Thời gian đầu, nghĩa quân của Lê Lợi chủ yếu hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa, với rất nhiều khó khăn, gian khổ. Trong hoàn cảnh đó, tướng Nguyễn Chích đưa ra lời bàn để nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An "làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ".
Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Bà Am (thôn Hội Hiền, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân). Ảnh: Chi Anh
Theo kế đó, nhằm mục đích đánh lạc hướng sự chú ý của quân Minh, ngày 20.9.1424, nghĩa quân Lam Sơn tập trung binh lính và voi đánh úp đồn Đa Căng (nay thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân) tiêu diệt hơn 1.000 tên, thu được nhiều quân trang, vũ khí. Tên ngụy quan Lương Nhữ Hốt chỉ kịp chạy thoát thân. Sau đó tướng giặc Hoa Anh dẫn quân đến cứu, Lê Lợi rút quân qua làng Hội Hiền (nay thuộc xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân), thấy một cô gái đang múc nước từ giếng lên, Lê Lợi dừng lại, được cô gái thông tin về đường đi lối lại và địa thế khu vực.
Giặc Minh đuổi theo nghĩa quân Lam Sơn, đến bên giếng đất gặp cô gái gánh nước, bèn hỏi có thấy một toán quân vừa chạy qua không. Ngọc Hoa chỉ về phía quân Lam Sơn đã mai phục. Quân cứu viện nhà Minh lọt vào vòng vây, nghĩa quân Lam Sơn xông lên nhất tề tiêu diệt địch. Đạo quân cứu viện cho đồn Đa Căng thua to, tướng giặc Hoa Anh và đám tàn quân cố thoát chạy về thành Tây Đô (tức Thành Nhà Hồ, Vĩnh Lộc). Chiến thắng này đã mở thông đường cho nghĩa quân Lam Sơn hành quân qua Châu Quỳ, tiến đánh thành Trà Long, Nghệ An.
Khâm phục tài trí và sự dũng cảm của cô gái, Lê Lợi đem lòng yêu mến, sau trận Đa Căng ông về khao quân tại làng Hội Hiền và hứa hẹn với Ngọc Hoa mối duyên chồng vợ.
Sau khi giúp Lê Lợi phá tan quân giặc cứu viện đồn Đa Căng được 7 ngày, Ngọc Hoa tự nhiên không bệnh mà mất. Truyền thuyết kể rằng, suốt thời gian kháng chiến, Lê Lợi luôn mộng thấy người con gái làng Hội Hiền theo sát, động viên khích lệ ông đánh thắng quân thù. Sách “Thanh Hóa chư thần lục” chép về tục thờ vị thần của làng Hội Hiền như sau: “Thần là người thôn này, tên là Hoa Nương, khi vua Lê Thái tổ đi đánh giặc Ngô qua đây nghỉ lại, thấy nàng nhan sắc, nết na, đức hạnh, vua muốn lấy làm phi mà chưa thành thì nàng đã thoát hoa. Đêm vua mộng thấy có người con gái quỳ tâu là trước đây có mối lương duyên chưa hợp, nay nghe vua đánh giặc, xin giúp nhà vua thành công. Hôm sau, vua đánh giặc quả nhiên thắng trận”.
Năm Mậu Thân 1428, Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Thái tổ cho người về đón người con gái này như đã hứa, nhưng Ngọc Hoa đã không còn nữa. Nhà vua vô cùng thương tiếc và để nhớ ơn, bèn sai lập đền thờ và phong sắc; cấp ruộng thờ cúng và được vua phong quốc tính và được đặt tên là Ân (ân là ơn). Đến đời Lê trung hưng, triều đình lại sắc phong cho Hoa Nương mỹ hiệu là “Tá Thái tổ Cao Hoàng đế, khai quốc công thần, Hoàng phi Trinh liệt tôn thần”. Sau này, dân làng Hội Hiền vì kiêng tên húy và duệ hiệu của bà nên gọi chệch là Ngọc Am.
Chứng kiến những biến động của lịch sử, đền thờ Bà Am nhiều lần bị đánh sập, hoặc được trưng dụng làm xưởng chế tạo vũ khí trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Đến năm 1995, Hội Hiền được công nhận làng văn hóa, Nhân dân tập hợp nhau quyên góp tiền để khôi phục lại đền. Năm 2006 và năm 2020 đền tiếp tục được trùng tu. Gần đây nhất, năm 2022 trùng tu, tôn tạo nhà Hội đồng thánh mẫu. “Rất tiếc đến nay ngọc phả và sắc phong không còn nữa. Hiện nay đền khá khang trang, cảnh quan đẹp. Có được điều đó là do Nhân dân làng Hội Hiền và khách thập phương đóng góp để xây dựng”, Phó Chủ tịch HĐND xã Tây Hồ Phùng Xuân Lợi cho biết.
Về thôn Hội Hiền, xã Tây Hồ lần này đúng dịp bà con Nhân dân trong thôn đang chuẩn bị lễ tế Bà Am vào ngày 27.9 âm lịch. Ngoài làng Hội Hiền, một số làng trong vùng được hưởng bổng lộc đất đai như: Bàn Thạch, xã Xuân Quang; Trung Lập, xã Xuân Lập đều tổ chức tế bà với nhiều nghi thức khác nhau. Mỗi làng đều cử ra những người có uy tín đại diện cho các dòng họ cùng phối hợp để trông nom việc tế lễ ở đền.
Dẫn chúng tôi tham quan, giới thiệu về làng quê nơi mình sinh ra, lớn lên, trưởng thôn Hội Hiền Trịnh Viết Lăng tự hào cho biết: Trên địa bàn xã Tây Hồ có 2 di tích cấp tỉnh thì đều nằm trên đất thôn Hội Hiền. Trước đây, cảnh quan của di tích với nhiều cây cổ thụ xum xuê. Bước chân vào đền, mọi người đều dễ dàng nhìn thấy hệ thống khánh, chuông, thống được làm bằng đá; đồ thờ bằng gỗ, bằng gốm và đất nung được bố trí trong điện thờ trang nghiêm, bề thế. Điều tiếc nuối thì cũng đã qua. Thời gian gần đây, nhiều hiện vật đá đã được người dân xung quanh mang trả lại cho đền. Và hơn hết là di tích đã được chính quyền địa phương lập quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị.
Quanh cuộc đời vị vua khai sáng triều Hậu Lê có rất nhiều người phụ nữ. Đó là thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, người cai quản mọi việc trong nhà khi Lê Lợi còn làm phụ đạo và cai quản mọi việc trong cung khi chồng lên ngôi vua; là Phạm Thị Ngọc Trần sẵn sàng hy sinh tính mạng vì quốc gia đại sự… Những câu chuyện ấy dệt thêm những huyền thoại, ánh hào quang quanh cuộc đời và sự nghiệp của Bình định vương Lê Lợi. Bởi “Lê Lợi đánh giặc chỉ có dân” nên đề tài Lam Sơn và nhân vật Lê Lợi đã “thấm sâu, bén rễ chiếm lĩnh cả chiều ngang lẫn chiều dọc của thế giới truyền thuyết Lam Sơn”, như nhận định của PGS Vũ Ngọc Khánh.
Chuyện Bà Am dẫu không được ghi nhiều trong chính sử, nhưng qua những sự kiện ghép nối lại, qua các mẩu chuyện truyền từ đời này sang đời kia, thì Bà Am chính là một hình tượng đẹp về phụ nữ Việt Nam mà Nhân dân gây dựng và trân trọng thể hiện, giữ gìn.