Sắc phong là bảo vật cần gìn giữ
Hàng loạt sắc phong của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021 được cho là đang bị rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc. Là một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, ông có suy nghĩ gì về việc này, thưa TS. Nguyễn Hùng Vỹ?
|
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ. |
Thật là đáng tiếc. Việc mất những di vật của văn hóa truyền thống thì nước nào và đời nào cũng có cả. Những vụ trộm nổi tiếng trên thế giới đã được báo chí phản ánh nhiều, thậm chí vào cả phim ảnh, tiểu thuyết.
Nguyên nhân không giữ được sắc phong tại các địa phương thì nhiều lắm. Ví như công tác bảo quản trong khí hậu nhiệu đới gió mùa; thiên tai, địch họa...và cả nhận thức từng thời đại (thay đổi triều đại, thay đổi tư duy...). Với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, tôi chỉ biết đưa ra suy nghĩ của mình: thật là đáng tiếc.
Việc mất sắc phong có thể gây nên những tổn thất như thế nào, thưa ông?
Sắc phong là văn bản thuộc chính thể quốc gia các triều đại, do Hoàng đế ban cho các thần linh phù trợ chính thể và nhân dân, ban cho những nhân vật có công lao với dân, với nước, là sự ghi nhận, công nhận của triều đại, nó tương tự Bằng công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cho các di tích, các Di sản văn hóa hiện nay.
Nó có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
Giá trị lịch sử nó mang tư liệu về quá khứ, về ứng xử và luật lệ các triều đại trước đây, trong đó có công lao của những cá nhân, cộng đồng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Trong đó có các địa danh ngày xưa, các thế thứ, các đẳng cấp tôn phong công lao nhiều nhân vật được thần thánh hóa, các đợt gia phong các mỹ tự ở các triều vua, các tư liệu về vận động lịch sử (phong sắc trong các dịp chống ngoại xâm chẳng hạn). Nó nêu cao tinh thần yêu nước, đạo đức uống nước nhớ nguồn.
Giá trị văn hóa cũng thể hiện rất rõ. Nó chính là tài liệu phản ánh tín ngưỡng thờ tự trong đời sống văn hóa ngày xưa, liên quan đến tâm lý và đời sống tinh thần cư dân truyền thống. Nó bao hàm sự kính ngưỡng, hướng thượng và lòng tự hào cộng đồng, khát vọng hạnh phúc dưới sự bảo trợ của thần linh. Từ triều đình đến thôn dã, người ta sống trong tâm thức văn hóa đó.
Giá trị nghệ thuật thì qua sắc phong, người ta tìm hiểu được nghệ thuật hội họa, ấn loát, thư pháp, ấn chương qua các triều đại. Rộng hơn, từ sự ghi nhận của chính thể quốc gia, sắc phong hạt nhân của các diễn xướng nghi lễ và hội hè, hạt nhân của sáng tạo bất tận về truyền thuyết dân gian, của nghệ thuật ngôn từ dân gian.
Chừng đó thôi, dân làng xưa nay vẫn coi sắc phong là bảo vật cần gìn giữ. Việc trộm sắc phong để bán là hành động vi phạm pháp luật, vô đạo lý và xâm phạm tín ngưỡng.
Chỗ thờ tự không nên để chính bản
Việc mất sắc phong đã xảy ra từ nhiều năm nay, theo ông, nguyên nhân do đâu và cần quy trách nhiệm thế nào?
Trong trường hợp mất sắc phong ở Dị Nậu, tôi cho rằng các cụ và nhân dân ở đó không có lỗi. Sắc phong đã được cất giữ cẩn thận, họ còn mua cả két sắt rất tốt để giữ gìn. Đó là một tai nạn. Rất nhiều người trong chúng ta cũng từng bị mất trộm, tôi cũng vậy. Có những điều nằm ngoài lượng định, năm ngoài sự cảnh giác của chúng ta. Chúng ta biết rằng, cảnh giác như ngân hàng mà trên thế giới vẫn xảy ra các vụ cướp nổi tiếng.
Trong các trường hợp mất mát khác thì nguyên nhân có nhiều, từng vụ việc một cần những điều tra cụ thể chứ không thể quy trách nhiệm chung chung được. Nếu quy trách nhiệm chung chung, không cẩn thận dân sẽ bị oan, sự đoàn kết cộng đồng có thể bị phương hại, từng cá nhân có thể tổn hại tâm lý và sức khỏe. Phải rất cụ thể với từng vụ việc. Một mất mười ngờ là tâm lý phổ biến. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội không trộm cắp, tham nhũng... nhưng đó là một cuộc đấu tranh thường trực và lâu dài.
Để chấm dứt tình trạng này, theo ông, cần có giải pháp ra sao?
Giải pháp thì có nhiều. Một giải pháp mà chúng tôi thường phổ biến cho các nơi là làm thác bản để lại chỗ thờ tự, còn chính bản thì gửi tại một cơ quan tin cậy (ngân hàng, viện bảo tàng...) để lưu giữ, hàng năm cử cán bộ văn hóa kiểm tra. Có thế, chúng ta mới lưu giữ được chắc chắn và lâu dài.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cục Di sản văn hóa vừa có văn bản gấp tới 5 tỉnh, thành: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị kiểm tra thông tin nhà đấu giá Dương Minh (Trung Quốc) đang đấu giá những sắc phong được cho là của Việt Nam. Văn bản của Cục Di sản văn hóa nêu rõ, trên website của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn có đăng tải thông tin vào 9h30 ngày 22-4-2023, tại khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá với tên gọi Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm.
Hiện vật được đem đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có đạo sắc khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam (các hiện vật đấu giá số thứ tự từ 2.243-2.254, bao gồm sắc phong đã có tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
Cục Di sản đề nghị các Sở phối hợp xác minh gấp, để kịp thời có phương án hồi hương cổ vật nếu đúng là sắc phong từ Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi video: "Viện nghiên cứu Hán Nôm đang tìm kiếm 25 cuốn sách cổ biến mất khỏi kho lưu trữ". Nguồn: THĐT.