Sau khi bức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô (Thanh Hóa) và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế và cũng là cháu ngoại của mình, rồi tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ.
Triều đình nhà Minh ở phương Bắc khi đó đã rất muốn xâm lăng Đại Ngu, nên nhân cơ hội Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần để đưa quân tràn vào đất Việt năm 1407. Cha con Hồ Quý Ly có tổ chức chống cự nhưng liên tục thất bại và đến tháng 6-1407 Hồ Quý Ly bị bắt cùng các con trai là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương. Từ đó, nước Đại Ngu sụp đổ. Mùa Xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú,... tất cả 50 tướng văn và tướng võ (trong đó có 19 người đã từng kết nghĩa anh em nguyện cùng chí hướng với nhau ở hội thề Lũng Nhai, năm 1416) chính thức phất cờ khởi nghĩa. Đồng thời, ông tự xưng là Bình Định vương và kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân Minh xâm lược.
Tháng 8 năm 1426, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh Bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lý Triện ra phía Tây Bắc; Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông Bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan. Lý Triện tiến đến gần Đông Quan gặp Trần Trí kéo ra, liền đánh bại Trần Trí. Nghe tin viện binh nhà Minh ở Vân Nam sắp sang, Lý Triện chia quân cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả ra chặn quân Vân Nam, còn Lý Triện và Đỗ Bí hợp với quân Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh Đông Quan.
Phạm Văn Xảo phá tan viện binh Vân Nam. Quân Vân Nam chạy về cố thủ ở thành Xương Giang. Trần Trí thấy mất viện binh bèn cầu viện Lý An ở Nghệ An. Lý An và Phương Chính để Thái Phúc ở lại giữ thành Nghệ An, mang quân vượt biển ra cứu Đông Quan. Lê Lợi liền giao cho Lê Văn An, Lê Văn Linh vây thành, còn mình kéo đại quân ra Bắc.
Trước tình thế đó, vua nhà Minh sai Vương Thông, Mã Anh mang quân sang tiếp viện. Thông hợp với quân ở Đông Quan được 10 vạn, chia cho Phương Chính, Mã Kỳ. Lý Triện, Đỗ Bí đánh bại Mã Kỳ ở Từ Liêm, lại đánh luôn cánh quân của Chính. Cả hai tướng của nhà Minh đều thua chạy và kéo quân về nhập với quân Vương Thông nhưng lại bị bao vây ở Cổ Sở.
Cuối năm 1427, vua Minh Tuyên Tông điều viện binh cứu Vương Thông nên sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân tiến sang từ Quảng Tây. Mộc Thạnh mang 5 vạn quân từ Vân Nam kéo sang. Đây là hai tướng đã từng sang đánh Việt Nam thời nhà Hồ và nhà Hậu Trần. Trong hàng tướng lĩnh của nhà Minh khi đó có Lưu Thanh. Khi sang đất Đại Việt, Lưu Thanh được giao cho trấn giữ thành Tam Giang ở Phú Thọ. Sau khi cắt đứt giảng hòa, Lê Lợi sai các tướng đi đánh chiếm các thành ở Bắc bộ như Điêu Diêu, Tam Giang, Xương Giang, Kỳ Ôn và không lâu sau đều hạ được. Giữa năm 1427, Lưu Thanh là chỉ huy đồn Tam Giang và tại đây đã xảy ra một sự kiện khá độc đáo, đã được sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép lại như sau:
- Tháng 6 năm 1427, bọn chỉ huy sứ của nhà Minh là Lưu Thanh đóng ở đồn Tam Giang đã theo lệnh điều động của quan tổng binh đem quân đi cứu quân Minh, nhưng lại bị bại trận. Khi đang trên đường trở về, có tên nguỵ binh buông lời khinh mạn Lê Lợi. Lưu Thanh liền mắng rằng:
- Thằng kia vô lễ. Ông ấy - chỉ Lê Lợi, sẽ là hoàng đế của chúng mày đấy.
Khi về đến thành Tam Giang thì Lưu Thanh đem binh sĩ trong thành ra hàng nghĩa quân Lam Sơn.
Về sự việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết: Nghĩa binh đi tới đâu là quân Minh thua chạy đến đấy, nhưng đó có phải là vì quân ta đông mà quân giặc ít đâu? Đó cũng có phải là vì quân ta mạnh mà quân địch yếu đâu? Tất cả chỉ là vì đức của vua (chỉ Lê Lợi) hợp với lẽ trời, hợp với lòng người nên người theo về đó thôi. Bấy giờ, không những chỉ có người nước ta vui lòng theo phục, mà cả đến bọn phản nghịch cũng tôn kính, cho nên chúng cùng nhau ra hàng là phải lắm. Thế thì việc dấy quân nhân nghĩa của vua nào có kém gì công trạng rực rỡ của Thang, Võ trước kia? Việc làm của tướng Lưu Thanh càng tỏ rõ uy đức của vua lớn lắm.
Lời bàn:
Từ nội dung của giai thoại trên đây, muốn lĩnh hội được hết ý nghĩa trong lời bàn của sử gia Ngô Sĩ Liên, chúng ta cần phải biết về hai nhân vật Thang, Võ là ai. Đó là vua Thang và vua Võ ở Trung Quốc thời cổ đại. Thang là Thành Thang, người đã có công diệt vua Kiệt tàn bạo của nhà Hạ rồi sau đó lập ra nhà Thương (còn gọi là nhà Ân). Võ là vua Võ Vương, người đã diệt vua Trụ cũng rất tàn bạo của nhà Thương mà lập ra nhà Chu. Thành Thang và Võ Vương là hai vị vua rất được giới Nho gia không chỉ ở Trung Quốc mà ở nhiều nước phương Đông tôn kính. Vì thế, sử gia Ngô Sĩ Liên đã ví uy đức của Lê Lợi to lớn như Thành Thang và Võ Vương.
Thế mới hay rằng, ở đâu và thời nào cũng vậy, những ai có nhân, có đức thì dù là chưa biết mặt, nhưng ngay đến cả kẻ thù cũng phải nể trọng, tôn kính. Và những người có được điều ấy thì đại sự chắc chắn sẽ thành. Trong dân gian có câu nói quả là không sai: Có nhân, có đức thì mặc sức mà ăn. Tuy nhiên, ăn ở đây là ăn cái mình có, cái mình làm ra và là cái của mình, chứ nếu ăn của đút, ăn của công... thì có nhân, có đức đến mấy cũng có ngày...