Cha phúc đức cuối đời sinh quý tử
Thời nhà Lý có lập phủ Phú Lương, đây là Phủ rất rộng lớn bao gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng ngày nay. Vùng đất này được cho là đất phong thủy, sinh ra hào kiệt. Sách “Đại Nam nhất thống chí” mô tả rằng: “Điểm Sơn ở cách huyện Phú Lương 30 dặm về phía Tây Bắc, phía trước núi có phiến đá chỗ lên, chỗ xuống như con rồng ngóc đầu, phía dưới có hai phiến đá lớn, như hình hai con voi chầu vào. Đỉnh núi và sườn núi đều có đền.” Với thế rồng cuộn, voi chầu như vậy, núi Đuổn nơi đây được xem là “linh sơn xứ Thái”.
Dân gian truyền rằng vào thời vua Lý Nhân Tông, dưới chân núi là nơi ở của một viên quan Châu mục họ Dương nổi tiếng một thời, từng góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Tống. Dù lập công lớn, được trọng thưởng, nhưng là người nhân từ, có bao nhiêu bổng lộc ông đều chia cho dân chúng. Khi về già ông chẳng có phủ đệ xa hoa, nên chọn đến đây để ở.
Khi ông 70 tuồi thì vợ sinh hạ được cậu con trai, đặt tên là Tự Minh. Vị quan Châu Mục vì đã có tuổi nên mất từ khi Dương Tự Minh còn nhỏ. Cậu bé lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ. Vì có người cha nhân từ nên gia đình luôn được nhiều người gần xa giúp đỡ.
Đánh đuổi thổ phỉ, được Vua gả công chúa
Khi Dương Tự Minh hơn 20 tuổi thì có thổ phỉ đến cướp phá, Tự Minh quyết định thành lập đội dân binh. Nhờ vào danh tiếng của cha, hàng trăm người đã hưởng ứng cậu. Dương Tự Minh chỉ huy đội binh của mình bảo vệ được bản làng trước thổ phỉ.
Đội quân của Dương Tự Minh dần ảnh hưởng đến cả vùng Phú Lương, bản thân Dương Tự Minh cũng có phẩm cách nên được các quan địa phương và Tù trưởng suy tôn làm thủ lĩnh Phú Lương.
Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” của Triều đình, Dương Tự Minh cho quân ở nhà, khi cần lại sẵn sàng tập hợp. Vì thuận tiện nên trai tráng đi theo Tự Minh dần đông lên, cuối cùng đội quân của Tự Minh trở thành lực lượng chủ lực nơi biên giới.
Ở Triều đình lúc này, Vua Lý Nhân Tông không có con trai, chỉ có một người con gái là công chúa Diên Bình, nên rất mực yêu quý.
Năm 1127, trước khi mất 1 năm, Vua cho mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng cho những công lao bảo vệ vùng đất Phú Lương, đồng thời gả luôn công chúa Diên Bình cho. Sau đó Vua phong cho Dương Tự Minh làm Châu Mục vùng Thượng nguyên và trấn trị cả phủ Phú Lương rộng lớn.
Tháng 1/1142, Triều đình dẹp xong loạn Thân Lợi, liền cử Dương Tự Minh đến Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay) phủ dụ dân chúng trở lại bản quán, giúp dân chúng ổn định lại cuộc sống.
Đánh tan loạn quân từ Tống sang, lần thứ hai được gả công chúa
Năm 1144, có người Tống là Đàm Hữu Lượng khởi binh tại đất Tống ở gần biên giới với Đại Việt. Đàm Hữu Lượng bị Triều đình nhà Tống đánh phải chạy sang Đại Việt. Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư” thì Đàm Hữu Lượng sang Đại Việt năm 1145, nhưng các nguồn sử liệu ở địa phương đều nêu rõ năm Bảo Định thứ 5, tức năm 1144, Đàm Hữu Lượng đưa quân đến cướp phá châu Quảng Nguyên và các nơi vùng biên giới.
