Người Việt mời nhau “ăn cỗ”: Vì sao tập tục biến thành hủ tục?

Google News

(Kiến Thức) - Lời mời “ăn cỗ” của người Việt vốn là một phong tục truyền thống tốt đẹp, thể hiện thành ý tốt, nhưng dần dần đã bị biến tướng, trục lợi, dẫn đến một hủ tục như một thứ vòng xoáy phải đi ăn để trả “nợ miệng”.

Lời mời “ăn cỗ”, ban đầu là thể hiện thành ý tốt, nhưng dần dần đã bị biến tướng, trục lợi, dẫn đến một hủ tục như một thứ vòng xoáy phải đi ăn để trả “nợ miệng”. Đó là lý do vì sao các đám cưới đám hỏi, giỗ chạp ma chay, dựng vợ làm nhà... luôn được tổ chức linh đình với hàng trăm mâm cỗ.
Tập tục biến thành hủ tục
Nghiên cứu sâu về nét văn hóa đã trở thành tập tục là “mời”, PGS.TS Ngô Văn Giá, trường Đại học Văn hóa lắc đầu bảo: “Lời mời “ăn cỗ” bây giờ thực sự là một gánh nặng vô cùng lớn với cả người mời và được mời. Có những đám mà đi thì băn khoăn vì mối quan hệ của mình với gia chủ chưa đạt mức thân thiết phải tham dự, mà không đi thì áy náy vì sợ người ta lại quở trách, bảo mình không coi trọng. Nhiều lời mời không xuất phát từ thực tâm đã khiến cho tập tục biến thành hủ tục gây không biết bao nhiêu mỏi mệt, phiền hà cho những người trong cuộc “đám cỗ” ấy.
PGS.TS Ngô Văn Giá lý giải: Ngày xưa ít người chứ không đông như bây giờ, người ta quan niệm mỗi khi “có công có việc”, có giỗ chạp cưới xin thì phải mời thật đông người đến dự, càng đông càng tốt. Người đến dự đem theo khi thì con gà, khi thì chai rượu, cân gạo, quả cau... để “vừa mừng vừa giúp” cho gia chủ. Khi đó một phần vì ít người, phần vì nghèo, những sự giúp đỡ đó rất có ý nghĩa giúp gia chủ thực hiện xong công việc lớn đó mà không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế. 
Dần dần, tập tục ăn uống đó trở nên thay đổi. Miếng ăn miếng uống, sự mời mọc trở thành dấu chỉ nhận biết mình có quan trọng với người khác hay không. Thế là sinh ra “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Nhà gia chủ có việc gì đó mà không mời mình thì nghĩa là mình không được coi trọng, không phải là người thân thiết của gia chủ. Thế là sinh ra thù oán. Và thế là gia chủ sợ. Sợ mang tiếng. Khi nhà có việc gì, phải mời tất tần tật những người quen và thậm chí không quen. Đám cỗ trở nên quá linh đình.
“Thử hỏi cả xã hội này, tôi tin là đến 99% người được hỏi đồng ý rằng việc trả “nợ miệng” trở thành một thứ đem lại nhiều mỏi mệt, đôi khi là phiền toái. Sự tham dự của quan khách không đem lại cho gia chủ sự vui vẻ, thoải mái mà việc tổ chức càng lớn thì cả gia chủ và cả khách càng mệt mỏi. Những đám cưới mấy trăm mâm, những đám ma, đám giỗ hàng nghìn khách... đang tạo ra nỗi vất vả cho nhiều người”, PGS.TS Ngô Văn Giá nhìn nhận.
 Ảnh minh họa. 
Thói quen phô trương
Theo PGS.TS Ngô Văn Giá phân tích thì cũng có trường hợp người mời thật lòng và không tránh những trường hợp buộc phải mời, vì nếu không mời thì họ sẽ hờn dỗi trách móc. Xã hội ngày nay với dân số quá đông, cơ quan quá đông, họ hàng quá đông, mỗi người có quá nhiều mối quan hệ, nếu vẫn duy trì thói quen như ngày xưa thì rất phiền toain. Tư duy tôi mời ông thì ông cũng phải mời tôi, rồi tư duy mời để “thu về”, tổ chức để “có thêm một khoản”, tư duy trục lợi trong việc tổ chức những đám linh đình như thế đang rất phổ biến hiện nay. 
Có người tôi được biết ở cùng một cơ quan, dù cũng chẳng tin tưởng, chẳng ưa gì một số người khác, nhưng khi nhà có việc lớn là lấy sổ lương cơ quan ra mời hết theo danh sách. Chúng ta đang quá nặng về mời mọc ăn uống, chưa thoát khỏi quan niệm coi miếng ăn là quan trọng, “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”.
PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ: “Ngày xưa tôi cũng nể lắm, ai mời cũng phải đi. Nhưng bây giờ thì phải xem xét rõ mối quan hệ đó. Lắng nghe lòng mình xem việc đi đó mình có thực sự mong muốn hay không, có thực sự là cần thiết không hay chỉ là một mối quan hệ sơ sơ thôi để cân nhắc. Chứ tôi thấy cái việc mời mọc đó nó lạc hậu và phiền toái vô cùng. Lại còn tốn kém và nảy sinh bao tiêu cực. Nhiều người coi việc tham dự các đám cỗ linh đình đó như một hình thức đi hối lộ, đút lót trá hình. Rồi khi tổ chức một đám cỗ và đi mời, người Việt Nam không có thói quen “hồi đáp” có tham dự hay không. Nên khi gia chủ đã mời là dự trù làm cỗ. Không đến thì gia chủ “ế cỗ” cũng chết. Rồi vì tính sĩ diện, thấy nhà khác làm to, mình cũng phải làm to. Nhiều khi cỗ to chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy”, mệt đủ đường”.
Người Việt Nam ưa hình thức, ưa phô trương, nên nghĩ cứ tổ chức cái gì càng linh đình thì càng thể hiện cái uy, cái “tầm” của gia chủ.
 Ảnh minh họa.
Hủ tục cần loại bỏ 
 Theo phân tích của PGS.TS Ngô Văn Giá, việc tổ chức cỗ bàn ăn uống linh đình là một hủ tục cần phải loại bỏ. Việc mời mọc cần đi vào thực chất chia sẻ vui buồn của anh em, bạn bè hơn là một công việc mang tính hình thức. Việc mời mọc quá đông có thể coi là biến tướng của tập tục làm cả cộng đồng phiền toái và mệt mỏi. Bản thân người tổ chức các đám cỗ, hãy suy nghĩ “tân tiến” một chút, rằng ai là người thực sự muốn chia sẻ với mình trong việc đó. Ngược lại, khi tham dự một đám cỗ, cũng hãy cân nhắc vị trí của mình trong mối quan hệ đó để xác định có tham dự hay không.
“Tôi có mong ước các đám cỗ cưới, tân gia... của chúng ta làm thật chân thành, tiết kiệm và không phô trương. Tôi thấy ở các nước phát triển, người ta tổ chức một lễ cưới rất trang trọng những cũng rất ấm cúng. Một đám cưới mà chỉ có khoảng 20 – 30 người tham dự là bạn bè thân thiết của cô dâu và chú rể. Họ cùng nhau vào nhà thờ làm lễ, rồi kéo nhau ra một thảm cỏ đàn hát, ăn tiệc nhẹ chúc mừng cô dâu chú rể. Cặp vợ chồng mới cưới trở về đầy cảm hứng và hạnh phúc. Nhưng chúng ta thì không như vậy, sau đám cưới, cặp vợ chồng nào cũng tơi tả, mỏi mệt. Mà đám cưới dường như là đám cưới của bố mẹ chứ không phải là đám cưới của đôi vợ chồng, quan khách tham dự đa phần là của bố mẹ”, PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Ngô Văn Giá, dù rất khó để thay đổi những điều đã ăn sâu bám rễ quá lâu vào đời sống, nhưng làm dần dần chắc chắn sẽ có biến chuyển. Các cơ quan chức năng, truyền thông tích cực thông tin phân tích về lẽ phải, đúng, sai trong từng việc như vậy, người dân sẽ tự nhận thức để điều chỉnh hành vi của mình.
GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho rằng, “nợ miệng” ngày nay trở thành một gánh nặng đối với rất nhiều người, đặc biệt là những người không có điều kiện kinh tế. Có những người phải đi vay mượn để ăn cỗ, rồi đâm ra nợ nần. Việc thay đổi nhận thức, thanh lọc những quan niệm, thói quen không còn phù hợp là việc nên làm. Theo các chuyên gia văn hóa, phần lớn mọi người trong xã hội vẫn là xem trọng những giá trị vật chất, bởi những tác động tức thời mà nó mang lại. Người xưa hẳn đã quan sát rất kỹ hiện tượng này nên mới có 2 câu ca dao đầy châm biếm: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/Mất đi một miếng lộn gan lên đầu”. Nó cho thấy tính chất thấp hèn của các giá trị vật chất, tiêu biểu là những “miếng ăn”, chỉ tạo được sự thỏa mãn nhất thời mà không để lại tác động dài lâu trong việc hoàn thiện tâm hồn. Đừng để miếng ăn, cái sự “nợ miệng” đánh mất đi những giá trị tinh thần cao quý vốn có của mình.
Tô Hội

>> xem thêm

Bình luận(0)