Thời kỳ đỉnh cao, đế chế Mông Cổ (Mông - Nguyên) đã chinh phục được những vùng đất rộng tới hơn 24 triệu km2, thống trị khoảng 100 triệu dân trải dài từ châu Á sang tận Đông Âu.
Thế nhưng, đạo quân xâm lược tàn bạo đó cuối cùng 3 lần bị chặn đứng bởi nhà Trần vào các năm 1258, 1285, 1287-1288 khi cố mở rộng lãnh thổ xuống khu vực Đông Nam Á.
3 lần đánh quân Mông - Nguyên tan tác
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, cuộc xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất nằm trong kế hoạch chinh phạt lớn của đế chế Mông Cổ. Theo tính toán của Mông Kha, chiếm được Đại Việt sẽ làm bàn đạp diệt Nam Tống, chiếm lĩnh hoàn toàn phía Nam Trung Quốc.
Trong cuộc chiến lần thứ nhất này, Mông Cổ huy động khoảng 5.000 kỵ binh thiện chiến, 20.000 quân Đại Lý thông thạo địa hình rừng núi giáp vùng biên cương Đại Việt.
Sau cuộc chạm trán đầu tiên và thất bại ở Bình Lệ Nguyên, nhà Trần tiến hành rút quân chiến lược, tránh đối đầu trực tiếp với quân Mông Cổ đang hừng hực khí thế, trước khi đánh bại chúng ở trận Đông Bộ Đầu vào ngày 29/1/1258.
Vó ngựa Mông - Nguyên chinh phục khắp châu Á đã lần đầu tiên gục ngã trước Hào khí Đông A.
|
Quân Mông - Nguyên.
|
Đầu năm 1284, vua Nguyên (triều đại người Mông Cổ thành lập sau khi xâm chiếm Trung Quốc) lại sai Thoát Hoan mang đội quân đông đảo và thiện chiến xuống phía Nam.
Sau khi vượt qua biên giới, quân Nguyên đánh bại quân ta ở một số nơi. Trước sức mạnh của kẻ địch, Trần Quốc Tuấn rút quân chiến lược về Vạn Kiếp.
Tháng 2/1285, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem binh thuyền tấn công Vạn Kiếp. Sau đó, địch tổ chức bao vây 10.000 quân ta tại Bình Than. Một trận thủy chiến lớn diễn ra tại đây.
Sau trận này, quân ta rút về đóng trên sông Hồng, tập trung thủy quân và xây dựng các chiến lũy bằng gỗ trên bờ nam để cầm chân quân Nguyên, tạo thời gian cho việc sơ tán quân dân khỏi kinh thành theo kế “vườn không nhà trống”.
Tháng 3/1285, một cánh quân Nguyên khác do Toa Đô chỉ huy từ Chiêm Thành đánh thốc vào phía nam Đại Việt. Quân Trần đón đánh Toa Đô ở Nghệ An.
Do chênh lệch lớn về lực lượng, Trần Quốc Tuấn phải rút về vùng bờ biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, rồi lại về Thanh Hóa.
Tại Thanh Hóa, vua Trần đã chỉnh đốn, tổ chức lại lực lượng. Sau đó, vua và Trần Quốc Tuấn chia đại quân thành nhiều mũi thực hiện tổng phản công. Dưới sự thống lĩnh của Trần Quốc Tuấn, các cánh quân ta liên tiếp đánh thắng giặc Nguyên, giải phóng Thăng Long.
Ngày 24/6/1285, quân ta tiến đánh cánh quân Toa Đô tại Tây Kết. Toa Đô bị chém tại trận, quân ta bắt hơn 50.000 quân Nguyên, tịch thu vô số khí giới. Cùng lúc đó, Trần Quốc Tuấn, mở nhiều cuộc tấn công lớn trên bờ bắc sông Hồng và quét sạch cánh quân Thoát Hoan khỏi Đại Việt.
Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai khiến Hốt Tất Liệt càng thêm căm phẫn. Hoàng đế nhà Nguyên lại huy động hàng trăn nghìn quân và chiến thuyền tiếp tục xâm lược Đại Việt lần thứ 3.
Tháng 12/1287, quân thủy bộ nhà Nguyên chia làm 3 đạo tiến vào Đại Việt. Tháng 2/1288, quân Nguyên đánh phá Thăng Long. Quân ta bỏ thành rút lui, tiếp tục thực hiện “vườn không nhà trống”.
