Vì sao nhà Trần chỉ kết hôn trong họ?
Triều đại nhà Trần được xem là triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài đến 175 năm. Vương triều này thống lĩnh quân đội Đại Việt 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông, bình phục Chiêm Thành, mở mang bờ cõi đến xứ Thuận Hóa (Thừa Thiên – Huế ngày nay).
Ngay từ khi vị vua đầu tiên của nhà Trần lên ngôi, nhà Trần đã yêu cầu con cháu kết hôn trong nội tộc, nhất là các vị hoàng đế. Sử sách thống kê rằng nhà Trần có khoảng 35 cuộc hôn nhân nội tộc.
Chính sách hôn nhân nội tộc của nhà Trần được xuất phát từ nguyên nhân lịch sử bởi nhà Trần lấy ngôi nhà Lý bằng biện pháp hôn nhân. Nhà Trần từ vai trò là ngoại thích của nhà Lý đã giành ngôi. Để tránh họa ngoại thích, nhà Trần đã chủ trương chỉ kết hôn với người trong họ.
Tuy nhiên về sau việc này cũng thừa dần. Những trường hợp kết hôn nội tộc cũng ngày càng xa hơn về họ hàng. Từ khi Trần Nghệ Tông trọng dụng Hồ Quý Ly là một ngoại thích, lập tức nhà Trần cũng gặp "họa ngoại thích" và cuối cùng mất về tay ngoại thích.
Hôn nhân cận huyết nhưng con cháu vẫn thông minh
Năm 1237, vua Trần Thái Tông, Trần Cảnh cưới người em họ Thuận Thiên công chúa Lý Oanh. Trần Thừa (cha của Trần Cảnh) và Trần Thị Dung (mẹ của Lý Oanh). Sau 3 năm làm hoàng hậu của Trần Thái Tông thì Lý Oanh sinh ra Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông.
Sử sách ghi chép lại Trần Thánh Tông là một minh quân yêu nước, thương dân. Chính ông là người đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3. Trong quyển Thánh đăng ngữ lực có diễn tả về ông rằng "Thánh Tông bản chất hiền tài, toát ra ngoài sáng ngời, xử sự dứt khoát".
Trần Thái Tông và hoàng hậu Lý Oanh còn sinh ra Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, một danh tướng văn võ song toàn, làm quan đứng đầu 3 triều đại nhà Trần.
Năm 1258, Trần Thánh Tông lên ngôi đã lập chị họ Trần Thiều làm hoàng hậu. Trần Thiều là con ruột của An Sinh vương Trần Liễu mà Trần Liễu là anh trai của Trần Thái Tông – cha của Trần Thánh Tông. Năm 1257, hoàng hậu Trần Thiều sinh cho Trần Thánh Tông hoàng nam là Trần Khâm, sau này là vua Trần Nhân Tông.
Đại Việt sử ký toàn thư có viết, Trần Khâm từ khi sinh ra đã được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng nên vua cha và ông nội đã gọi là Kim Tiên đồng tử.
Năm 1274, Trần Nhân Tông lập em họ làm Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu. Bảo Thánh là con của Trần Quốc Tuấn mà Trần Quốc Tuấn chính là anh của mẹ Trần Nhân Tông.Năm 1276, Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu sinh cho Trần Nhân Tông hoàng nam Trần Thuyên, sau này là vua Trần Anh Tông. Đây cũng là vị minh quân trong sử Việt khi từng cầm quân Bắc tiến vào tận đất nhà Nguyên, Nam chinh bình định Chiêm Thành.
Lý giải vì sao hôn nhân cận huyết con cháu vẫn thông minh
Trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia đã công nhận quyền kết hôn giữa anh em họ. Tuy nhiên, việc anh em họ kết hôn vẫn có thể tạo ra nguy hiểm cho hậu duệ bởi họ có chung 12,5% DNA nên tỷ lệ gen lặn xuất hiện ở các thế hệ sau cao hơn, dẫn đến các khả năng gây biến chứng cao hơn so với sản phẩm 2 người xa lạ kết hợp.
Theo thống kê hiện giờ, với cặp vợ chồng bình thường thì độ rủi ro cho thai nhi là khoảng 3% còn với cặp vợ chồng là anh em họ thì độ rủi ro nhỉnh hơn là 3,5 – 4,5%. Tỉ lệ này tương đương với việc một phụ nữ trên 40 tuổi sinh con và thấp hơn tỉ lệ từ phụ nữ hút thuốc sinh con.
Như vậy, xác suất an toàn của hôn nhân cận huyết vẫn khá cao nên việc các vua nhà Trần kết hôn với chị em họ và sinh ra những người con thông minh, những vị minh quân cũng là điều dễ hiểu.