Trong buổi xuân mới, bên cạnh niềm vui và hi vọng, nhiều người trong chúng ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những cảnh tượng chướng tai gai mắt khi đi lễ chùa đầu năm. Đó là cảnh chen lấn xô đẩy, đốt vàng mã vô tội vạ, văng tiền lẻ khắp nơi... Và đặc biệt là những lời cầu xin thánh thần thể hiện cái tâm trần tục, không phù hợp với không gian tâm linh của những chốn thiêng liêng.
|
Người dân đi lễ ở chùa Trấn Quốc, Hà Nội dịp đầu xuân. |
Truy tìm gốc rễ của thói quen “xin xỏ” thánh thần
Trước khi đề cập đến chuyện “xin xỏ” thánh thần của người Việt, cần khẳng định rằng niềm tin vào một đấng siêu nhiên có khả năng ban phát điều tốt lành cho con người là một niềm tin phổ biến trong tất cả các nền văn hóa từ xưa đến nay. Niềm tin này đã chi phối sự hình thành và phát triền của hầu hết các tín ngưỡng, tôn giáo lớn của nhân loại trong suốt hàng nghìn năm qua.
Việt Nam là một quốc gia thuộc nền văn minh lúa nước ở khu vực Đông Nam Á. Cũng như các nước trong khu vực, trong quá trình tồn tại và phát triển, xã hội của người Việt đã phải chịu sự chi phối rất lớn của thiên nhiên, bao gồm cả những yếu tố ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. Sự bất lực trong việc kiểm soát các diễn biến của tự nhiên đã dẫn đến sự hình thành quan niệm “vạn vật hữu linh”, cho rằng mọi sự việc xảy ra đều có sự ảnh hưởng của một vị thần nào đó, từ những chuyện ảnh hưởng đến cả cộng đồng cho đến chuyện riêng của từng cá nhân.
Bên cạnh đó, tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, những người có công với địa phương, đất nước cũng tôn những người trần mắt thịt thành những vị thần thánh có khả năng năng phù hộ độ trì, giúp con người vượt qua các tai ương trong cuộc sống.
Theo dòng thời gian, những quan niệm tâm linh kể trên đã phát triển và được chế định hóa thành các tín ngưỡng dân gian khác nhau. Các tín ngưỡng đó cũng kết hợp với các tư tưởng du nhập từ nước ngoài như đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho… tạo nên một bức tranh tín ngưỡng vô cùng phong phú của người Việt. Trong bức tranh ấy, việc đi đền chùa để cầu an, cầu lộc từ các đấng thần linh có thể coi là một chi tiết không thể thiếu.
Bước sang thế kỷ 20, dù xã hội đã đổi thay mạnh mẽ theo hướng hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt vẫn được bảo tồn, trong đó niềm tin tâm linh chiếm một vai trò rất quan trọng.
|
Đi lễ đền chùa đầu năm là một tập quán đẹp, nhưng đang có nhiều biến tướng tiêu cực. |
Về cơ bản, niềm tin này mang ý nghĩa tích cực vì nó gắn với đạo lý dân tộc đã được truyền lại qua rất nhiều thế hệ. Nhưng ở thời buổi kinh tế thị trường, niềm tin tâm linh đã có các biến tướng tiêu cực gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Mời quý độc giả xem video: 5 ngôi chùa "cầu được ước thấy" đầu năm ở Việt Nam. (Nguồn: Tử vi xem tướng).
Cụ thể, nỗi lo sợ trước một cuộc sống quá nhiều biến động cùng lòng tham danh lợi không có điểm dừng đã khiến một bộ phận người Việt trở nên cuồng tín đến mê muội, thực hiện những hành vi không đúng chuẩn mực với ngộ nhận rằng điều này có thể khiến thánh thần động lòng mà cứu chuộc chọ số phận mình.
Cần hành xử như thế nào khi đi lễ đền, chùa đầu năm?
Để tập quán đi lễ đền, chùa đầu năm không bị biến tướng và xuất hiện những hình ảnh xấu xí, mỗi người dân Việt cần có sự nhận thức đầy đủ về những điều nên làm và không nên làm ở chốn tâm linh thiêng liêng.
Các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia tâm linh khuyên rằng, khi đi lễ đền chùa đầu năm hay bất cứ thời điểm nào trong năm cũng chỉ nên mong cầu sức khỏe và sự bình yên. Lời cầu cần rõ ràng, đúng mực và thành tâm.
Người đi lễ không nên cầu xin tài lộc, công danh, tiền bạc, của cải, vật chất… vì kiểu cầu xin này là một biểu hiện của lòng tham và sự u mê trong tâm trí con người. Người có tâm trí lành mạnh sẽ hiểu rằng sự thành đạt của mỗi người đa phần là do con người cố gắng, phấn đấu và rèn luyện, còn yếu tố may mắn chỉ là hàng thứ yếu. Đầu năm đi lễ mà cầu xin những mong ước, danh vọng thế tục như vậy là sai chỗ, làm mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh của cha ông ta.
|
Người đi lễ đền chùa cần tránh những hành vi xấu. |
Về hành vi, người đi lễ phải tránh những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực với người xung quanh như to tiếng, chen lấn xô đẩy, hành vi lãng phí như đốt hương, đốt vàng mã tùy tiện, vung tiền lẻ khắp nơi, hành vi phá hoại môi trường như xả rác bừa bãi, hái hoa, bẻ cành… Theo quan niệm của người xưa, nếu phạm phải nhiều điều xấu khi đi lễ đền chùa thì công đức gây dựng được sẽ đổ bể hết cả.
Đặc biệt, những người đi lễ ở các chùa chiền Phật giáo cần nhận thức được rằng Đức Phật không phải một vị thần thánh có nhiều phép thần thông, có khả năng ban cho mình những giá trị thực tiễn như tiền tài, may mắn, địa vị… trong cuộc sống.
Đức Phật chỉ là một nhà tư tưởng, một người thầy chỉ cho con người hướng đi trong cuộc sống, và bản thân mỗi người mới chính là chủ thể quyết định chính cuộc sống của mình.