Ở Thăng Long không có lương thực, Thoát Hoan lúng túng. Cuối tháng 3/1288, Thoát Hoan quyết định lui quân khỏi Đại Việt. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua và Trần Quốc Tuấn, quân ta tiêu diệt toàn bộ thủy quân Nguyên ở Bạch Đằng vào tháng 4/1288.
Một ngày trước trận Bạch Đằng, đại quân Nguyên bắt đầu rút từ Vạn Kiếp lên Lạng Sơn. Quân Đại Việt liên tục phục kích, chặn đánh làm quân Nguyên tổn thất rất lớn.
Đến ngày 19/4/1288, quân Nguyên bị đánh bật hoàn toàn khỏi Đại Việt. 3 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên kết thúc.
Nghệ thuật quân sự độc đáo
Đông Bộ Đầu là một trong những chiến thắng lừng danh trong lịch sử quân sự nước ta. Chiến thắng không chỉ giúp bảo vệ được độc lập, mà còn mở ra nghệ thuật quân sự đặc sắc giúp nhà Trần đánh bại Mông - Nguyên.
Để tránh sức mạnh ban đầu và sở trường của địch, nhà Trần chủ động rút lui chiến lược ở Bình Lệ Nguyên, tổ chức các điểm chốt chặn trên những tuyến trọng điểm, đồng thời sử dụng một bộ phận lực lượng kết hợp cùng dân binh, thổ binh tổ chức đánh vào mặt trước, mặt sau của địch.
Ngoài ra, với kế sách rút khỏi Thăng Long, quân ta chủ động tạo nên cục diện trên chiến trường. Quân địch không dám truy kích vì không nắm rõ tình hình. Khi thời cơ đến, binh thuyền có thể nhanh chóng theo hướng sông Hồng tiến về Thăng Long phản công tấn công quân địch.
|
Tranh minh họa Trận Bạch Đằng 1288
|
Chính từ trận đánh ở Đông Bộ Đầu đã để lại cho vua tôi nhà Trần những bài học quân sự sâu sắc, tạo nên chiến thuật đánh bại Mông - Nguyên.
Đó chính là nghệ thuật: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, chủ động đẩy giặc vào thế bị động, khiến quân địch thiếu thốn lương thực, mệt mỏi trước khi quân ta tung đòn tiêu diệt.
Khi xâm lược nước ta, quân Mông Cổ luôn muốn đánh nhanh thắng nhanh để phát huy sở trường kỵ binh của chúng. Do đó những lần lui binh của nhà Trần là rút lui tích cực. Quá trình rút lui vẫn là quá trình chiến đấu ngăn địch, rút lui để xoay chuyển tình thế, chuẩn bị đánh một trận khác có lợi hơn, nhường địch một bước để đưa chúng vào thế bất lợi.
Đúng như danh tướng Lê Phụ Trần đã khuyên vua Trần Thái Tông: “Nếu bây giờ bệ hạ tập trung lực lượng đối đầu với địch mạnh thì cũng như người vét hết túi tiền đánh một ván bạc thôi, chi bằng tránh đối đầu địch mạnh để dành sức sau này”.
Nghe lời Lê Phụ Trần, vua Trần cho lui quân, nhờ đó tranh phải đối đầu địch mạnh, bảo toàn được lực lượng để đối phó với kẻ địch về sau.
Kế hoạch rút lui do tướng Lê Phụ Trần đề xuất là sự mở đầu cho sự hình thành nên nghệ thuật rút quân sau này trong 3 lần đánh bại Mông - Nguyên.
Tránh đối đầu trực diện với kẻ thù mạnh, kết hợp kế “thanh dã” - vườn không nhà trống của Trần Hưng Đạo, buộc địch từ thế tập trung phải phân tán lực lượng để đối phó. Chúng liên tục bị uy hiếp, mệt mỏi, thiếu lương thảo.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sau này thực hiện rất nhiều cuộc rút quân chiến lược để bảo toàn lực lượng, khiến kẻ địch truy đuổi vô vọng, trước khi bị tiêu diệt trong thế tuyệt vọng.
Bàn về nghệ thuật quân sự đánh bại quân Mông - Nguyên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viết trong “Binh thư yếu lược”: “Thời cơ là cái đến không đầy trong chớp mắt, trước thì thái quá, sau thì bất cập”.
Bên cạnh nghệ thuật quân sự nói trên còn là tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, vua tôi nhà Trần cùng ý chí, tài thao lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và tướng lĩnh dưới quyền ông.