văn hóa văn nghệ báo Tuổi Trẻ.
Với vai trò ủy viên thường trực Hội đồng hương Thừa Thiên Huế ở TP.HCM, ông đã liên kết với Nhà xuất bản Trẻ thực hiện Tủ sách Nhớ Huế, in ấn được gần 50 tập chuyên đề: Người xa Huế, Hương sen Huế, Trường Huế, Huế đất học, Áo dài Huế, Hương vị Huế,… cùng hơn 10 đầu sách của Tủ sách Nhớ Huế.
Trần Hữu Lục còn có các bút danh Yên My, Trần Phước Nguyện, Hồng Hữu. Ông từng là giáo sư dạy văn Trường trung học Bùi Thị Xuân Đà Lạt; nguyên phó chủ tịch thường trực Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP.HCM; nguyên chủ biên tập san Nhớ Huế; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam;
Nhà văn Trần Hữu Lục là tác giả các tập truyện ngắn Cách một dòng sông (1971), Chiếc bóng (1987), Thời tôi yêu (1998) và các tập thơ Lời của hoa hồng (1988), Thu phương xa (2003), Vạn Xuân (2006), Ngày đầu tiên (2009)… và tập bút ký - bình luận Góc nhìn văn chương (2010); trong đó Trần Hữu Lục viết về những gương mặt văn nghệ thân quen từng xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ trước 1975 như: Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồ Đắc Thiếu Anh...
Theo Lam Điền/Tuổi trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)