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)
Dương Tự Minh xin được xông trận, ông được Vua phong cho chức Thống binh cùng 3 vạn quân, cùng các văn thần Nguyễn Như Mai, Lý Nghĩa Vinh đánh quân của Đàm Hữu Lượng.
Dương Tự Minh chia quân làm 2 đạo tiến theo thế gọng kìm, đánh lui quân phản loạn.
Cuộc chiến quyết định diễn ra ở ải Lũng Đổ, châu Thông Nông (nay là huyện Thông Nông, Cao Bằng). Quân Việt chiến thắng, thuộc tướng quân phản loạn là Bá Đại cùng toàn bộ chỉ huy đều bị bắt, chỉ có Đàm Hữu Lượng chạy thoát, nhưng sau đó bị nhà Tống lừa bắt được.
Sau khi giành chiến thắng, Dương Tự Minh cho người giải bọn Bái Đại về Kinh chịu tội, còn mình ở lại củng cố vùng biên ải, ổn định dân chúng, rồi mới cùng toàn quân trở về Kinh thành.
Triều đình ban yến tiệc mừng chiến thắng, đồng thời gả luôn công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh, và phong ông làm Phò mã lang (khác với danh hiệu Phò mã thông thường).
Trong lịch sử không thấy ghi rõ Thiều Dung công chúa là con ai. Vào thời điểm năm 1144 thì vua Anh Tông mới 8 tuổi nên chưa thể sinh con, nên có thể Thiều Dung công chúa là chị hoặc cô của vua Anh Tông.
Dương Tự Minh trở thành người duy nhất trong sử Việt hai lần được gả công chúa và trở thành Phò mã tài ba của nhà Lý. Ông được mời ở lại Kinh thành giúp nước, lập dinh Phò mã lang ở Kinh đô.
Trung với Vua, trị tội quyền thần
Vì Vua Anh Tông còn nhỏ nên Linh Chiếu hoàng thái hậu nhiếp chính. Thái hậu lại tư thông với Đỗ Anh Vũ và để ông ta làm Phụ quốc Thái úy, trở thành quyền thần bậc nhất trong triều đình.
Trong Triều, Đỗ Anh Vũ kiêu ngạo và khinh rẻ ức hiếp vua, uy hiếp quan lại trong triều. Dương Tự Minh cùng một số đại thần đã bàn mưu diệt trừ Đỗ Anh Vũ.
Sự kiện này “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép như sau:
“Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói. Điện tiền đô chỉ huy sứ là vũ Đái, Hoả đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Hoả đầu đo Ngọc Giai là Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Anh Vũ.”
Dương Tự Minh cùng các quan làm binh biến bắt được Đỗ Anh Vũ, giam lại chờ xét xử. Tuy nhiên Linh Chiếu Hoàng thái hậu ra tay cứu Đỗ Anh Vũ và giúp phục chức Thái úy, khiến y ra tay trấn áp giết hại hết các trung lương trong Triều đình, trong đó có cả Dương Tự Minh.
Dương Tự Minh bị đưa đi đày, nhưng trong sử không nói rõ ông bị đày ở đâu. Dân gian cho rằng khi về già ông trở về chân núi Đuổm và mất ở đây.
Sau này nhà Lý phong cho ông là Uy Viễn Đôn Tỉnh Cao Sơn Quảng Độ chi Thần, nhiều triều đại sau này ban sắc phong là Thượng đẳng thần. Năm 1180 dười thời vua Lý Cao Tông, người dân xây dựng đền Đuổm ở dưới chân núi Đuổm, đây là nơi thờ Dương Tự Minh, gọi là đền thờ Đức Thánh Đuổm.
Cổng vào Đền Đuổm, nơi thờ tự Phò mã lang Dương Tự Minh. (Ảnh: Nguyễn Thanh Quang, Wikipedia, CC BY-SA 3.0).
Ngoài ra ở rất niều nơi khác như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, người dân dựng đình, miếu thờ Đức Thánh Đuổm, ngưỡng vọng về một vị danh tướng, một Phò mã lang thuở xa xưa.